LTS: Tại kỳ họp lần thứ 7, HĐND tỉnh khóa VIII diễn ra từ ngày 10 đến 12-7-2013, Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Văn Tới đã có Công văn số 1500/SNN-VP báo cáo giải trình một số nội dung đã hứa tại kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh, khóa VIII. Dưới đây, Binhphuoc Online xin giới thiệu nội dung chính trong văn bản này.
* Việc thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy về chính sách đối với quỹ đất nông nghiệp tách ra khỏi lâm phần sau quy hoạch 3 loại rừng, xác định ranh giới mốc, diện tích và giao cho địa phương quản lý.
Về vấn đề này, sở NN&PTNT trả lời: Sau khi Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua Nghị quyết số 01/2007/NQHĐND ngày 2-3-2007 về thông qua quy hoạch 3 loại rừng giai đoạn 2006-2010 của tỉnh Bình Phước, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch 3 loại rừng giai đoạn 2006-2010 tại Quyết định số 11/2007/QĐ-UBND ngày 19-3-2007. Theo Quyết định này, diện tích 3 loại rừng là 178.730 ha gồm: Rừng đặc dụng: 31.282 ha; Rừng phòng hộ: 44.898 ha, Rừng sản xuất: 102.550 ha. Diện tích đất nông nghiệp điều chỉnh ra khỏi đất lâm nghiệp là 162.275 ha, trong đó: Đất có rừng: 17.913 ha (rừng tự nhiên là 8.300 ha, rừng trồng là 9.613 ha); đất trống: 5.098 ha; đất bị xâm canh: 135.582 ha; đất khác: 3.679,9 ha. Tại quyết định này, UBND tỉnh giao sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương xác định ranh giới đất lâm nghiệp trên bản đồ và đóng mốc ranh giới các loại rừng trên thực địa, sắp xếp lại các Ban QLRPH phù hợp với quy hoạch; Tham mưu thực hiện các chủ trương, chính sách của Nhà nước về đầu tư xây dựng và phát triển đối với mỗi loại rừng; Tham mưu xây dựng quy chế quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ biên giới. UBND tỉnh giao sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì thực hiện giao đất cho các chủ rừng theo đúng quy định của pháp luật nhằm đẩy mạnh việc giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài, đúng mục đích.
Đối với diện tích đất nông nghiệp tách ra khỏi lâm phần (162.275 ha), sau khi cắm mốc 3 loại rừng, sở NN&PTNT đã thực hiện bàn giao về cho các địa phương quản lý. Hồ sơ bàn giao gồm: Báo cáo, kèm theo các biển số hiệu chi tiết tài nguyên rừng và đất rừng; bản đồ hiện trạng sử dụng đất lâm nghiệp, bản đồ phân cấp phòng hộ, bản đồ đất, bản đồ quy hoạch 3 loại rừng. Công việc cắm mốc 3 loại rừng ngoài thực địa đã hoàn thành trong tháng 4-2008, công tác bàn giao cho các huyện hoàn thành trong năm 2008. UBND tỉnh giao UBND các huyện làm chủ đầu tư, thực hiện xây dựng dự án quy hoạch sử dụng đất chi tiết. Đồng thời, UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện kê khai đối với diện tích đất lâm nghiệp xâm canh chuyển ra khỏi đất lâm nghiệp làm cơ sở quản lý. Sở NN&PTNT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành hướng dẫn kê khai tại Văn bản số 83/HD-UBND ngày 16-7-2009 về việc hướng dẫn kê khai đối với diện tích đất lâm nghiệp xâm canh chuyển ra khỏi đất lâm nghiệp sau quy hoạch 3 loại rừng giao về địa phương quản lý.
