ĐẤT LÀNH
Khu 134 thuộc ấp 10 Mẫu, xã Phước Thiện, huyện Bù Đốp có 150 hộ gia đình sinh sống, trong đó có 112 hộ là người đồng bào dân tộc S’tiêng và Khơ Me. Đây là vùng đất tái định canh được UBND huyện Bù Đốp cấp cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện thiếu đất sản xuất theo Chương trình 134 từ những năm 2007, 2008.
Ruộng lúa của người dân ở thôn 3, xã Hưng Phước phải bỏ hoang vì nguồn nước đen ngòm từ trại chăn nuôi heo dự bị Phúc An thải ra.
Hệ thống các hồ chứa nước thải trong quá trình chăn nuôi heo của trại Phúc An không được che chắn gây ô nhiễm môi trường cho cả vùng.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân canh tác trên vùng đất mới, huyện Bù Đốp không chỉ đầu tư hệ thống lưới điện mà còn xây dựng điểm trường cùng hệ thống đường giao thông nông thôn khá kiên cố. Chính vì thế mà vùng đất tái định canh dần trở thành vùng đất tái định cư của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.
Ô NHIỄM
Những tưởng các gia đình sẽ có cuộc sống ổn định trên vùng đất mới nhưng không ngờ vài năm trở lại đây môi trường bị ô nhiễm khá trầm trọng.
Phía dưới tường bao của trang trại chăn nuôi heo Phúc An được đục khoét để xả thải thẳng ra môi trường, rất khó phát hiện nếu như không được người dân địa phương tiếp sức.
Nước thải từ các trại chăn nuôi heo ở xã Hưng Phước, Phước Thiện và Thiện Hưng huyện Bù Đốp cứ mặc nhiên tràn ra môi trường, rồi thấm vào đất, vào nước đen ngòm, đặc quánh…
|
Khu 134 nằm ở mãi đầu nguồn sông Đắk Quýt thuộc ấp 10 Mẫu, xã Phước Thiện có đến 2 trại heo với quy mô 12.000 con/trại, chính thức đi vào hoạt động từ năm 2017. Bước sang năm 2018, mùi hôi thối trong quá trình chăn nuôi bắt đầu trộn lẫn với không khí bao vây cả ấp. Những khi thuận gió, ngay tại UBND xã Phước Thiện cách đó cả 2km theo đường chim bay vẫn ngửi thấy mùi. “Mỗi khi trại heo xả chuồng, bà con lao động gần đó phải bỏ vườn đi nơi khác vì cái mùi nồng nặc không thể chịu nỗi” - Già làng Điểu Re, Phó trưởng thôn 10 Mẫu cho biết. Còn Điểu Tâm, Điểu Phúc, Lâm Văn Dụm thì bảo “có khi ngủ phải đeo khẩu trang, ăn cơm phải chui vào mùng vì mùi hôi thối và ruồi lằn”!
Mực nước bên trong hồ chứa nước thải của trại heo Phúc An như thế nào thì phía ngoài tường rào như thế đó.
Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường Bù Đốp, anh Vũ Văn Hiếu, nói: “Trong số 13 trại heo đang hoạt động, có 3 trại gây ô nhiễm khá trầm trọng. Đặc biệt trại heo Phúc An trên địa bàn xã Hưng Phước xả tràn ra môi trường ngoài gây ô nhiễm đất và nước của người dân đã từng bị phạt đến 314 triệu đồng”.
Cổng vào trang trại chăn nuôi heo hậu bị của Công ty TNHH chăn nuôi Phúc An ở xã Hưng Phước.
Theo ghi nhận của chúng tôi, các trại còn lại hệ thống xử lý nước thải đều quá tải nên tràn ra môi trường bốc mùi hôi thối. Còn quá tải như thế nào, hồ chứa và quy trình vận hành hệ thống xử lý nước thải của các trại chăn nuôi heo ra sao không ai biết. Chủ các trang trại heo có vô số lý do để từ chối các cơ quan chức năng đến kiểm tra, giám sát quy trình chăn nuôi. Đặc biệt, trong thời điểm nhạy cảm trước tình hình dịch bệnh heo châu Phi như hiện nay thì các trại heo càng có lý do chính đáng để từ chối sự kiểm tra của các cơ quan chức năng. Mới đây, đoàn giám sát của UBMTTQ VN tỉnh do bà Lê Thị Xuân Trang, Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy làm trưởng đoàn cũng không thể tiếp cận được các trại nuôi heo với nhiều lý do khác nhau.
Cả 3 xã: Phước Thiện, Thiện Hưng và Hưng Phước của huyện Bù Đốp có đến 16 trại heo, trong đó có 13 trại đã đi vào hoạt động với quy mô ít nhất 12.000 con/trại. Công suất xả thải thấp nhất cho mỗi trại là 100m3 nước rửa chuồng/ngày đêm.
|
Được sự hỗ trợ của người dân địa phương, chúng tôi mới tiếp cận được những lổ thủng của tường rào bao quanh hồ chứa nước thải của các trại heo tại xã Hưng Phước và Phước Thiện. Nước thải trong quá trình tắm heo của các trại này cứ mặc nhiên theo lổ thủng tràn ra môi trường, rồi thấm vào đất, vào nước đen ngòm, đặc quánh. Một vài thửa ruộng của người dân gần nơi xả thải của trại heo phải bỏ hoang cho cỏ mọc vì cái màu nước đen ngòm đặc quánh kia. Có hộ phải đành bán đất cho chính chủ trại heo để đi nơi khác sinh sống, vì không thể chịu nỗi sự ô nhiễm đất, nước và cả không khí.
KÊU CỨU
Các xã Hưng Phước, Phước Thiện và Thiện Hưng là những xã ở phía bắc của huyện Bù Đốp - nơi thượng nguồn đổ về. Cử tri lo rằng thực trạng môi trường bị ô nhiễm trên địa bàn 3 xã nếu không sớm có giải pháp khắc phục thì không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống của người dân địa phương, mà ngay cả người dân phía hạ du cũng sẽ bị ảnh hưởng do nguồn nước ô nhiễm từ phía thượng nguồn đổ về.
Cử tri xã Phước Thiện, huyện Bù Đốp phản ánh với đại biểu Quốc hội tỉnh tình hình ô nhiễm môi trường do nước thải từ các trại chăn nuôi heo.
Mong muốn lớn nhất lúc này của cử tri là lãnh đạo tỉnh, chính quyền địa phương và các chủ doanh nghiệp sớm tìm giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm từ các trại chăn nuôi heo để môi trường sống nơi đây được trong lành.
Đông Kiểm
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065