LTS: Tại kỳ họp lần thứ 7 HĐND tỉnh khóa VIII diễn ra từ ngày 10 đến 12-7-2013, Sở Nội vụ đã có Văn bản số 934/SNV-XDCQ trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri. Dưới đây, Binhphuoc Online xin giới thiệu nội dung chính của văn bản này.
Kính gửi:
* Về phụ cấp kiêm nhiệm đối với các chức danh những người hoạt động không chuyên trách (theo đề nghị của cử tri Lương Quang Định xã Lộc An, huyện Lộc Ninh)
Theo quy định tại Điều 5, Quyết định số 48/2011/QĐ-UBND ngày 19-8-2011 của UBND tỉnh quy định chế độ phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách đã quy định cụ thể mức phụ cấp kiêm nhiệm đối với các chức danh như sau: Chức danh công chức cấp xã kiêm nhiệm công tác thi đua khen thưởng được hưởng mức phụ cấp kiêm nhiệm bằng 0,5 mức lương tối thiểu chung/tháng. Các chức danh kiêm nhiệm được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm bằng 0,3 mức lương tối thiểu/tháng, gồm: Cán bộ chuyên trách, công chức cấp xã kiêm nhiệm các chức danh những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, ấp, khu phố mà ở cấp xã hoặc ở thôn, ấp, khu phố giảm đi được 1 chức danh những người hoạt động không chuyên trách; bí thư, Phó Bí thư Đảng uỷ hoặc Thường trực Đảng ủy kiêm nhiệm các chức danh: Trưởng ban Tổ chức Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo; chi Ủy viên hoặc Đảng ủy viên phụ trách khối vận kiêm Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc; Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc kiêm nhiệm chức danh Trưởng ban Thanh tra nhân dân.
Cử tri thị xã Phước Long kiến nghị - Ảnh: L.P
Các chức danh kiêm nhiệm được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm bằng 0,15 mức lương tối thiểu/tháng, gồm: Cán bộ chuyên trách, công chức cấp xã, những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã nếu kiêm nhiệm các chức danh: Bí thư Chi bộ, trưởng, phó Trưởng thôn, ấp, khu phố; Công an viên; chức danh Quân sự (thôn đội trưởng), chức danh trưởng mặt trận và các chức danh trưởng đoàn thể các chi hội ở thôn, ấp, khu phố; chức danh lao động - thương binh và xã hội kiêm nhiệm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em cấp xã; chức danh Bí thư Chi bộ thôn, ấp, khu phố kiêm trưởng hoặc phó trưởng thôn, ấp, khu phố.
Chức danh các đoàn thể ở thôn, ấp, khu phố kiêm nhiệm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em hàng tháng được hưởng mức phụ cấp bằng 0,1 mức lương tối thiểu. Cán bộ chuyên trách, công chức, những người hoạt động không chuyên trách cấp xã kiêm các chức danh phó chi hội trưởng các chi hội ở thôn, ấp, khu phố được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm hàng tháng bằng 0,11 mức lương tối thiểu. Trường hợp kiêm nhiệm nhiều chức danh khác nhau thì chỉ được hưởng một mức phụ cấp kiêm nhiệm cao nhất. Phụ cấp kiêm nhiệm chức danh không dùng để đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật.
Đề nghị cử tri Lương Quang Định xã Lộc An, huyện Lộc Ninh liên hệ với các ngành chức năng ở huyện để được hướng dẫn thực hiện cụ thể đối với chức danh kiêm nhiệm mà cử tri đảm nhận.
* Về việc đề nghị bổ sung chức danh Văn phòng Đảng ủy xã là công chức Nhà nước (theo đề nghị của cử tri xã Thuận Lợi, huyện Đồng Phú).
