Tại kỳ họp lần thứ tám, HĐND tỉnh khóa VIII diễn ra từ ngày 4 đến 6-12-2013, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Văn bản số 1993/SVHTTDL-DL trả lời ý kiến, kiến nghị của đại biểu HĐND tỉnh. Dưới đây, Binhphuoc Online xin giới thiệu cùng bạn đọc toàn bộ nội dung văn bản này:
Tổ đại biểu khu vực huyện Đồng Phú và huyện Bù Đăng kiến nghị: Các thiết chế văn hóa của tỉnh còn thiếu và hạn chế qua nhiều năm nhưng chưa có biện pháp khắc phục (bảo tàng, thư viện, công viên văn hóa). Đề nghị UBND tỉnh có những giải pháp cụ thể để hoàn thiện một số thiết chế văn hóa cần thiết.
Trả lời: Đối với nội dung này, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo cụ thể như sau: Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm Văn hóa - Thông tin tỉnh đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1118/QĐ-UBND ngày 17-5-2010, trong đó có 3 thiết chế văn hóa của tỉnh bao gồm (bảo tàng, thư viện và trung tâm văn hóa). Ngày 17-12-2010, thực hiện Thông báo số 3388/TB-BVHTTDL ngày 23-9-2010 về kết luận của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Phước trong đó yêu cầu tách riêng 3 thiết chế văn hóa thành các khối nhà riêng nhưng vẫn đặt trong 1 cụm công trình chung, UBND tỉnh đã có Công văn số 4296/UBND-KT về việc chấp thuận điều chỉnh thiết kế cơ sở. Trong đó cho phép tách các thiết chế bảo tàng và thư viện để xây dựng sang vị trí khác, về kết cấu và kiến trúc dự án không có thay đổi.
Hiện nay, dự án đã được thực hiện khoảng 40% khối lượng, dự kiến sẽ đưa vào sử dụng trong năm 2014. Do khó khăn về nguồn vốn đầu tư nên đến nay các thiết chế bảo tàng và thư viện chưa được xây dựng đầu tư, điều kiện làm việc còn gặp rất nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, ngày 28-10-2013, sở đã có Báo cáo số 1751/BC-SVHTTDL đề xuất UBND tỉnh cho phép đưa bảo tàng, thư viện vào một cụm công trình tại dự án Trung tâm Văn hóa - Thông tin theo đúng thiết kế cơ sở ban đầu đã được phê duyệt. Ngày 5-11-2013, UBND tỉnh có Thông báo số 364/TB-UBND về kết luận của Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Huy Phong tại cuộc họp nghe sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo tình hình thực hiện dự án Trung tâm Văn hóa - Thông tin tỉnh, trong đó đồng ý chủ trương trên. Hiện nay, sở đang làm các thủ tục để trình UBND tỉnh phê duyệt.
Tổ đại biểu khu vực thị xã Bình Long và huyện Hớn Quản kiến nghị: Trong báo cáo của UBND tỉnh chưa đánh giá đúng mức về công tác phát triển du lịch, công tác này hiện chưa được quan tâm đúng mức, chưa phát huy được thế mạnh du lịch của địa phương. Đề nghị UBND tỉnh có báo cáo cụ thể, giải trình những yếu kém và có giải pháp thật cụ thể trong việc thực hiện và phát huy thế mạnh này thời gian tới, trong đó cần làm rõ về việc quản lý, đầu tư xúc tiến, quản lý... và định hướng phát triển.
