TIỀM ẨN NHIỀU NGUY CƠ
Số người bệnh có ký sinh trùng sốt rét ở Bình Phước so với cả nước trong các năm: 2016 chiếm 10,6%, năm 2017 chiếm 16% và đặc biệt trong 6 tháng đầu năm 2018 có số mắc sốt rét chiếm tới 46% số mắc chung của cả nước. Bình Phước được xác định là tỉnh trọng điểm về sốt rét. Cụ thể năm 2015 có 1.799 trường hợp mắc, 1 trường hợp tử vong; năm 2016 có 1.110 trường hợp mắc và năm 2017 có 1.352 trường hợp mắc, 1 trường hợp tử vong. Đó là những con số đáng lo ngại mà ngành y tế cũng đang “đau đầu”.
Sốt rét tăng cao
Tại Bình Phước số trường hợp mắc sốt rét tập trung nhiều tại các huyện giáp biên giới với Campuchia như Bù Gia Mập, Bù Đốp, Lộc Ninh và Bù Đăng. Đặc biệt, có 3 xã trọng điểm về sốt rét là Đắk Ơ, Bù Gia Mập (Bù Gia Mập) và Đắk Nhau (Bù Đăng). Số người mắc sốt rét của 3 xã trọng điểm chiếm tỷ lệ cao trong tổng số người mắc sốt rét chung toàn tỉnh qua các năm. Trong đó, Đắk Ơ là xã có ký sinh trùng sốt rét cao nhất và chiếm tỷ lệ lớn so với số ký sinh trùng sốt rét của tỉnh. Cụ thể, năm 2015 chiếm 39% (701/1.799), năm 2016 chiếm 34,1% (379/1.110) và năm 2017 chiếm 34,7% (469/1.352).
Nhân viên ngành y tế tẩm mùng phòng, chống sốt rét cho người dân vùng sâu huyện Bù Đăng - Ảnh tư liệu
Theo báo cáo của Trung tâm Y tế huyện Bù Gia Mập, 6 tháng đầu năm 2018 toàn huyện có 582 trường hợp mắc sốt rét, tăng 68,7% so cùng kỳ, chiếm hơn 60% số ca mắc toàn tỉnh và cao nhất toàn quốc. Ông Phạm Văn Triều, Phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện cho biết: Số người mắc sốt rét là dân di cư tự do, dân địa bàn đi khai thác lâm sản tại rừng biên giới Campuchia. Ý thức của người dân về sốt rét chưa cao, việc tuyên truyền vận động nhân dân chưa hiệu quả. Do đó gây nhiều trở ngại trong công tác phòng chống, quản lý ca bệnh cũng như điều trị, chống tái phát lây lan. Hiện nay chưa triển khai kế hoạch phòng, chống véc-tơ do hóa chất chưa có.
xuất hiện ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc
Trong 5 năm (từ 2013-2017), toàn tỉnh tuy không có dịch xảy ra nhưng 4 năm có người tử vong do sốt rét. Tỷ lệ mắc sốt rét năm 2017 là 1,39/1.000 dân (1.353 trường hợp) giảm 42,1% so năm 2013. Số mắc sốt rét có ký sinh trùng sốt rét chiếm 98,58% và tăng dần theo năm. Khi so sánh lượng ký sinh trùng sốt rét từ năm 2015-2017 có 5 địa bàn tăng là Đồng Xoài, Đồng Phú, Chơn Thành, Hớn Quản và Bình Long. Vì vậy, ngành chức năng dự báo tình hình sốt rét vẫn diễn biến phức tạp, nhất là ở các huyện, thị xã sốt rét ổn định qua nhiều năm nhưng 2017 lại tăng cao. Nguyên nhân do hiện nay di biến động dân cư lớn tại địa phương nằm ngoài sự kiểm soát của ngành y tế, nhất là dân vãng lai đến làm thuê, dân đi làm từ Campuchia, đi làm rừng, khai thác nông - lâm, thổ sản theo mùa vụ...