Để đẩy nhanh tiến độ quy hoạch sử dụng đất chi tiết chuyển ra khỏi lâm phần giao về địa phương quản lý, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện quy hoạch sử dụng rừng, đất rừng và đất chuyển ra khỏi lâm phần sau rà soát 3 loại rừng tại Quyết định số 991/QĐ-UBND ngày 14-5-2008. Đồng thời, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 21/CT-UBND ngày 26-11-2008 chỉ thị về việc đẩy nhanh tiến độ Quy hoạch sử dụng đất đối với diện tích đất tách ra khỏi lâm phần và đất quy hoạch cho lâm nghiệp sau rà soát quy hoạch 3 loại rừng. Về quy hoạch sử dụng đất, chỉ thị yêu cầu các huyện cần quy hoạch đất dự trữ cho phát triển công nghiệp tại huyện Đồng Phú: 10.000 ha, Bù Đằng: 8.000 ha, Phước Long: 7.000 ha, Lộc Ninh: 5.000 ha; Quy hoạch đất cho các dự án bố trí, sắp xếp, ổn định dân cư và các dự án lớn của tỉnh như dự án Phước Hòa và một số dự án theo nhu cầu của huyện; Quy hoạch đất dành cho phát triển giao thông, trường học, trạm y tế, khu thể dục thể thao, trung tâm văn hóa, trụ sở xã, nhà sinh hoạt cộng đồng và các nhu cầu hạ tầng khác; Quy hoạch dự trữ đất cho thu hút các dự án chăn nuôi tập trung mỗi huyện ít nhất 500 ha (trừ huyện Chơn Thành, Bình Long). Đồng thời, giao sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc các huyện thực hiện lập quy hoạch, hàng tháng báo cáo UBND tỉnh nắm tình hình và có ý kiến chỉ đạo khi cần thiết; Chủ trì, phối hợp với sở NN&PTNT thẩm định báo cáo quy hoạch và trình UBND tỉnh phê duyệt và công bố quy hoạch sau khi được UBND tỉnh phê duyệt.
Về chính sách đối với quỹ đất nông nghiệp tách ra khỏi lâm phần sau quy hoạch 3 loại rừng, UBND tỉnh giao sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, và UBND các huyện tham mưu xây dựng chính sách đối với quỹ đất nông nghiệp tách ra khỏi lâm phần theo quy hoạch 3 loại rừng. Chính sách đã được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 06/2009/NQ-HĐND ngày 31-7-2009 và UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 52/2009/QĐ-UBND ngày 4-11-2009 quy định về chính sách đối với quỹ đất nông nghiệp tách ra khỏi lâm phần; Sở NN&PTNT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 22/2008/QĐ-UBND ngày 16-5-2008 về ban hành khung chính sách bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất tách ra khỏi lâm phần và đất lâm nghiệp khi thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, tổ quốc sau quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh làm cơ sở để thu hồi đất thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh và của các huyện thị.
Về quản lý diện tích rừng tự nhiên chuyển ra khỏi đất lâm nghiệp, UBND tỉnh giao các Ban quản lý rừng điều tra, đánh giá hiện trạng và quản lý chặt chẽ các diện tích này. Sau khi có báo cáo về hiện trạng rừng tự nhiên tách ra khỏi lâm phần, UBND tỉnh đã chỉ đạo quản lý diện tích này tại Quyết định số 991/QĐ-UBND ngày 14-5-2008 cụ thể: Cần giữ lại diện tích rừng tự nhiên có chất lượng tốt, diện tích tập trung trên 10 ha; diện tích còn lại cho chuyển mục đích sử dụng.
Hiện nay, các huyện đang quản lý diện tích đất nông nghiệp tách ra khỏi lâm phần theo Quy hoạch chi tiết sử dụng đất được UBND tỉnh phê duyệt. Riêng huyện Đồng Phú, sau khi Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua Nghị quyết số 06/2012/NQ-HĐND ngày 6-8-2012 đã điều chỉnh thu hồi 10.000 ha giao lại cho chủ rừng quản lý để thực hiện dự án phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Các huyện thực hiện chính sách đối với quỹ đất nông nghiệp tách ra khỏi đất lâm nghiệp tại Quyết định số 52/2009/QĐ-UBND ngày 4-11-2009 của UBND tỉnh để giao đất cho nhân dân. Tuy nhiên, ngày 27-6-211, UBND tỉnh thông báo tạm ngưng thực hiện và chỉ đạo sở Tài nguyên và Môi trường sơ kết và đề xuất bổ sung, sửa đổi cho phù hợp (Công văn số 1846/UBND-KTN ngày 27-6-2011).