Trả lời: Đối với nội dung này, sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo cụ thể như sau: Về tình hình phát triển du lịch tỉnh Bình Phước: Với lợi thế về địa chính trị và tài nguyên du lịch, thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã có nhiều quan tâm đầu tư vào phát triển du lịch. Tuy nhiên, hầu hết các dự án du lịch đang còn trong giai đoạn triển khai, chưa đi vào hoạt động nên ngành du lịch của tỉnh đang còn gặp rất nhiều khó khăn. Đến nay, mới có khu du lịch Bà Rá - Thác Mơ và khu du lịch sinh thái Mỹ Lệ được đầu tư xây dựng thành các khu du lịch dịch vụ phục vụ khách du lịch, song quy mô còn nhỏ, sản phẩm đơn điệu… các khu vực khác mới chỉ phát triển ở dạng khai thác nguyên sơ, tự phát do đó hiệu quả không cao. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, ngành du lịch Bình Phước đang bắt đầu khởi sắc và đã đạt được một số thành tựu quan trọng:
Về lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch: Từ khi tái lập tỉnh đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành 3 khu, điểm du lịch nổi bật có khả năng thu hút khách du lịch cao của tỉnh, trong đó 2 điểm thuộc cụm du lịch Đông Bắc (hệ thống cáp treo núi Bà đồng và khu du lịch sinh thái Mỹ Lệ, đầu tư bằng 100% vốn doanh nghiệp ngoài nhà nước, trên 75 tỷ đồng). 1 điểm thuộc cụm du lịch Đông Nam tỉnh (khu bảo tồn văn hóa dân tộc Xêtiêng Sóc Bom Bo, đầu tư bằng 100% vốn nhà nước, trên 40 tỷ). Bên cạnh đó là một số công trình đang trong giai đoạn đầu tư và chuẩn bị các bước đầu tư như: Công trình tượng Phật Chuẩn Đề do công ty cổ phần sinh học thế kỷ làm chủ đầu tư, 2 khu du lịch tâm linh nghỉ dưỡng do công ty Mỹ Lệ TNHH làm chủ đầu tư và rất nhiều các công trình khác. Song song với việc đầu tư xây dựng các khu điểm du lịch, toàn tỉnh cũng đã huy động trên 400 tỷ đồng (vốn doanh nghiệp và ngân sách địa phương) đầu tư cho cơ sở hạ tầng du lịch. Trong số trên 50 cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch, có 3 công trình nổi bật, được thiết kế với kiến trúc sang trọng, đạt tiêu chuẩn khách sạn quốc tế 3 sao với hơn 100 phòng nghỉ được trang bị đầy đủ tiện nghi hiện đại đáp ứng được các nhu cầu dịch vụ của du khách đó là khách sạn Mỹ Lệ, đưa vào hoạt động năm 2007; khách sạn An Lộc, đưa vào khai thác năm 2013 và sắp tới đây là khách sạn Bom Bo, dự kiến đưa vào khai thác vào tháng 12-2013.
Về công tác quy hoạch: UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Bình Phước giai đoạn 2010 - 2015 và định hướng đến năm 2020, trong đó tập trung định hướng khai thác tuyến du lịch quốc tế Việt Nam (Bình Phước) - Campuchia - Lào - Thái Lan qua cửa khẩu quốc tế Hoa Lư, huyện Lộc Ninh… Lượng khách đến tham quan và doanh thu của ngành đã tăng lên khá nhanh. Trong tình hình kinh tế khó khăn chung nhưng với môi trường văn hóa du lịch lành mạnh, du lịch Bình Phước năm 2013 dự ước 178.720 lượt, đạt 109,4% kế hoạch đề ra; doanh thu dự ước 166.530 tỷ đồng, đạt 104,2% chỉ tiêu kế hoạch.
Đánh giá những thuận lợi và khó khăn:
Thuận lợi: Do đặc thù về vị trí địa lý, Bình Phước có một hệ thống rừng, núi, sông, suối, hồ, thác... rất thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái với các điểm du lịch nổi bật như khu du lịch (KDL) Trảng cỏ Bù Lạch, KDL sinh thái Mỹ Lệ, KDL Bà Rá - Thác Mơ... Bên cạnh đó, Bình Phước còn là vùng đất có truyền thống cách mạng và lịch sử lâu đời với một nền văn hóa phong phú, đa dạng, rất thuận lợi để phát triển du lịch văn hóa và khai thác các chương trình du lịch về nguồn tìm hiểu lịch sử dân tộc, văn hóa của người dân bản địa với các điểm: Bộ chỉ huy Miền (B2), Khu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ trên núi Bà Rá, chùa Sóc Lớn, các lễ hội văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số (Lễ hội đâm trâu, lễ bỏ mả...). Từ đó có thể nhận định, Bình Phước là vùng đất hội tụ đủ các điều kiện để phát triển du lịch.
