Đa dạng hình thức phục vụ
Bình Phước hiện có 1 thư viện tỉnh, 9 thư viện cấp huyện, 20 cấp xã và trên 10 tủ sách cơ sở. Hằng năm, hệ thống thư viện tỉnh, huyện cấp khoảng trên 300 thẻ bạn đọc, phục vụ khoảng 115 ngàn lượt bạn đọc, với trên 425 ngàn lượt sách, báo luân chuyển. Các trường từ tiểu học đến THCS, THPT đều có thư viện, phòng đọc sách. Song song đó, thư viện các trường cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, đào tạo nghề, tủ sách của cơ quan nhà nước các cấp từng bước được quan tâm đầu tư. Trong 2 năm (2016, 2017), UBND tỉnh đã đầu tư kinh phí phục vụ thư viện lưu động đến vùng sâu, xa, vùng dân tộc thiểu số; đến cán bộ, chiến sĩ các doanh trại quân đội, công an và các đối tượng đặc thù như: người mù, phạm nhân tại các trại tạm giam, trại giam, học viên chữa bệnh tại trung tâm giáo dục lao động xã hội. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh hiện có nhiều nhà sách, gian sách, cửa hàng sách; tủ sách công nhân, khu lưu trú... với hình thức đa dạng trên tinh thần phục vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân. Đặc biệt, cùng với khoảng 80 ngàn đầu sách và tài liệu điện tử phong phú, các cơ sở dữ liệu số của Thư viện quốc gia Việt Nam, thời gian qua, Thư viện tỉnh đã thực hiện xe thư viện lưu động. Xe như một thư viện thu nhỏ, trang bị máy tính, khu vực đọc sách đến những thôn, ấp vùng sâu, xa, dân tộc thiểu số, biên giới, được đông đảo độc giả đón nhận.
Hằng năm, Hội Nhà báo tỉnh đều tổ chức hội báo xuân - một trong những hoạt động để đưa báo chí đến bạn đọc
Vẫn thờ ơ với “kho báu”
Sự phát triển của các thiết bị điện tử, nhất là điện thoại thông minh, máy tính bảng đang dần làm mất đi vai trò của sách vốn được coi là “kho báu” đối với cuộc sống con người. Hiện văn hóa đọc chưa thực sự phổ cập trong toàn xã hội mà mới tập trung ở một số đối tượng, chủ yếu là cán bộ, công chức nghỉ hưu, học sinh, sinh viên, các nhà nghiên cứu... Ngay tại Thư viện tỉnh, dù được đầu tư xây dựng với mặt bằng rộng, hệ thống sách phong phú, đa dạng nhưng lượng bạn đọc đến đây còn thấp. Bình quân hằng năm, Thư viện tỉnh cấp khoảng trên 200 thẻ bạn đọc; cấp huyện chỉ khoảng 100 thẻ bạn đọc. Với số dân trên 951 ngàn thì tỷ lệ người dân Bình Phước đến thư viện công cộng đọc sách, báo, nghiên cứu tài liệu quả thật quá thấp.
Theo đánh giá của UBND tỉnh, mạng lưới thư viện cấp xã, bưu điện văn hóa xã, tủ sách công cộng dù có bước phát triển nhưng chất lượng tổ chức và hoạt động chưa đáp ứng nhu cầu bạn đọc; vốn tài liệu sách, báo ít, thiếu kinh phí bổ sung; không có cán bộ chuyên trách, cơ sở vật chất xuống cấp, lạc hậu... Hệ thống thư viện trường học chưa được quan tâm đúng mức, vốn sách, báo nghèo nàn, chưa thường xuyên bổ sung các đầu sách mới. Điều đáng lo ngại là xu hướng đọc hiện nay ít nhiều có biểu hiện lệch lạc. Nhiều thanh, thiếu niên chỉ đọc những nội dung đơn giản, chủ yếu là truyện tranh, truyện ngôn tình, theo kiểu hưởng thụ hơn là suy ngẫm, trong đó có những loại sách thiếu lành mạnh. Các loại sách kinh điển, giàu tính văn chương, dạy làm người, củng cố vốn sống... rất ít giới trẻ tìm đọc. Bên cạnh đó, nội dung nhiều cuốn sách chưa thực sự sâu sắc, lành mạnh, chủ yếu là sưu tầm, tập hợp, bán với giá cao... cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến văn hóa đọc hiện nay.
đọc để học VÀ NGHIÊN CỨU
Với mục tiêu nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa của việc đọc, xây dựng xã hội tự đọc, tự nghiên cứu, tự học tập, góp phần thực hiện cuộc vận động “Người Bình Phước nói lời hay, làm việc tốt”, ngày 1-9-2017, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 199/KH-UBND triển khai thực hiện Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Kế hoạch đưa ra chỉ tiêu cụ thể đến năm 2020 phấn đấu đạt mức thụ hưởng bình quân sách 5 bản/người dân và đạt 1 bản sách/người dân trong hệ thống thư viện công cộng; mỗi người dân đọc trung bình 4 quyển sách/năm. Về khả năng tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức, phấn đấu 100% học sinh, sinh viên và người học khác tại các cơ sở giáo dục được phục vụ khi có nhu cầu tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức tại các thư viện công cộng, thư viện của các cơ sở giáo dục, văn hóa, khoa học. Phấn đấu đến năm 2020 có từ 10-25% người dân ở khu vực nông thôn, 5-10% người dân ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức và các dịch vụ liên quan tại thư viện công cộng, trung tâm hoạt động cộng đồng, điểm bưu điện văn hóa xã, cơ quan xuất bản và phát hành. Phấn đấu lượng người truy cập, khai thác và sử dụng thông tin dưới các hình thức tại các thư viện đạt 250 ngàn lượt/năm...
Trong 6 nhiệm vụ và giải pháp mà kế hoạch đưa ra, có việc hình thành, duy trì các hoạt động đội, nhóm, câu lạc bộ, nói chuyện chuyên đề thông qua hoạt động hợp tác, khai thác hạ tầng thư viện với các tổ chức, học giả, tác giả nhằm truyền thông, thu hút độc giả đến thư viện. Tăng cường vận động, khuyến khích mọi tầng lớp nhân dân, nhất là học sinh, sinh viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động xây dựng, duy trì thói quen đọc (xuất bản in và điện tử) phù hợp với điều kiện của mỗi cá nhân. Huy động sự tham gia, phối hợp triển khai có hiệu quả của các cơ quan, tổ chức liên quan trong việc xây dựng, duy trì thói quen đọc và khuyến khích tăng cường vai trò của gia đình trong việc hình thành thói quen đọc sách cho trẻ em. Bảo đảm cơ cấu sách, tài liệu phù hợp, nhằm đáp ứng nhu cầu đọc ngày càng cao và đa dạng của người dân; chú trọng các loại sách phục vụ trẻ em, đồng bào dân tộc thiểu số, người khuyết tật và các đối tượng thiệt thòi khác trong xã hội. Phát triển đa dạng các loại sách (bỏ túi, sách nói, sách điện tử) có nội dung phong phú dành cho các nhóm đối tượng, tập trung vào nội dung phổ cập kiến thức, kỹ năng sống và kỹ năng làm việc... Để làm giàu tri thức cho bản thân, gia đình và xã hội, mỗi người dân nên tự xây dựng và rèn luyện cho mình thói quen đọc sách hằng ngày.
L.N
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065