Tại Khoản 2, Điều 61 Luật Cán bộ công chức năm 2008 đã quy định cụ thể về công chức cấp xã có các chức danh sau đây: Trưởng công an; Chỉ huy trưởng quân sự; Văn phòng - thống kê; Địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường (đối với phường, thị trấn) hoặc địa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường (đối với xã); Tài chính - kế toán; Tư pháp - hộ tịch; Văn hóa - xã hội.
Việc bổ sung chức danh công chức cấp xã thuộc thẩm quyền của Quốc hội và Chính phủ. Theo kiến nghị của cử tri, sở Nội vụ sẽ tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội về nội dung này, khi được Quốc hội bổ sung trong luật, sở Nội vụ sẽ tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện.
* Về việc đề nghị hướng dẫn phân loại thôn, ấp, khu phố; nâng cấp thôn, ấp, khu phố (theo đề nghị của cử tri xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành).
Theo quy định tại mục 3, Điều 2, Quyết định số 48/2011/QĐ-UBND ngày 19-8-2011 của UBND tỉnh quy định chế độ phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách đã quy định cụ thể về việc phân loại thôn, ấp, khu phố; nâng cấp thôn, ấp, khu phố như sau: Việc phân loại thôn, ấp, khu phố: Thôn, ấp, khu phố được phân làm ba loại. Thôn, ấp, khu phố loại I gồm những thôn, ấp thuộc các xã biên giới; thôn, ấp, khu phố có ½ dân số là người dân tộc thiểu số có từ 250 hộ dân trở lên và những thôn, ấp, khu phố khác có từ 300 hộ dân trở lên. Thôn, ấp, khu phố loại II gồm những thôn, ấp, khu phố có ½ dân số là người dân tộc thiểu số có dưới 250 hộ dân và những thôn, ấp, khu phố khác có dưới 300 hộ dân. Thôn, ấp loại III gồm những thôn, ấp ở những nơi địa bàn xa xôi, hẻo lánh, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có dưới 50 hộ dân nhưng không nhập vào thôn, ấp khác được.
Việc nâng cấp thôn, ấp, khu phố từ loại III lên loại II, từ loại II lên loại I và việc đổi tên thôn, ấp, khu phố: Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã căn cứ vào số liệu niên giám thống kê về số hộ hàng năm có ý kiến thống nhất trước với sở Nội vụ. Sau khi có ý kiến thống nhất của sở Nội vụ, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã ra quyết định để Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn thực hiện.
Đề nghị cử tri xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành liên hệ với các ngành chức năng ở huyện để được hướng dẫn thực hiện việc phân loại thôn, ấp và nâng cấp thôn, ấp trên địa bàn xã.
* Về việc xem xét giải quyết phụ cấp cho tổ trưởng tổ an ninh nhân dân; mua bảo hiểm y tế cho lực lượng công an viên và lực lượng làm nhiệm vụ thuộc tổ an ninh nhân dân (theo đề nghị của cử tri Phạm Văn Tuấn Ấp 3, xã Đồng Nơ, huyện Hớn Quản, cử tri xã Long Tân, huyện Bù Gia Mập và cử tri Đoàn Văn Hùng xã Lộc An, huyện Lộc Ninh).
Hiện nay, Công an tỉnh đang phối hợp với các ngành chức năng và sở Nội vụ xây dựng đề án về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và hoạt động của tổ an ninh nhân dân trên địa bàn tỉnh. Khi đề án được UBND tỉnh ban hành sở Nội vụ phối hợp Công an tỉnh triển khai các địa phương căn cứ đề án để thực hiện.
* Về nội dung liên quan tới chế độ theo Nghị định 116/2010/NĐ-CP của Chính phủ (theo đề nghị của cử tri xã Tân Quan, huyện Hớn Quản):
Theo quy định tại Mục 2, Khoản 2, Điều 1, Nghị định 116/2010/NĐ-CP ngày 24-12-2010 của Chính phủ (sau đây gọi tắt là Nghị định 116/2010/NĐ-CP) thì phạm vi điều chỉnh đối với vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn bao gồm: các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo theo quyết định của Thủ tướng chính phủ.