* Việc quy hoạch, tiến độ thực hiện và chất lượng các dự án công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh.
Sở NN&PTNT trả lời: Sau khi tỉnh Bình Phước được tái lập, UBND tỉnh đã chỉ đạo sở NN&PTNT tiến hành quy hoạch thủy lợi giai đoạn 2001-2010. Quy hoạch được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 614/QĐ-UBND ngày 30-3-2011. Năm 2005, thực hiện rà soát quy hoạch thủy lợi và UBND tỉnh đã phê duyệt rà soát quy hoạch thủy lợi đến 2010 tại tại Quyết định số 1165/QĐ-UBND ngày 8-6-2005. Quy hoạch thủy lợi đã xác định mục tiêu phát triển thủy lợi đến năm 2010 là đảm bảo tưới cho 68.484 ha diện tích gieo trồng cây hàng năm và cây công nghiệp, cây ăn quả có nhu cầu tưới; tạo nguồn cung cấp nước sinh hoạt 127.787m3/ngày đêm.
Kết quả thực hiện quy hoạch, đã xây dựng được 23 công trình thủy lợi có quy mô vừa và nhỏ, nâng số lượng công trình thủy lợi lên 55 công trình. Trong đó có 9 đập dâng, 45 hồ chứa và 1 trạm bơm. Hệ thống kênh mương được xây dựng khá đồng bộ, với tổng chiều dài 101,7 km, trong đó có 80,81 km kênh đã được bê tông hóa, với năng lực tưới thiết kế đạt 8.699 ha, tạo nguồn cấp nước sinh hoạt 82.817m3/ngày đêm. Bên cạnh đó, ngành hướng dẫn nhân dân xây dựng nhiều đập tạm và nhiều trạm bơm dầu nhỏ lẻ lấy nước từ các sông suối, ao hồ, hồ chứa thủy lợi phục vụ tưới, góp phần đưa diện tích tưới lên 49.200 ha, tăng 41% so với năm 2001. Trong đó diện tích tưới từ các công trình thủy lợi do nhà nước đầu tư chiếm 11,2%, diện tích được tưới từ các biện pháp khác do dân tự làm chiếm 88,8%.
Trong đầu tư phát triển thủy lợi, do ngân sách tỉnh còn hạn chế nên mặc dù tỉnh đã tranh thủ và sử dụng hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ từ Chính phủ và Bộ NN&PTNT đầu tư phát triển thủy lợi, nhưng tổng vốn đầu tư còn thấp so với nhu cầu. Theo quy hoạch cần xây dựng 101 công trình thủy lợi nhưng đến nay mới xây dựng được 23 công trình/101 công trình, đạt 22,7%. Về mục tiêu, diện tích tưới đã thực hiện 49.200 ha đạt 71,8%; tạo nguồn cấp nước 82.817m3/ngày, đêm, đạt 64,8%.
Về chất lượng các công trình thủy lợi:
Các công trình thủy lợi đưa vào sử dụng đều có chất lượng tốt, công tác lập dự án, khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng công trình được thực hiện theo đúng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn về xây dựng chuyên ngành và được thực hiện đầu tư theo đúng trình tự xây dựng cơ bản. Các công trình hoạt động an toàn trong mùa mưa lũ.
Các công trình hoàn thành đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả, kịp thời tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp và tạo nguồn cấp nước sinh hoạt cho nhân dân. Việc áp dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật mới vào xây dựng ở một số công trình thủy lợi đã đem lại hiệu quả cao, giảm giá thành xây dựng, phù hợp với điều kiện đặc thù của địa phương. Về quản lý, khai thác, các công trình chủ yếu do công ty TNHH MTV dịch vụ thủy lợi Bình Phước quản lý, khai thác. Năng lực tưới được phát huy đạt 87,6% so với năng lực thiết kế, là mức cao so với bình quân cả nước.