Khó khăn: Ngành du lịch của tỉnh có xuất phát điểm thấp và hiện nay vẫn còn đang ở giai đoạn đầu tư phát triển. Hầu hết các dự án du lịch đang còn trong giai đoạn triển khai, chưa đi vào hoạt động. Sản phẩm du lịch chưa thực sự nổi bật, thị trường khách du lịch hạn chế, hoạt động kinh doanh du lịch không đa dạng về số lượng, loại hình và tính chất hoạt động. Tổng lượt khách, doanh thu du lịch hàng năm còn thấp so với cả nước cũng như các tỉnh trong khu vực. Việc triển khai Luật Du lịch đến các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, hầu hết về vốn đầu tư. Nguồn nhân lực du lịch của tỉnh vẫn còn hạn chế về số lượng và hầu hết chưa được đào tạo cơ bản theo dúng chuyên ngành. Đặc biệt là chúng ta chưa có đội ngũ làm du lịch chuyên nghiệp tại các tuyến huyện, thị xã.
Khó khăn trong công tác xúc tiến; thu hút vốn đầu tư: Công tác xúc tiến về du lịch trong thời gian qua được UBND tỉnh giao cho Trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch (cơ quan trực thuộc UBND tỉnh). Do vậy mọi hoạt động xúc tiến du lịch do Trung tâm chủ trì triển khai, sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện công tác phối hợp. Tuy nhiên, một số chương trình xúc tiến vẫn thuộc đơn vị quản lý nhà nước triển khai như: Chương trình tổ chức tập huấn nghiệp vụ trong công tác thống kê du lịch hay chương trình tổ chức tập huấn nghiệp vụ du lịch thường niên cho đội ngũ nhân viên đang làm việc trong các cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn... Tuy nhiên, trong thời gian qua, nguồn kinh phí này được Sở Tài chính chuyển qua quỹ xúc tiến du lịch và được phân bổ hàng năm cho trung tâm. Do vậy công tác thực hiện các chương trình này gặp rất nhiều khó khăn. Mặt khác, trong năm 2013, nguồn kinh phí phân bổ cho các hoạt động này cũng rất hạn chế, không thể triển khai được như kế hoạch đã đề ra. Son song với việc khó khăn trong công tác xúc tiến, việc thu hút vốn đầu tư và hỗ trợ của ngân sách trung ương và ngân sách địa phương về lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu cho phát triển du lịch cũng còn nhiều hạn chế trong những năm qua.
Định hướng phát triển: Để đưa ngành du lịch lên giữ vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh trên cơ sở khai thác hợp lý, sử dụng có hiệu quả tài nguyên du lịch của tỉnh, đẩy mạnh các hoạt động liên kết vùng, khu vực và quốc tế trong lĩnh vực du lịch, góp phần giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, phát triển du lịch phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa các ngành liên quan đặc biệt là ngành giao thông, các ngành dịch vụ và các hoạt động văn hóa, thể thao... Cụ thể:
Về đầu tư kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch: Xây dựng xong quy hoạch phân khu chức năng và đầu tư kết cấu hạ tầng và các hạng mục khu du lịch Bà Rá - Thác Mơ; hoàn thiện và đưa vào khai thác Khu Bảo tồn văn hóa dân tộc Xêtiêng (Sóc Bom Bo), trùng tu, tôn tạo Khu căn cứ quân ủy BCH Miền (B2) Tà Thiết; đưa tuyến du lịch quốc tế Việt Nam (Bình Phước) - Campuchia - Lào - Thái Lan qua cửa khẩu quốc tế Hoa Lư vào khai thác.