Cấp thuốc phòng, chống sốt rét cho người dân ấp Mười Mẫu, xã Phước Thiện, huyện Bù Đốp
Năm 2017, Bình Phước có 1.352 trường hợp mắc ký sinh trùng sốt rét, trong đó 437 ký sinh trùng ngoại lai từ Campuchia và trong nước, đặc biệt có 262 ký sinh trùng ngoại lai từ Campuchia tập trung chủ yếu tại Bù Đốp (109 trường hợp), Bù Gia Mập (58 trường hợp), Lộc Ninh (56 trường hợp), Bù Đăng (39 trường hợp). Bên cạnh đó, sốt rét kháng thuốc cũng xuất hiện ở 5 tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và Bình Phước, nhất là chủng p.falciparum, có xu hướng giảm đáp ứng với thuốc điều trị. Cũng theo nghiên cứu tại Bình Phước từ năm 2015 tới nay, tình hình ký sinh trùng sốt rét tăng dần sức chịu đựng với loại thuốc điều trị. Tỷ lệ điều trị khỏi, giảm bệnh còn 61% và chỉ còn 53% vào năm 2016. Theo các kết quả điều tra giám sát muỗi Anopheles ở Bình Phước trong những năm gần đây có 16 loài, trong đó nhiều nhất là 2 véc-tơ An.dirus và An.minimus. Sự phân bố của các véc-tơ trong giai đoạn hiện nay có nhiều biến đổi do sự thay đổi môi trường và tác động của việc sử dụng hóa chất trong y tế và nông nghiệp. Kết quả thử nhạy cảm với hóa chất (phun, tẩm mùng) của các véc-tơ sốt rét cho thấy một số loài đã kháng với hóa chất.
Những khó khăn cần tháo gỡ
Công tác phòng, chống sốt rét hằng năm tại Bình Phước được thực hiện theo chỉ đạo của chương trình quốc gia và được đầu tư cung cấp mùng, hóa chất miễn phí cho dân. Mỗi năm, tỉnh tổ chức 2 đợt chiến dịch tẩm mùng và phun hóa chất tại các xã trọng điểm. Ngoài ra, các dự án về sốt rét còn hỗ trợ công tác phòng, chống véc-tơ như cấp mùng tồn lưu bao phủ diện rộng, cung cấp bổ sung võng mùng, kem xua muỗi cho dân đi rừng ngủ rẫy. Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương hằng năm tổ chức đội tăng cường cho điểm nóng. Năm 2017, kinh phí chương trình quốc gia có muộn nhưng Bình Phước đã huy động từ nguồn dự án và địa phương thực hiện các hoạt động. Dân số bảo vệ bằng phun hóa chất đạt 131%, tẩm mùng theo kế hoạch đạt 158,7%.
Mục tiêu kế hoạch phòng, chống sốt rét giai đoạn 2018-2020 tỉnh Bình Phước: Giảm tỷ lệ mắc sốt rét hằng năm, phấn đấu đạt các chỉ tiêu loại trừ bệnh sốt rét của tỉnh theo lộ trình đã được Bộ Y tế phê duyệt; khống chế tử vong do sốt rét; không để dịch sốt rét xảy ra; kiểm soát và ngăn chặn sự lan rộng ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc. |
Tuy nhiên công tác triển khai chậm, không đúng mùa bắt đầu phát triển của muỗi truyền bệnh dẫn đến việc quản lý và xác định ổ bệnh chưa tốt. Về mặt kỹ thuật phun tẩm hóa chất nhiều nơi chưa đảm bảo chất lượng và độ bao phủ, nhất là khu vực xa trung tâm, những nơi có nguy cơ cao. Ông Nguyễn Văn Sáu, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Hiện công tác giám sát, phòng chống véc-tơ của tỉnh, huyện còn yếu, cán bộ chuyên trách côn trùng vừa thiếu vừa hạn chế năng lực. Ngành y tế dự phòng cũng không quản lý được bệnh nhân là đối tượng di biến động; tình hình sốt rét kháng thuốc; tỷ lệ ký sinh trùng lây nhiễm từ Campuchia ngày càng tăng; chưa kiểm soát được nguồn lây nhiễm và tiếp cận với nhóm nguy cơ mắc sốt rét.
Bên cạnh đó, Bình Phước có 88,5% số dân sống trong vùng sốt rét lưu hành. Giao lưu nhân dân qua biên giới Campuchia nơi có sốt rét lưu hành cao và có ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc làm tăng nguy cơ về dịch, sự lan rộng và kéo dài của sốt rét. Di biến động dân từ các địa phương khác đến theo mùa vụ làm tăng nguy cơ mắc và lan rộng sốt rét. Công tác giám sát phát hiện, quản lý ca bệnh tuân thủ điều trị khó khăn. Ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc điều trị có xu hướng tăng lên. Tập quán đi rừng, làm rẫy ngủ lại qua đêm của người dân có sử dụng mùng và các biện pháp bảo vệ cá nhân thấp; hạn chế biện pháp hữu hiệu dành cho đối tượng này. Vì vậy, mục tiêu kế hoạch phòng, chống sốt rét giai đoạn 2018-2020 của tỉnh được dự báo có thể không đạt.
P. Dung
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065