Cây bí đao trồng xen trong vườn cây ăn trái hay vườn cao su trở thành mô hình kinh tế kết hợp hiệu quả, được nhiều hộ nông dân trong tỉnh thí điểm trồng. Những người trồng bí còn có thể tận hưởng không khí tết và thành quả lao động của mình bằng món mứt bí do họ tự chế biến.
THÁNG 5 - MÙA XUỐNG GIỐNG
Hàng năm, cứ đến tháng 5 âm lịch, nông dân ở nhiều huyện, thị xã trong tỉnh bắt đầu xuống giống bí đao để cung cấp nguyên liệu cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến bánh kẹo, mứt tết và nước ép từ bí đao. Bà Trịnh Thị Hương, ngụ ấp 8, xã Tân Thành (TX. Đồng Xoài) cho biết: “Gia đình tôi trồng bí đao ở tỉnh Đồng Nai đã hơn 10 năm. Đây là năm đầu tiên gia đình trồng bí đao bung (có hình dáng giống như bí xanh, nhưng trái to, thịt hơi xốp, chủ yếu dùng chế biến mứt bí) trên đất Bình Phước. Trước đây, 1,7 ha đất này được gia đình trồng điều, từ năm 2010 chuyển sang trồng quýt đường. Thấy chất đất phù hợp, gia đình quyết định trồng xen bí đao trong vườn quýt và bước đầu đem lại thu nhập”.
Người dân phấn khởi thu hoạch bí
Các hộ dân trồng bí đao ở ấp 8, xã Tân Thành cho biết: Trồng bí xen trong vườn cây ăn trái hay vườn cao su (từ 3 năm tuổi trở lại) cho hiệu quả kinh tế cao. Khi trồng xen, cây bí sẽ phủ kín mặt đất không cho cỏ mọc. Mặt khác, cây bí đao không gây hại đất như khoai, mì, không ảnh hưởng đến cây trồng khác và giúp tăng thu nhập, tạo việc làm. Đối với những vùng đất dốc, cây bí có tác dụng chống xói mòn trong mùa mưa, tăng độ ẩm trong mùa khô. Anh Trần Huy Hùng, một người dân trồng bí trong ấp cho biết: “Bí đao rất dễ trồng và thích hợp với nhiều loại đất khác nhau. Năm nay gia đình tôi trồng 1,5 ha bí đao bung. Mưa ít nên năng suất không bằng mọi năm, nhưng vẫn đủ tiền sắm tết”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tùy từng loại đất và trồng xen trong các vườn cây mà có cách trồng, chăm sóc bí khác nhau. Thông thường khi trồng xen bí trong vườn cây ăn trái, khoảng cách các gốc bí trồng 3x3m, còn trồng ở khu đất trống khoảng cách giữa các gốc bí dày hơn, thường 1,5x1,5m. Trồng bí xen trong vườn cây lâu năm rất hợp với điều kiện kinh tế hộ gia đình, tạo nguồn vốn “lấy ngắn nuôi dài” để chăm sóc cây lâu năm. Nếu trồng 1 ha bí đao bung xen trong vườn cao su hoặc cây ăn trái, người trồng sẽ lãi khoảng 25-30 triệu đồng/vụ, sau khi đã trừ chi phí.
MỨT BÍ TỪ TAY NGƯỜI TRỒNG BÍ
Bà Trịnh Thị Hương chia sẻ kinh nghiệm: “Trồng bí đao bung cần có thời gian chăm sóc, bón phân đầy đủ và tưới nước thường xuyên. Có như vậy, trái bí mới phát triển to đều, da bóng và đẹp. Một gốc bí chỉ nên để 2 ngọn, mỗi ngọn cho ra 1 trái, tạo điều kiện cho trái to đều. Trong suốt quá trình cây bí sinh trưởng và phát triển, ngoài bón phân cung cấp chất dinh dưỡng, người trồng tăng cường tưới nước, đặc biệt vào thời kỳ bí nuôi trái. Một trái bí được chăm sóc tốt, không bị sâu bệnh, có thể đạt trọng lượng 20kg”.
|
Sau một năm lao động vất vả, người trồng bí đao đã tự thưởng cho mình bằng chính thành quả lao động và công sức bỏ ra với món mứt bí. Dù được mùa hay mất mùa, gia đình bà Hương đều để lại vài tạ bí đao làm mứt ăn trong dịp tết và biếu họ hàng, bà con lối xóm. Đối với người trồng bí, làm mứt bí đã giúp họ cảm nhận được không khí tết đang về. “Một tạ bí đao có giá chưa đến 200 ngàn đồng nhưng khi đã chế biến thành mứt, biếu mỗi người một ít dùng trong dịp tết, lại có ý nghĩa gấp bội. Vì mứt tự mình làm ra ngon và đảm bảo vệ sinh” - bà Trịnh Thị Hương nói.
Theo kinh nghiệm của bà Hương, để có món mứt bí ngon phải chọn những trái bí chắc nịch, da phấn trắng dày đều; đồng thời chọn đường trắng tinh khiết, phèn chua, lòng trắng trứng vịt, vôi và một chút nước hoa bưởi làm nguyên liệu chế biến. Làm được 1kg mứt bí tốn rất nhiều công và thời gian. Trước hết, bí phải được gọt vỏ, bỏ hạt, cắt hình theo ý muốn, rồi ngâm trong nước vôi khoảng 6 tiếng. Sau đó rửa sạch, nhúng qua nước sôi, để ráo, rồi đem phơi nắng khoảng 3 tiếng. Tiếp đó trộn bí, đường theo tỷ lệ 3kg bí/0,6kg đường, đổ nước ngang mặt bí và nấu sôi, bắc nồi bí xuống bếp để qua 1 đêm. Ngày hôm sau, vớt bí ra, tiếp tục cho thêm đường vào nước đã nấu, bỏ bí trở lại vào nồi nấu tiếp, cứ thế thực hiện trong 5 ngày liên tục. Ngày thứ 6 vớt bí ra rổ, lấy nước đường đã ngâm bí đem thắng lại cho keo, sau đó bỏ bí vào nhúng, đổ ra nia để hong khô. Có thể pha màu cho mứt bằng nước ép các loại trái cây (dứa, cam, dâu...) đổ pha chung vào nước đường trong quá trình nấu và ngâm bí. Sau khi bí thành mứt, bỏ mứt bí vào trong lọ thủy tinh sử dụng trong 3 tháng liên tiếp.
Nhất Sơn
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065