Khi lên ngôi, Lê Uy Mục không chăm lo chính sự, hằng đêm đều cùng cung nhân uống rượu, khi say thì giết chết tất cả. Triều chính đều rơi vào tay ngoại thích và bọn hoạn quan, cung đình đều bị nhơ nhuốc. Một tay Lê Uy Mục đã dần giết hại các đại thần như Đàm Văn Lễ, Nguyễn Quang Bật, đuổi Nguyễn Văn Lang, vì tất cả đều không thuận lập Uy Mục sau khi Hiến Tông qua đời. Đã vậy, Lê Uy Mục còn nghi kị tông thất, giết cả anh em cha chú của mình, từ quần thần đến thân thuộc đều lo sợ, càng quyết tâm phản loạn.
Năm 1509, Giản Tu công Lê Oanh, con trai của chú Uy Mục là Kiến vương Lê Tân, phất cờ nổi dậy ở Tây Đô (Thanh Hóa), dẫn binh tràn vào kinh thành, phế truất và bắt giam Uy Mục. Cuối cùng, Uy Mục uống thuốc độc tự sát, xác ông bị đem đi nhét vào súng thần công đem bắn cho tan nát. Có thể khẳng định rằng, chính sự của triều đình nhà Lê dưới sự cai trị của Lê Uy Mục đã rơi vào cảnh thối nát, mục ruỗng và giai thoại về số phận bi thảm của người từng là “mẫu nghi thiên hạ” sau đây là một minh chứng.
“Quỷ vương” - Lê Uy Mục - giết cả tổ mẫu ngay khi vừa mới lên ngôi (minh họa) - Ảnh internet
Trong sách “Tang thương ngẫu lục” của Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án có đoạn viết: Khoảng đầu niên hiệu Thái Hòa (1443-1453), Tế văn hầu Nguyễn Trãi phải tội, có người con gái bị bắt vào quan, sung vào hàng nữ nhạc. Cũng theo sách này, người con gái ấy có tư sắc tuyệt đẹp, tuổi đã 17, 18 mà không biết nói. Đến nay theo bạn vào cung hầu yến, vì câm nên chỉ ngồi gõ phách. Khi vua bước lên ngự tọa, người con gái bỗng cầm phách hát. Tiếng hát du dương, dư âm như quấn quanh trên rường, như khúc hát quân thiên (điệu hát trên đế đình).
Thấy thế, nhà vua lấy làm lạ và hỏi thì người con gái nói năng giống hệt người ngọc nữ trên chỗ thượng đế. Vua liền thu nạp vào hậu cung, sách lập làm Trường Lạc hoàng hậu. Người con gái ấy được sử chép tên Hằng hoặc Huyên, được ông Nguyễn Đức Trung nuôi từ nhỏ và coi như con đẻ. Gia đình ông Nguyễn Đức Trung là một dòng họ có thế mạnh trong cung cấm. Năm Quang Thuận thứ nhất (1406), bà cùng cha nuôi là ông Đức Trung đi cầu đảo ở am Từ Công, núi Phật Tích, tối về mơ thấy thượng đế bế một đứa trẻ đem cho. Sang năm sau, bà sinh được một hoàng tử, sau này là vua Lê Hiến Tông. Tuy nhiên, mối tình vương giả của bà với vua Thánh Tông không được bao lâu. Chỉ biết rằng, về sau bà bị vua ruồng bỏ, bạc đãi đến nỗi đem lòng thù ghét nhà vua.
Chuyện xưa kể lại rằng, vua Lê Thánh Tông mắc bệnh phù thũng, Trường Lạc hoàng hậu thì bị giam lâu ở cung khác, đến khi vua ốm nặng mới được đến hầu bệnh, nhân lúc này bà bèn ngầm đem thuốc độc trong tay và sờ vào chỗ lở, nên sau đó bệnh của nhà vua lại nặng thêm. Một thời gian sau thì Thánh Tông mất, vua Hiến Tông lên ngôi, tôn bà làm thái hậu, cho bà ở điện Trường Lạc và phụng dưỡng rất chu đáo.
Nhưng đến năm thứ 7 (1504), vua Hiến Tông mất, vua Túc Tông lên ngôi, tôn thái hậu lên làm thái hoàng thái hậu. Vua Túc Tông mất, không có con nối ngôi, nội thần là Nguyễn Nhữ Vi và Kính phi họ Nguyễn muốn lập vua Uy Mục. Thái hậu cho rằng đó là con của người tì thiếp, không thể nối ngôi đại thống được, nhân đó đòi lập Lã Côi Vương. Tuy nhiên, Nhữ Vi vờ theo lệnh, nhưng chỉ để lừa thái hậu và rồi lập Uy Mục làm vua khiến thái hậu rất phiền lòng.
Ngày 22-3-1505, vua Uy Mục sai người hầu ngầm giết hại thái hậu. Việc sai người ngầm giết chết Trường Lạc thái hoàng thái hậu của vua Lê Uy Mục là vì tức giận Trường Lạc thái hoàng thái hậu không muốn lập mình làm vua nên sai người giết bà để trả thù.
Lời bàn:
Trong xã hội phong kiến, người phụ nữ luôn bị coi nhẹ, rẻ rúng, họ không được quyền quyết định trong mọi lĩnh vực cuộc sống. Tư tưởng “trọng nam khinh nữ” đã chà đạp lên quyền sống của họ. Và nếu đúng Trường Lạc hoàng hậu là con gái của Nguyễn Trãi như trong nội dung của giai thoại đã nêu, thì bà quả là người phụ nữ có số phận bi thảm và nghiệt ngã nhất trong suốt mấy ngàn năm các triều đại phong kiến Việt Nam. Trải qua bao truân chuyên, dòng họ bị tru di, bản thân trở thành kiếp nô tì từ khi còn quá nhỏ. Lớn lên được vua yêu thương rồi lại bị hắt hủi tới mức oán hận tìm cách giết chồng. Khi trở thành mẹ vua rồi sau này lại bị chính cháu nội sai người giết. Ai cũng biết, cuộc đời đau khổ chẳng phải là phần riêng dành cho ai, nhưng những người chịu đựng nhiều hơn cả vẫn là phụ nữ và nỗi đau của họ bao giờ cũng có khía cạnh chua xót, tái tê riêng. Cuộc đời của Trường Lạc hoàng hậu quả là một thân phận quá thừa khổ cực và đắng cay. Thế nhưng thật đáng tiếc rằng, đã là thế kỷ XXI, nhưng ở đâu đó tàn dư ấy của chế độ cũ vẫn còn rơi rớt cho đến ngày nay. Đó là nạn bạo hành đối với phụ nữ vẫn còn khá phổ biến ở nhiều nơi, nhất là vùng nông thôn. Thậm chí có kẻ còn hành nghề mua bán phụ nữ để trục lợi làm giàu, thật đáng kinh tởm thay.
N.D
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065