Về lượt khách: Phấn đấu đến năm 2015, tổng số khách du lịch đạt 252.000 lượt. Trong đó: Khách quốc tế là 14.000 lượt; Khách nội địa là 238.000 lượt. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2015 đạt 22,20%/năm (đối với tổng số khách), 27,97%/năm (đối với khách quốc tế) và 21,91%/năm (đối với khách nội địa) .
Về doanh thu du lịch: Thu nhập từ hoạt động du lịch của Bình Phước năm 2015 đạt 16,50 triệu USD (tương đương 321,75 tỷ đồng). Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2015 đạt 33,94%/năm.
Về phát triển nguồn nhân lực: Phấn đấu đến năm 2015 có 80% lao động trong ngành được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn về nghiệp vụ du lịch; tạo việc làm cho người lao động: đến năm 2015 số lượng lao động trong ngành du lịch ước khoảng 5.180 người. Trong đó, lao động trực tiếp là 1.620 người và lao động gián tiếp là 3.560 người.
Giải pháp phát triển: Nhóm giải pháp về tập trung phát triển nguồn nhân lực: Đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch đủ tâm, đủ tầm cả về cán bộ quản lý và lao động trực tiếp bằng nhiều hình thức, chương trình phù hợp, đáp ứng yêu cầu về các nghiệp vụ trong ngành du lịch, không ngừng nâng cao tay nghề và tính chuyên nghiệp trong hoạt động du lịch...
Nhóm các giải pháp về xây dựng các định hướng tuyên truyền quảng bá du lịch: Do phạm vi và thị trường sản phẩm của du lịch Bình Phước còn chưa đa dạng vì thế cần chú trọng đến vấn đề xúc tiến, quảng bá các thị trường mục tiêu với những phương pháp thích hợp cho từng thị trường, cho từng thời điểm thích hợp vào điều kiện thực tế; Công tác quảng bá du lịch Bình Phước được xác định theo thị trường mục tiêu gồm các nội dung sau: Hình thành các văn phòng tiếp thị du lịch tại các thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh, khu vực Tây nguyên… Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như các kênh truyền hình, các báo, tạp chí du lịch. Từng bước quảng bá hình ảnh du lịch Bình Phước ra thị trường quốc tế qua các kênh truyền hình nước ngoài và các báo, tạp chí…
Nhóm giải pháp về đề xuất hỗ trợ kinh phí từ trung ương để “mồi” và kêu gọi đầu tư: Việc nghiên cứu chính sách đặc thù cho các địa phương vùng sâu, vùng xa để phát triển du lịch rất cần được quan tâm nhiều hơn. Đặc biệt đối với Bình Phước, là tỉnh có ngành kinh tế du lịch còn chậm phát triển so với cả nước và các tỉnh lân cận do điều kiện xuất phát điểm thấp, cơ sở hạ tầng chưa phát triển. Thời gian tới, ngành sẽ đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại các khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng.
Nhóm giải pháp về xây dựng hình ảnh điểm đến: Hình ảnh điểm đến là một vấn đề rất quan trọng đối với quá trình phát triển du lịch của một địa phương, việc xác định hình ảnh của điểm đến là vấn đề quan trọng, quyết định vấn đề marketing liên quan tiếp theo như chiến lược tiếp thị quảng bá, các kênh phân phối, các phương tiện truyền thông... Đối với Bình Phước, hình ảnh điểm đến phải nêu bật được những đặc trưng về tiềm năng và thích hợp với thị trường mục tiêu của Bình Phước. Căn cứ vào tiềm năng du lịch cũng như xu hướng của thị trường mục tiêu, hình ảnh điểm đến của Bình Phước xác định bởi các nội dung sau: Là một điểm đến với môi trường sinh thái trong lành. Là một điểm đến an toàn và thân thiện đối với mọi du khách.