Theo quy định tại Điều 2, Nghị định 116/2010/NĐ-CP của Chính phủ, các đối tượng sau đây được hưởng chế độ, chính sách ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn: Cán bộ, công chức, viên chức và người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động, kể cả người tập sự, thử việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội từ Trung ương đến xã, phường, thị trấn.
Điều 2, Thông tư liên tịch số 08/2011/TTLT-BNV-BTC của Liên bộ Tài chính - Nội vụ hướng dẫn thực hiện một số điều Nghị định 116/2010/NĐ-CP của Chính phủ có quy định đối tượng được hưởng chế độ, chính sách ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn gồm: Cán bộ, công chức (kể cả người tập sự) và người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động hưởng lương từ ngân sách nhà nước làm việc trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương; ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn quy định tại Khoản 3, Điều 4 Luật Cán bộ, công chức.
Việc đề nghị công nhận xã đặc biệt khó khăn, danh sách các xã đặc biệt khó khăn và việc thực hiện các chế độ đối với xã đặc biệt khó khăn do Ban Dân tộc tỉnh tham mưu UBND tỉnh thực hiện. Để trả lời cho cử tri xã Tân Quan về chế độ đối với các đối tượng được hưởng theo quy định tại Nghị định 116/2010/NĐ-CP.
* Về các nội dung liên quan tới việc tuyển dụng công chức và việc thực hiện chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức (Cử tri Nguyễn Thị Huệ, xã Lộc Thành, huyện Lộc Ninh đề nghị: Hiện nay nhiều con em tỉnh Bình Phước ra trường chưa có việc làm, trong khi đó số được tuyển dụng công tác tại địa phương làm việc phần lớn ở tỉnh khác về. Đề nghị lãnh đạo tỉnh quan tâm tạo điều kiện bố trí việc làm cho con em tỉnh Bình Phước).
Để tạo điều kiện bố trí việc làm cho con em là người tỉnh Bình Phước, ngày 21-12-2012 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 73/2012/QĐ-UBND về chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; thu hút và phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tại Khoản 2 Điều 2 Quyết định số 73/2012/QĐ-UBND quy định ưu tiên thu hút sinh viên tốt nghiệp đại học loại khá trở lên ở các chuyên ngành mà tỉnh có nhu cầu tự nguyện về công tác tại tỉnh và các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó ưu tiên thu hút đối tượng học sinh sau khi tốt nghiệp đại học là người địa phương, đặc biệt người dân tộc thiểu số bản địa, học sinh các trường trung học phổ thông chuyên, trung học phổ thông dân tộc nội trú và các trường trung học phổ thông khác của tỉnh Bình Phước để bố trí dự nguồn công tác tại các xã, phường, thị trấn trong tỉnh.
* Về kiến nghị của cử tri ở trường tiểu học Phú Trung, xã Phú Trung, huyện Bù Gia Mập.
Đối với trường hợp của bà Vũ Thị Tuyết, sở Nội vụ đã có Công văn số 658/SNV-CCVC ngày 30-5-2012 về việc thỏa thuận bổ nhiệm vào ngạch và xếp lương viên chức gửi UBND huyện Bù Gia Mập. Đề nghị bà liên hệ UBND huyện Bù Gia Mập để được giải quyết.
Trường hợp 6 giáo viên của trường đã có quyết định chuyển ngạch nhưng trong quyết định bị nhầm tên sang trường tiểu học Long Phú, mặc dù đã kiến nghị hơn 1 năm nhưng vẫn chưa được xem xét, điều chỉnh lại quyết định. Sau khi nhận được Văn bản đề nghị số 48/UBND-NC của UBND huyện Bù Gia Mập, sở Nội vụ đã tiến hành thẩm định và có Công văn số 923/SNV-CCVC về việc thỏa thuận điều chỉnh danh sách bổ nhiệm ngạch và xếp lương cho viên chức. Đề nghị các giáo viên nêu trên liên hệ UBND huyện Bù Gia Mập để được giải quyết.
