Tại kỳ họp lần thứ tám HĐND tỉnh vừa diễn ra từ ngày 4 đến 6-12 vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Văn bản số 2735/SNN-VP trả lời chất vấn của đại biểu HĐND.
Kết quả thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt thấp. Đến năm 2015, có hoàn thành 19/19 tiêu chí ở các xã điểm?
Trả lời: Về kết quả thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới: Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới theo Quyết định số 800/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy đã chỉ đạo UBND tỉnh tổ chức thực hiện, Ban chỉ đạo tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 83/KH-BCĐXDNTM về kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015 và đến 2020. Qua 03 năm thực hiện, Chương trình nông thôn mới đạt được một số kết quả sau đây: Về tổ chức thực hiện: UBND tỉnh, các huyện, thị xã đã thành lập Ban chỉ đạo mới; UBND các xã là chủ đầu tư và thành lập các ban quản lý đề án xây dựng nông thôn mới để tổ chức thực hiện. Ban chỉ đạo tỉnh đã ban hành Kế hoạch 83/KH-BCĐXDNTM về Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015 và giai đoạn 2016-2020. Đồng thời, các huyện, thị xã lựa chọn mỗi huyện, thị xã 02 xã chỉ đạo điểm nông thôn mới giai đoạn 2011-2015. UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh thông qua quy định về mức hỗ trợ nguồn vốn cho các nội dung xây dựng Chương trình nông thôn mới trên cơ sở quy định chung của Chính phủ (Quyết định số 20/QĐ-UBND của UBND tỉnh).
Đề án xây dựng nông thôn mới đạt thấp - Ảnh: M.L
Về thực hiện các tiêu chí: Về tiêu chí lập quy hoạch, đề án xây dựng nông thôn mới: Về lập đồ án quy hoạch tính đến tháng 11-2013: Toàn tỉnh có 92/92 xã được phê duyệt đồ án quy hoạch, đạt 100% kế hoạch, chậm 01 quý so với Kế hoạch số 83/KH-BCĐXDNTM. Về đề án, toàn tỉnh có 70/92 xã đã phê duyệt đề án, đạt 76,1% kế hoạch. Dự kiến đến hết năm 2013 mới hoàn thành 100%, chậm 01 quý so với Kế hoạch số 83/KH-BCĐXDNTM ngày 18-4-2013.
Về thực hiện các tiêu chí còn lại: Tất cả các nội dung xây dựng nông thôn mới đều được các xã tổ chức thực hiện, so với trước khi thực hiện chương trình các xã đều có các tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới tăng. Xã có số tiêu chí tăng cao nhất là 08 tiêu chí; xã có số tiêu chí thấp nhất là 01 tiêu chí. Trung bình số tiêu chí tăng của 21 xã chỉ đạo điểm là 4-5 tiêu chí.
Theo Kế hoạch 83/KH-BCĐXDNTM, đến năm 2013 các xã phải đạt 4 tiêu chí, gồm: Quy hoạch (tiêu chí số 1), Bưu điện (tiêu chí số 8), Hệ thống tổ chức chính trị - xã hội (tiêu chí số 18), An ninh trật tự xã hội (tiêu chí số 19). Kết quả đến tháng 11-2013, 100% số xã (92/92 xã) đạt 4 tiêu chí trên, theo kế hoạch đề ra.