Nhóm giải pháp về giảm tối đa các thủ tục và chi phí không cần thiết nhằm tăng sức hấp dẫn thu hút đầu tư và nâng cao hiệu quả đầu tư, kinh doanh cho doanh nghiệp. Yêu cầu hiện nay là phải rà soát, sửa đổi nhiều quy định hiện chưa phù hợp với thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài một cách có quy mô, chiến lược.
Đề xuất các giải pháp cho Ban chỉ đạo du lịch tỉnh nhằm đồng bộ hóa các thủ tục, quy định cơ quan đầu mối tiếp nhận và xử lý hồ sơ theo cơ chế “Một cửa”. Đổi mới hiệu quả ngay từ khâu xúc tiến quảng bá du lịch, đồng thời tiến hành song song việc giảm thiểu các quy định, thủ tục hành chính đã và đang ràng buộc, trì kéo hoạt động du lịch (giải quyết đồng bộ như vận tải khách, thủ tục hải quan, xuất nhập cảnh), khắc phục sự xơ cứng về hình thức giải trí, tham quan, tăng sức hấp dẫn cho bộ mặt du lịch quốc gia.
Bên cạnh những giải pháp nêu trên, trong thời gian tới, ngành du lịch tỉnh cần chú trọng tập trung vào những giải pháp cụ thể sau: Nghiên cứu, phối hợp nghiên cứu xây dựng những sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương, đó là: Sản phẩm du lịch gắn với dây chuyền sản xuất và chế biến cao su, hạt điều; Sản phẩm du lịch gắn với các sự kiện văn hóa, thể thao, lễ hội đặc trưng trên địa bàn tỉnh (như lể hội Miếu Bà Rá, Lễ hội đâm trâu, Lễ hội mừng lúa mới...; Phục hồi các làng nghề truyền thống của người đồng bào dân tộc (thổ cẩm, chế biến rượu cần, mây tre đan...). Tổ chức liên kết vùng, khu vực và quốc tế nhằm kết nối tour, tuyến. Đặc biệt tập trung khai thác tuyến du lịch quốc tế Bình Phước (Việt Nam) - Campuchia - Lào - Thái Lan qua cửa khẩu quốc tế Hoa Lư. Tranh thủ sự hỗ trợ từ các bộ, ngành trung ương, nhất là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc định hướng quy hoạch; hỗ trợ nguồn vốn..., cũng như trong thu hút các dự án du lịch vào tỉnh.
Cử tri huyện Bù Đăng kiến nghị: Đường vào Khu bảo tồn văn hóa Sóc Bom Bo do Bộ Văn hóa đầu tư nay đã xuống cấp. Đề nghị UBND tỉnh bố trí vốn làm đường lên nhà văn hóa.
Trả lời: Đối với nội dung này, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo cụ thể như sau: Hạng mục đường giao thông trục chính (đường vào khu bảo tồn văn hóa sóc Bom Bo) thuộc dự án hệ thống hạ tầng đường giao thông, hồ chứa nước và hệ thống cấp nước đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2003/QĐ-UBND ngày 5-9-2011. Sở đã triển khai xây dựng hạng mục đường giao thông trục chính với quy mô như sau: Chiều dài tuyến: 968,7m; bề rộng măt đường: 2x5,5m; bề rộng dải phân cách: 1,5m; bề rộng vỉa hè: 2x1,5m. Hiện nay, hạng mục đường giao thông trục chính đã được thi công hoàn thành, sở đang tiến hành hoàn tất các thủ tục hồ sơ để nghiệm thu hoàn thành công trình và đưa vào sử dụng theo đúng quy định của Nghị định 15/NĐ-CP và Thông tư 10/2013/TT-BXD. Qua kiểm tra hiện trường công trình và hồ sơ thiết kế, sở nhận thấy công trình vẫn đảm bảo đúng thiết kế và không có tình trạng xuống cấp như ý kiến của cử tri đã phản ánh. Hạng mục đường giao thông nội bộ từ đường trục chính lên khu vực nhà dài (đường lên nhà dài) thuộc dự án hệ thống hạ tầng đường giao thông, hồ chứa nước và hệ thống cấp nước đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2003/QĐ-UBND. Sở đã hoàn thành công tác lập thiết kế bản vẽ thi công và dự toán hạng mục đường lên nhà dài. Tuy nhiên, do UBND tỉnh chưa bố trí được nguồn vốn nên chưa được thực hiện trong năm 2013. Hạng mục này sẽ dự kiến triển khai thực hiện trong năm 2014.