Một số giáo viên của trường đã học liên thông và tốt nghiệp đại học vào đầu năm 2013 và đề nghị cho biết số giáo viên này có được cho chuyển ngạch hay không? Căn cứ Điều 12 Thông tư số 12/2012/TT-BNV của Bộ Nội vụ quy định về chức danh nghề nghiệp và thay đổi chức danh nghề nghiệp đối với viên chức thì việc thay đổi chức danh nghề nghiệp viên chức phải trải qua kỳ thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp do UBND tỉnh tổ chức thực hiện. Khi tổ chức thực hiện, hội đồng thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp sẽ có thông báo đầy đủ về trình tự, thủ tục, điều kiện, tiêu chuẩn của người đăng ký thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp gửi về các sở, ban, ngành tỉnh; UBND các huyện, thị xã để các viên chức có đủ điều kiện, tiêu chuẩn đăng ký.
* Về các nội dung liên quan tới công tác Tôn giáo (ý kiến của Đại đức Thích Bửu Khánh - Trụ trì chùa Trúc Lâm, xã Nghĩa Trung, huyện Bù Đăng).
Thời gian qua trên địa bàn huyện có một số Ban Hộ tự gửi hồ sơ từ năm 2008 đến nay nhưng chưa được công nhận như: chùa Liên Trì (xã Bom Bo), Tịnh Độ tự (xã Đức Liễu), Hồng Liên Hoa tự (xã Minh Hưng), trong khi đó các chùa khác gửi hồ sơ sau nhưng đã được công nhận. Đề nghị xem xét lại việc công nhận một số chùa trên địa bàn huyện Bù Đăng khi đã gửi đầy đủ hồ sơ”. Sở Nội vụ xin trả lời như sau:
Đối với vấn đề thành lập Ban Hộ tự: Theo quy định của pháp luật tại khoản 2, Điều 17, Pháp lệnh Tín ngưỡng tôn giáo và khoản 1, Điều 10, Nghị định 22/2005/NĐ-CP (nay là khoản 1, Điều 9, Nghị định 92/2012/NĐ-CP) của Chính phủ quy định về thủ tục hồ sơ thành lập đơn vị tôn giáo cơ sở phải có văn bản đề nghị của tổ chức tôn giáo và phải được sự chấp thuận của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Đối với việc xin thành lập Ban hộ tự chùa Tịnh Độ tự (xã Đức Liễu): Ngày 12-1-2009, Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo có Văn thư số 254/CV-BTS đề nghị chấp thuận cho thành lập Ban hộ tự chùa Đức Bổn, xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng; UBND tỉnh đã có văn bản chấp thuận việc Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo thành lập Ban Hộ tự chùa Đức Bổn, xã Đức Liễu tại Công văn số 313/UBND-VX, tại mục 2 công văn này nêu rõ: Ban Hộ tự chùa Đức Bổn có nhiệm vụ quản lý cơ sở thờ tự, hướng dẫn tín đồ sinh hoạt tín ngưỡng Phật giáo xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng (gồm các ấp: 1, 2, 3, 8 và 10).
Ngày 16-3-2009, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh tiếp tục có Văn thư số 277/CV-BTS đề nghị chấp thuận cho thành lập Ban Hộ tự chùa Tịnh Độ, xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng. Xét thấy hồ sơ xin thành lập chùa Tịnh Độ, xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng gồm tín đồ Phật tử các ấp: 1, 2, 3, 5, 8, 9 do đó UBND tỉnh có văn bản phúc đáp Ban Trị sự Phật giáo tỉnh về việc chưa xem xét việc Ban Trị sự Phật giáo tỉnh thành lập Ban Hộ tự chùa Tịnh Độ, xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng tại Công văn số 1518/UBND-VX và đề nghị Ban Trị sự Phật giáo tỉnh hướng dẫn bà con Phật tử xã Đức Liễu tham gia sinh hoạt Phật giáo tại chùa Đức Bổn, xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng.