Ngoài ra có một số xã đạt số tiêu chí nhiều hơn Kế hoạch 83/KH-BCĐXDNTM. Cụ thể: xã Tân Thành - Đồng Xoài tăng 08 tiêu chí; xã Thanh Phú - Bình Long tăng 07 tiêu chí; xã Tiến Hưng - Đồng Xoài tăng 06 tiêu chí; xã Thanh Lương - Bình Long tăng 05 tiêu chí…
Kết quả huy động nguồn lực thực hiện chương trình: Tổng nguồn vốn huy động cho chương trình đạt 3.670,401 tỷ đồng, đạt 96,2% so với nhu cầu (2011-2013 là 3.814,41 tỷ đồng). Tuy gặp khó khăn về kinh tế, ngân sách còn eo hẹp nhưng Trung ương và tỉnh đã rất cố gắng trong hỗ trợ vốn cho Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, tổng vốn ngân sách nhà nước dành cho chương trình trong 03 năm (2011-2013) là 509,474 tỷ đồng còn thấp, mới chiếm 14% so với nguồn vốn huy động được và 13,3% so với nhu cầu (QĐ 800 là 40%).
Nguồn vốn vay, thực chất là vốn của nhân dân đạt khá cao 2.600 tỷ đồng chiếm 70,8% so với nguồn vốn huy động được vượt 40,8% so với nhu cầu (theo QĐ 800 là 30%). Vốn doanh nghiệp và vốn huy động trực tiếp từ nhân dân đạt thấp so với nhu cầu: Vốn doanh nghiệp 275,554 tỷ đồng, chiếm 7,5% so với nguồn vốn huy động được và 7,2% so với nhu cầu (theo QĐ 800 là 20%); vốn dân 285,373 tỷ đồng, chiếm 7,8% so với nguồn vốn huy động được và 7,5% so với nhu cầu (theo QĐ 800 là 10%).
Đánh giá về ưu điểm: Các cấp, các ngành và nhân dân trong tỉnh đều nỗ lực thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới; chương trình đã và đang được tiếp tục duy trì và trở thành phong trào lan tỏa khắp trên địa bàn tỉnh, đã thu hút được người dân tham gia tích cực để chung tay xây dựng nông thôn mới.
Các bộ, ngành của Trung ương đã kịp thời ban hành các văn bản bổ sung, điều chỉnh phù hợp với thực tiễn như: sửa đổi bộ tiêu chí, ban hành cơ chế quản lý đầu tư đặc thù... góp phần giải quyết những vướng mắc trong triển khai thực hiện chương trình.
HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã kịp thời ban hành cơ chế, chính sách quản lý đầu tư; Ưu tiên vốn cho Chương trình xây dựng nông thôn mới trong khi tỉnh còn nhiều khó khăn.
Mô hình thí điểm xã Tân Lập, huyện Đồng Phú đã cơ bản hoàn thành, tỉnh đã kịp thời sơ kết rút kinh nghiệm để triển khai Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trên toàn tỉnh.
Xuất hiện nhiều cách làm sáng tạo, phù hợp điều kiện thực tế của địa phương, nhiều công trình cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội được đầu tư xây dựng theo tiêu chí nông thôn mới được hoàn thành đưa vào sử dụng như: đường giao thông, trường học... phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Bộ mặt nông thôn nhiều xã đã có khởi sắc.
Khuyết điểm: Toàn bộ hệ thống chính trị đã vào cuộc, tuy nhiên có nơi có lúc chưa thật tập trung, thiếu quyết liệt trong tổ chức thực hiện; còn tình trạng trông chờ sự hỗ trợ của Trung ương, cấp trên chưa chủ động phát huy nội lực.
Công tác tuyên truyền tuy được chú trọng thực hiện nhưng việc tuyên truyền gắn với vận động thực hiện đề án, dự án của cấp cơ sở còn hạn chế về nội dung tuyên truyền và hình thức tuyên truyền, vận động nên hiệu quả chưa cao.
Chất lượng quy hoạch chưa cao, tiến độ chậm nên ảnh hưởng tới tiến độ chung của chương trình.
Việc huy động nguồn lực chưa đồng bộ, chưa theo chương trình, dự án nên có nguồn vốn này lại thiếu nguồn vốn khác dẫn tới vốn ngân sách hỗ trợ tuy còn thấp nhưng giải ngân chậm.