Cử tri phường Sơn Giang, thị xã Phước Long kiến nghị: Việc giải quyết cấp giấy CNQSD đất diện tích khoảng 115 ha cho 114 hộ dân khu vực cánh đồng Sơn Long thuộc vùng đệm của khu di tích lịch sử núi Bà Rá mà người dân đã sinh sống và canh tác ổn định từ năm 1975 đến nay chưa thực hiện được do chưa có sự đồng thuận giữa sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.Đề nghị UBND tỉnh sớm có biện pháp giải quyết.
Đối với nội dung này, sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo cụ thể như sau: Trong thời gian qua, từ khi có ý kiến kiến nghị của cử tri về nội dung này, sở văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tích cực mời các sở, ngành liên quan và UBND thị xã Phước Long tìm cách tháo gỡ, công việc này được cụ thể hóa bằng các biên bản cuộc họp và các báo cáo, đề xuất phương án giải quyết vì đây là công việc liên quan đến nhiều ngành, địa phương và cũng khá phức tạp. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tiến hành các bước thực hiện cụ thể như sau:
Thực hiện sự chỉ đạo tại Thông báo số 291/TB-UBND của UBND tỉnh, trong đó có chủ trương giao sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các sở, ngành có liên quan để điều chỉnh diện tích đất khu vực Sơn Long, phường Sơn Giang, thị xã Phước Long ra khỏi quy hoạch chung của khu di tích lịch sử núi Bà Rá. Trong quá trình thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức cuộc họp ngày 13-10-2011 về khảo sát, họp bàn việc điều chỉnh diện tích đất khu di tích lịch sử núi Bà Rá. Các sở, ngành thống nhất việc kiểm kê, rà soát đo đạc các số liệu cụ thể về số hộ, thời gian cư trú, sản xuất tại khu vực này do UBND thị xã Phước Long thực hiện. Sau khi có số liệu cụ thể, sở tổ chức họp và thống nhất báo cáo UBND tỉnh xem xét trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xin chủ trương điều chỉnh diện tích đất cho phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương và được cụ thể tại báo cáo số 1146/BC-SVHTTDL ngày 21-10-2011 của sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc điều chỉnh diện tích đất khu di tích lịch sử núi Bà Rá.
Năm 2012, UBND tỉnh đã có Công văn số 1977/UBND-VX về việc khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh. Ngày 4-7-2012, sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã mời sở, ngành có liên quan họp để thống nhất việc điều chỉnh quy hoạch cho phù họp với tình hình thực tế tại địa phương. Trong cuộc họp này các thành viên đề nghị UBND thị xã Phước Long chỉ đạo các phòng ban liên quan rà soát, sản xuất của số hộ sinh sống tại khu vực di tích lịch sử và thắng cảnh núi Bà Rá - Thác Mơ làm cơ sở trình UBND tỉnh và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch điều chỉnh diện tích cho phù hợp.
Năm 2013, UBND tỉnh đã có chỉ đạo tại Công văn số 1772/UBND-VX và giao sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan rà soát vùng đệm của khu di tích lịch sử Bà Rá - Thác Mơ, trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các sở, ngành có liên quan tổ chức các cuộc họp ngày 7-6-2013 và cuộc họp ngày 14-8-2013 về việc thống nhất điều chỉnh diện tích đất tại khu vực núi Bà Rá, đã được cụ thể hóa bằng báo cáo số 1364/BC-SVHTTDL ngày 20-8-2013 về việc điều chỉnh quy hoạch vùng đệm khu du lịch Bà Rá-Thác Mơ.
