BP - Đảo Đá Thị (quần đảo Trường Sa) còn có tên gọi khác là đảo Núi Thị, cách bán đảo Cam Ranh 322 hải lý, cách đảo Sơn Ca 7 hải lý về phía Tây Nam. Là đảo chìm nằm ở phía Bắc quần đảo Trường Sa, Đá Thị quanh năm phải đón sóng gió khắc nghiệt từ trùng khơi nhưng luôn vững vàng nơi tuyến đầu biển đảo Tổ quốc. Sau Tiên Nữ, đảo Đá Thị cùng đảo Sinh Tồn Đông là 2 đảo ở xa nhất trong số 21 đảo đang được Việt Nam quản lý ở quần đảo Trường Sa. Đảo Đá Thị tuy nhỏ nhưng có vị trí, vai trò rất quan trọng trong việc phát hiện, ngăn chặn những hoạt động của tàu thuyền nước ngoài xâm phạm chủ quyền của Việt Nam trong vùng biển quần đảo Trường Sa. Nhìn trên bản đồ, Đá Thị, Sơn Ca, Nam Yết tạo thành thế chân kiềng vững chãi giữa biển khơi. Phía Tây Đá Thị là đảo Ba Bình, đảo lớn nhất của quần đảo Trường Sa (hiện do Đài Loan chiếm đóng bất hợp pháp). Kế bên là đá Ga Ven, đã bị Trung Quốc chiếm đóng vào năm 1988.
Đảo Đá Thị trong một ngày biển lặng - Ảnh internet
Đại tá Nguyễn Ngọc Ninh, cựu đảo trưởng đảo Đá Thị, là người cắm cờ Tổ quốc lên đảo cách đây hơn 26 năm, kể lại: Ngày 11-3-1988, đơn vị ông được giao nhiệm vụ ra giữ đảo Đá Thị. Đội quân lên tới đảo vào đêm 13-3, trên chuyến tàu 50 tấn mang số hiệu 709. Sáng ngày 14-3 quân Trung Quốc nổ súng đánh chiếm đảo Gạc Ma, bắn vào đảo Cô Lin, sử dụng tàu không trục sang Sơn Ca và phong tỏa đảo Đá Thị gần 10 ngày. Là đảo trưởng, ông cùng 20 chiến sĩ trên một chiếc bông tông nhỏ (giống 1 chiếc hòm có 4 cọc neo vào thềm san hô, dưới đựng hàng hóa) nằm lênh đênh trên biển, khi nước thủy triều cao lên thì toàn bộ đảo đá chìm dưới nước và nổi lên khi thủy triều xuống. Mặc dù thiếu thức ăn, nước uống, vũ khí... nhưng đội quân của ta đã chiến đấu với tinh thần gan góc, ngoan cường bám chắc bảo vệ đảo, khiến quân Trung Quốc phải rút lui. Và ông Ninh là người đã cắm lá cờ Tổ quốc lên đảo Đá Thị. Ngày ấy, ở Đá Thị chưa có nhà kiên cố, cán bộ và chiến sĩ ở nhà nửa chìm nửa nổi, dùng các tấm ghi ghép cát lên rồi kè làm tường, nhà rất thấp. Nơi đầu sóng ngọn gió chồng chất khó khăn, thiếu nước ngọt, ăn gạo mục do để lâu ngày... nhưng những người lính giữ đảo luôn lạc quan, quyết tâm chiến đấu vì nhiệm vụ giữ gìn vững chắc vùng biển đảo Tổ quốc. “Đảo là nhà, biển là quê hương, đồng đội là anh em ruột thịt” là khẩu hiệu hành động đã giúp những người lính đảo vững tâm chiến đấu bám đảo đến cùng.
Hiện trên đảo Đá Thị đã được xây dựng khu nhà ba tầng kiên cố, vững chắc. Tuy còn gặp nhiều khó khăn do địa hình nơi đóng quân phức tạp, khí hậu khắc nghiệt, nhưng vượt lên tất cả, cán bộ và chiến sĩ trên đảo với lòng yêu Tổ quốc đã vượt qua mọi gian khổ để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân và sự giúp đỡ của nhân dân cả nước, đảo Đá Thị đã được đầu tư xây dựng nhà kiên cố, trở thành pháo đài vững chãi giữa biển khơi. Đảo đã có hệ thống năng lượng gió, năng lượng mặt trời, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống sinh hoạt và phục vụ huấn luyện, công tác; đưa cán bộ, chiến sĩ trên đảo về gần đất liền hơn.
Trong những năm gần đây, trước những diễn biến phức tạp tiềm ẩn nhiều nhân tố khó lường trên khu vực biển Đông, cán bộ và chiến sĩ đảo Đá Thị luôn phát huy truyền thống, bám sát nhiệm vụ chính trị trọng tâm, vượt qua khó khăn, chắc tay súng sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc... Sóng gió Trường Sa đã tôi rèn ý chí người lính đảo Đá Thị, khiến các anh luôn vững vàng kiên trung bám biển, bám đảo gìn giữ phần đất tổ tiên trước muôn trùng bão tố hiểm nguy. Nhà thơ Phạm Đương khi ra đảo Đá Thị đã viết bài thơ, với những câu: “Đá Thị tròn như quả thị của bà/Để đỡ nhớ quê, lính đặt tên cho đảo/ Sống ở đây bốn mùa đều như bão /Mười mấy anh em quần tụ tựa tổ chim/Một dải san hô khi nổi lúc chìm/Nhưng có lính, đảo lúc nào cũng nổi/ Khi có lính mỗi chiều lam ngọn khói /Bếp giữa trùng khơi mà ngỡ quê nhà...”(*)
Đức Hồng
(*) Bài viết có tham khảo các tài liệu đồng nghiệp và “Lịch sử Hải quân”
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065