Đối với việc xin thành lập Ban Hộ tự chùa Liên Trì (xã Bom Bo) và Hồng Liên Hoa tự (xã Minh Hưng), sở Nội vụ có ý kiến như sau: Việc xin thành lập Ban Hộ tự chùa Liên Trì (xã Bom Bo) và Hồng Liên Hoa tự (xã Minh Hưng) phải do Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Phước có văn bản đề nghị UBND tỉnh chấp thuận cho thành lập theo quy định của pháp luật tại khoản 2, Điều 17, Pháp lệnh Tín ngưỡng tôn giáo và khoản 1, Điều 10, Nghị định 22/2005/NĐ-CP (nay là khoản 1, Điều 9, Nghị định 92/2012/NĐ-CP) của Chính phủ quy định về thủ tục hồ sơ thành lập đơn vị tôn giáo cơ sở. Sở Nội vụ là cơ quan tham mưu UBND tỉnh quản lý nhà nước về tôn giáo. Tuy nhiên, trong thời gian qua, Sở Nội vụ chưa nhận hồ sơ xin thành lập Ban Hộ tự chùa Liên Trì (xã Bom Bo) và Hồng Liên Hoa tự (xã Minh Hưng) do Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Phước đề nghị.
* Về vấn đề di dời am, miếu, tượng Phật xây dựng trái phép quanh núi Bà Rá:
Việc một số phật tử tự ý xây dựng các công trình tín ngưỡng, tôn giáo và tổ chức sinh hoạt tôn giáo quanh núi Bà Rá khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép là trái pháp luật. Theo Điều 4, Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo quy định: “Chùa, nhà thờ, thánh thất, đình, đền, miếu, trụ sở tổ chức tôn giáo, các cơ sở đào tạo của tổ chức tôn giáo, những cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo hợp pháp khác, kinh bổn và các đồ dùng thờ cúng được pháp luật bảo hộ”. Như vậy, những cơ sở am, miếu, tượng phật xây dựng quanh núi Bà Rá là những cơ sở xây dựng trái phép, không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép nên không được pháp luật bảo hộ.
Việc thực hiện di dời am, miếu, tượng phật xây dựng trái phép quanh núi Bà Rá của các cơ quan chức năng do ông Nguyễn Hữu Tư, Phó giám đốc sở, Trưởng ban Tôn giáo tỉnh chủ trì là đúng với quy định của pháp luật cũng như các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh. Cụ thể, trên cơ sở Quyết định 1748/QĐ-UBND và Kế hoạch 67/KH-UBND ngày 5-9-2012 của UBND tỉnh về việc thành lập Ban di dời am, miếu, tượng Phật xây dựng trái phép quanh núi Bà Rá, phường Sơn Giang, thị xã Phước Long, sở Nội vụ đã phối hợp với UBND thị xã Phước Long, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh và các ngành liên quan xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện nhiệm vụ di dời các am, miếu, tượng Phật xây dựng trái phép tại núi Bà Rá.
Đối với các công trình xây dựng trong hang đá còn gọi là “hang cọp”, trong quá trình thực hiện di dời, do những pho tượng này vừa nhỏ và được xây dựng bằng bê tông, nên khi tháo dỡ dẫn đến hư hỏng một số tượng. Đối với tượng phật Quan âm trên hồ nước, do là tượng lớn, được xây dựng kiên cố, không thể tháo dỡ để di dời, nên đoàn đã để lại chứ không đập phá, khi đoàn ra về thì bức tượng vẫn còn nguyên vẹn. Nhưng một số đối tượng có ý đồ xấu đã tự đập phá bức tượng này sau đó quay phim để vu cáo ông Nguyễn Hữu Tư đập phá tượng phật để kích động bà con phật tử.
