Cuộc sống phát triển kéo theo nhu cầu thưởng thức những giá trị văn hóa của con người ngày càng tăng. Từ đó, nhiều nghề thủ công phát triển mạnh, trong đó có nghề mộc. Những người thợ mộc đang tạo ra những giá trị vật chất, tinh thần cho cuộc sống ngày càng đẹp hơn.
ĐI CÙNG MỸ NGHỆ GIA DỤNG
Anh Tăng Văn Tài ở ấp 3, thị trấn Chơn Thành (huyện Chơn Thành) chọn nghề mộc để phát triển kinh tế. Xưởng mộc có quy mô nhỏ, anh Tài chọn sản xuất đồ mỹ nghệ gia dụng. Sản phẩm chủ yếu là bàn, ghế được chế tạo từ những gốc cây. “Nghề này khá công phu, đòi hỏi phải yêu nghề, đặc biệt phải khéo tay và luôn có ý tưởng mới”, anh Tài cho biết.
Cần mẫn, sáng tạo, anh Tài đã tạo ra sản phẩm mộc mỹ nghệ từ những gốc cây gồ ghề, xấu xí
Không điêu khắc, chạm trổ công phu, anh Đào Chí Công ở ấp 1, xã Nha Bích (Chơn Thành) chọn làm lục bình theo nhu cầu của thị trường. Mỗi cặp lục bình hoàn thiện, anh tính tiền công cho khách từ 400 ngàn đến 1,6 triệu đồng. Chỉ nhận tiện thuê cho khách, thu nhập bình quân từ nghề mộc của anh từ 160 đến 250 ngàn đồng/ngày. “Được chủ động làm việc tại nhà, nên nghề mộc đỡ vất vả hơn đi làm công nhân hay thợ hồ” - anh Công cho biết.
ĐỜI THỢ MỘC “DẠO”
Làm nghề thợ mộc nhưng ông Ngô Văn Hòa ở ấp Tân Hòa, xã Bù Nho (Bù Gia Mập) lại không làm việc tại xưởng mà “rày đây mai đó” với đời thợ mộc dạo theo yêu cầu của khách hàng. Nhận lời mời của khác hàng, ông Hòa “rinh” theo máy móc tới mở xưởng “dã chiến” tại nhà khách và ăn ở tại đó đến xong công trình. Sản phẩm của những thợ mộc lưu động như ông Hòa làm thường không đòi hỏi quá nhiều nghệ thuật công phu, như: Giường, tủ, cánh cửa, kệ, giá đựng chén dĩa...
Anh Nguyễn Văn Trường ở thôn 7, xã Bù Nho cho biết: “Tôi thấy yên tâm hơn khi mời thợ mộc đến nhà làm cửa. Không sợ bị đổi gỗ, có chỗ nào chưa vừa ý, mình nói thợ chỉnh liền, rất tiện”. Nghe anh Trường nói thế, ông Hòa cười: “Khách hàng yên tâm về chất lượng các sản phẩm là “đất” cho mình sinh sống. Làm thợ mộc dạo như tui được trả công 250 ngàn đồng/ngày. Có điều bất tiện là phải xa gia đình, có khi mấy tháng mới về nhà nhưng được đi nhiều, được khách hàng tin tưởng nên cũng thấy vui”.
LỐI ĐI NÀO CHO NGHỀ MỘC?
Theo thống kê, Bình Phước hiện có 1.360 cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm mộc mỹ nghệ. Thị trường tiêu thụ tại chỗ, nguồn lao động dồi dào, khéo léo, sáng tạo... là những điều kiện thuận lợi để nghề mộc phát triển. Tuy nhiên, những xưởng mộc này chủ yếu có quy mô nhỏ lẻ, tự phát, thiếu tính liên kết; thiếu trang thiết bị máy móc; thiếu phương tiện bảo hộ lao động, phòng cháy, chữa cháy; thiếu vốn sản xuất, chưa mang sức cạnh tranh cao trên thị trường ngoài tỉnh và chưa đủ điều kiện để xuất khẩu ra nước ngoài bởi chỉ có 1/3 trong tổng số 1.360 cơ sở sản xuất đồ mộc trong toàn tỉnh có giấy phép kinh doanh; nguồn nguyên liệu đầu vào chưa được minh bạch.
Đề xuất lối đi phù hợp cho nghề mộc trong thời gian tới, ông Nguyễn Thanh Tường, Phó giám đốc Trung tâm khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh cho biết: Việc đầu tiên các xưởng mộc cần phải đăng ký giấy phép kinh doanh để có thể tiếp cận được các nguồn vốn vay ưu đãi trong sản xuất. Các sở, ngành chức năng cần hỗ trợ đơn vị sản xuất - kinh doanh và người lao động đăng ký giấy phép kinh doanh; tăng cường các giao dịch kinh doanh trên trang thương mại điện tử; triển khai chương trình “Phát triển rừng bền vững” để minh bạch nguồn nguyên liệu đầu vào, tạo điều kiện cho các sản phẩm đồ gỗ của Bình Phước có thể xuất khẩu ra nước ngoài thuận lợi.
Tường Linh
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065