* Chất lượng, hiệu quả sử dụng các công trình giếng nước sạch nông thôn.
Sở NN&PTNT trả lời: Giai đoạn 1999-2005, Chương trình đã đầu tư và hỗ trợ cho nhân dân xây dựng 12.539 công trình cấp nước sinh hoạt, gồm 40 công trình tập trung (4 công trình cấp nước cho 4 thị trấn (thị trấn An Lộc nay là thị xã Bình Long, thị trấn Lộc Ninh, thị trấn Phước Bình (nay là thị xã Phước Long) và thị trấn Bù Đăng). 2 hệ cấp nước tập trung cho 2 trung tâm cụm xã (Bom Bo - Bù Đăng, Đa Kia - Bình Thắng - Bù Gia Mập) và 30 hệ cấp nước tập trung vừa và nhỏ, 4 hệ nội mạng. Hỗ trợ nhân dân xây dựng 895 giếng khoan nhỏ lẻ, đào mới 3.520 giếng đào, cải tạo nâng cấp 8.084 giếng. Kết quả trên đã góp phần đưa tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đến cuối năm 2005 là 65%, đạt kế hoạch được giao.
Giai đoạn 2006-2010, Chương trình đã đầu tư và hỗ trợ nhân dân xây dựng được 22.845 công trình nước sinh hoạt, gồm: 14 công trình cấp nước tập trung, 4.854 giếng khoan nhỏ lẻ; hỗ trợ đào mới 8.054 giếng đào, cải tạo, nâng cấp 14. 780 giếng đào, góp phần đưa tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh lên 84,1% vào cuối năm 2010, đạt kế hoạch đề ra.
Hiện nay, đang thực hiện Chương trình MTQG NS & VSMTNT giai đoạn 2011-2015. Hai năm, 2011, 2012, chương trình luôn hoàn thành kế hoạch giải ngân và mục tiêu đề ra. Tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh ước thực hiện đến cuối năm 2012 là 86% đạt kế hoạch đề ra.
Về chất lượng và hiệu quả khai thác, do rút kinh nghiệm trong đầu tư xây dựng công trình nước sinh hoạt nên từ năm 2005, chương trình nước sinh hoạt chủ yếu hỗ trợ nhân dân tự đào mới và cải tạo giếng đào nên chương trình phát huy hiệu quả cao. Các công trình tập trung chỉ xây dựng ở những nơi xác định rõ số lượng hộ sử dụng và nguồn nước ngầm tầng nông đã bị ô nhiễm không thể khai thác nhỏ lẻ. Mặt khác, công trình xác định được tổ chức quản lý, khai thác, vì thế tránh tránh được tình trạng công trình xây dựng xong không phát huy hiệu quả hoặc nhanh xuống cấp.
Về chất lượng xây dựng, các công trình đầu mối được xây dựng đạt yêu cầu thiết kế, không có công trình kém chất lượng. Riêng hệ thống đường ống, do mạng lưới giao thông và dân cư chưa ổn định tình trạng xây dựng nhà cửa, đường giao thông cắt qua đường ống sau khi lắp đặt đường ống đã gây gãy, vỡ đường ống nên nhiều tuyến ống bị hư hỏng, rò rỉ làm thất thoát nước vượt quá tỷ lệ cho phép.
Về quản lý, khai thác, các công trình cấp nước tập trung chủ yếu giao công ty TNHH MTV dịch vụ thủy lợi quản lý nên quản lý khá tốt. Tuy vậy, vẫn còn công trình thiếu duy tu sửa chữa thường xuyên nên nhanh xuống cấp. Nguyên nhân chủ yếu do dân không sử dụng nước quanh năm chỉ sử dụng mùa khô là chủ yếu nên thu không đủ chi để duy tu, sửa chữa. Mặt khác, trình độ công nhân vận hành còn hạn chế, do vùng sâu, vùng xa khó tuyển nhân viên, chủ yếu đào tạo tại chổ nên chất lượng quản lý vận hành chưa cao.
Giám đốc sở Nguyễn Văn Tới
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065