Trong vấn đề di dời, một số phật tử trên địa bàn thị xã Phước Long đã có đơn kiến nghị cho rằng ông Nguyễn Hữu Tư đập phá tượng Phật. UBND tỉnh đã có văn bản trả lời tại Công văn số 256/UBND-NC và Ban Trị sự Phật giáo tỉnh đã có Báo cáo số 214/BC-BTS gửi Hội đồng trị sự TWGHPGVN về tình hình di dời ác am, miếu tượng phật xây dựng trái pháp luật quanh núi Bà Rá, tại báo cáo này, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh đã có chính kiến khẳng định như sau: “Đối với các công trình xây dựng quanh núi Bà Rá: Đây là các công trình xây dựng tự phát không được sự cho phép của Ban Trị sự GHPGVN tỉnh cũng như các cơ quan nhà nước có thẩm quyền (xâm phạm nghiêm trọng Điều 13, Luật Di sản - Văn hóa năm 2001; Điều 30, Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo; Điều 29, Nghị định số 22/2005/NĐ-CP ngày 1-3-2005 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Tín ngưỡng tôn giáo nay là Điều 34, Nghị định số 92/2012/NĐ-CP ngày 8-11-2012 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo), ảnh hưởng đến cảnh quan khu di tích, gây mất an ninh trật tự, vệ sinh môi trường và công tác phòng cháy, chữa cháy. Do đó, các công trình này không nằm trong sự quản lý của Giáo hội địa phương.
Đối với chủ trương của UBND tỉnh Bình Phước: Núi Bà Rá đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cấp bằng công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Do đó, UBND tỉnh Bình Phước đã quy hoạch xây dựng khu du lịch sinh thái gắn với các công trình tâm linh Phật giáo và khu miếu Bà trên núi Bà Rá để khai thác tiềm năng du lịch của khu di tích cũng như đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của nhân dân. Vì vậy, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Phước rất đồng tình và ủng hộ chủ trương di dời các am, miếu, tượng phật xây dựng trái pháp luật này về an vị tại cơ sở Phật giáo hợp pháp của UBND tỉnh nhằm bảo vệ khu di tích lịch sử văn hóa. Đồng thời, việc di dời tượng phật về đúng nơi, đúng chỗ để thờ cúng một cách đàng hoàng, thể hiện sự tôn nghiêm và trang trọng của Phật giáo.
Đối với cá nhân ông Nguyễn Hữu Tư, Phó giám đốc sở Nội vụ, Trưởng ban Tôn giáo: Ông Nguyễn Hữu Tư là người hiểu về quan điểm chủ trương của Đảng, Pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng tôn giáo. Trong 4 năm qua (từ khi được bổ nhiệm Phó giám đốc sở Nội vụ - Trưởng ban Tôn giáo), luôn quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, cũng như tham mưu UBND tỉnh giải quyết kịp thời mọi nhu cầu tôn giáo chính đáng và hợp pháp của nhân dân có tín ngưỡng Phật giáo nói riêng và các tôn giáo khác nói chung. Nhưng đối với những việc vi phạm pháp luật thì phải xử lý để đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật. Do đó, việc di dời am, miếu, tượng xây dựng trái pháp luật quanh núi Bà Rá của ông Nguyễn Hữu Tư là đúng với các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh và theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện di dời, có một số tượng tại “hang cọp” được làm bằng sành, sứ gắn chặt đế tượng bằng xi măng, trong quá trình đục để di dời bị hư hỏng. Với tư cách là thành viên trong quá trình tổ chức và thực hiện di dời, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh khẳng định không có chuyện ông Nguyễn Hữu Tư đập phá tượng Đức Quán thế Âm Bồ tát và đốt kinh, sách như “Thư thỉnh nguyện” và các thông tin, hình ảnh phát tán trên mạng Internet”.
Phó Giám đốc phụ trách: Vũ Đức Sơn
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065