Kết quả triển khai: Sở Văn hóa, thể thao và du lịch đã nhận được sự đồng thuận của UBND thị xã Phước Long và sở Tài Nguyên và Môi trường tại các biên bản cuộc họp cũng như các văn bản góp ý về việc tham mưu UBND tỉnh cho điều chỉnh diện tích đất quy hoạch ra khỏi vùng đệm Khu di tích lịch sử núi Bà Rá (theo đề nghị của UBND thị xã Phước Long tại Tờ trình số 29/TTr-UBND ngày 27-5-2013), cụ thể:
Khu vực Sơn Long (phường Sơn Giang): diện tích cần điều chỉnh khoảng 90 ha (diện tích này đã trừ đi phần đường vòng quanh chân núi Bà Rá trở ra 50m); chiều dài khoảng 4km, xuất phát từ cầu sắt số 1 đến hết ranh phường Sơn Giang - xã Phước Tín. Khu 8 (phường Thác Mơ): diện tích cần điều chỉnh khoảng 25 ha (diện tích này đã trừ đi phần đường vòng quanh chân núi Bà Rá trở ra 50m); chiều dài khoảng 1km, xuất phát từ ngã ba mỏ đá đến hết ranh phường Thác Mơ - xã Phước Tín. Riêng sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có 2 ý kiến khác nhau, cụ thể: Tại các biên bản cuộc họp ngày 4-7-2012, ngày 7-6-2013 và ngày 14-8-2013, sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thống nhất các nội dung đưa phần diện tích nói trên ra khỏi vùng đệm Khu di tích lịch sử núi Bà Rá. Tuy nhiên, tại Công văn số 2332/SNN-KL, sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa ra ý kiến trái chiều so với các biên bản cuộc họp trước đây, cụ thể có đoạn: “Theo Quyết định số 06/2013/QĐ-UBND của UBND tỉnh về phê duyệt quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Bình Phước giai đoạn 2011-2020 và Quyết định số 209/QĐ-UBND về việc phê duyệt kết quả kiểm kê hiện trạng rừng tại Khu di tích lịch sử núi Bà Rá thì khu di tích lịch sử núi Bà Rá là khu rừng đặc dụng và không có quy hoạch điều chỉnh khu rừng đặc dụng, chuyển mục đích sử dụng sang mục đích khác. Do đó, việc điều chỉnh 115 ha sẽ không phù hợp với Quyết định 06/2013 của UBND tỉnh. Đề nghị sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét”. Từ ý kiến trên, sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận thấy việc tham mưu UBND tỉnh đã vượt quá thẩm quyền của sở và sở đã lập Báo cáo số 1635/BC-SVHTTDL để xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh.
Về hướng giải quyết:
Để giải quyết dứt điểm những vướng mắc trong nội dung này, sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo sở Tài nguyên và môi trường, sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn rà soát lại các văn bản, các quyết định có liên quan đến diện tích của khu di tích để thống nhất một con số cụ thể về diện tích đất rừng hiện hữu, phân định ranh giới đất rừng đặc dụng đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 06/2013/QĐ-UBND của UBND tỉnh, về phê duyệt Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Bình Phước giai đoạn 2011 - 2020 để có hướng tham mưu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thuận chủ trương điều chỉnh Bản đồ đính kèm Quyết định số 1568.QĐ/BT của Bộ Văn hóa, Thông tin và UBND tỉnh điều chỉnh các Quyết định: số 402/QĐ-UB ngày 19-3-2003 và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 27/QSDĐ/UB; số 209/QĐ-UBND; số 06/2013/QĐ-UBND làm cơ sở đưa phần diện tích kiến nghị ra khỏi vùng đệm của di tích.
Giám đốc: Nguyễn Quang Toản
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065