Nguyên nhân khách quan:
Hướng dẫn của Bộ, ngành theo Thông tư liên tịch số 13/2011-TTLT-BXD-BNNPTNT-BTNMT ngày 28-10-2011 của liên Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp & PTNT, Bộ Tài nguyên & Môi trường quy định việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới chậm (đến ngày 15-12-2011 thông tư mới có hiệu lực thi hành), khó khăn trong công tác triển khai.
Chương trình nông thôn mới triển khai thực hiện trong thời điểm kinh tế khó khăn nên nguồn vốn ngân sách nhà nước đầu tư cho chương trình còn hạn chế mới đạt 13,3%/40%, nguồn vốn huy động từ doanh nghiệp tham gia chương trình còn ít 7,2%/20%.
Nguyên nhân chủ quan:
Năng lực tổ chức thực hiện đồ án quy hoạch, xây dựng án và quản lý chương trình, tuyên truyền, vận động của cấp xã còn nhiều hạn chế.
Công tác tập huấn mới dừng ở cách thức xây dựng đề cương mà còn thiếu chuyên sâu trong việc lập và tổ chức thực hiện các chương trình, dự án.
Các cấp ủy Đảng (huyện, xã) tuy có chỉ đạo thực hiện nhưng còn thiếu quyết liệt, thiếu đôn đốc, kiểm tra, phê bình, chấn chỉnh các xã chưa thực hiện tốt kịp thời. Chính quyền các cấp còn e ngại trước khó khăn về nguồn lực nên chưa mạnh dạn trong tổ chức thực hiện. Một số huyện chọn xã yếu để chỉ đạo điểm nên gặp khó khăn trong thực hiện.
Một số sở, ngành chưa chủ động hướng dẫn, hỗ trợ các xã thực hiện các nội dung liên quan tới sở, ngành mình.
Lực lượng tuyên truyền, phổ biến thiếu gắn kết với chuyên môn, nghiệp vụ nên còn chung chung. Ở cấp cơ sở công tác tuyên truyền chưa gắn với việc vận động, thảo luận để đi đến đồng thuận thực hiện từng nội dung, công việc cụ thể.
Các Ban quản lý đề án cấp xã chưa xây dựng được các dự án có chất lượng, khả thi trong huy động nguồn lực nên không huy động đồng bộ các nguồn lực theo mức quy định, còn sử dụng nguồn lực nhà nước hỗ trợ là chính.
Thiếu cơ chế, chính sách huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp tham gia xây dựng nông thôn mới.
Về nội dung đến năm 2015 có hoàn thành 19/19 tiêu chí ở các xã điểm không? Vấn đề này xin được giải trình như sau: Để thực hiện hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2013-2020, UBND tỉnh đã tham mưu Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết về Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tỉnh Bình Phước giai đoạn 2013-2020. Mục tiêu nghị quyết đề ra cho giai đoạn 2013-2015 là phấn đấu 21 xã chỉ đạo điểm giai đoạn 2011-2015 đạt chuẩn nông thôn mới (tức đạt 19 tiêu chí). Trong đó, xã Tân Lập là xã chỉ đạo điểm của Trung ương đạt chuẩn vào 6 tháng đầu năm 2014. 30 xã giai đoạn 2016-2020 đạt từ 50% trở lên (tức 9 tiêu chí trở lên). Các xã còn lại thực hiện đạt từ 4-6 tiêu chí. Để thực hiện đạt mục tiêu trên nghị quyết đề ra các giải pháp chủ yếu như sau:
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, vận động nhân dân từ tỉnh đến cơ sở, tạo sự chuyển biến sâu sắc và tích cực trong nhận thức về tầm quan trọng của nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, nông dân đóng vai trò chủ thể cùng với sự chung sức của toàn xã hội, nhà nước đóng vai trò hỗ trợ, hướng dẫn thông qua sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị. Ở cấp cơ sở, tuyên truyền phải đi đôi với vận động, phát huy dân chủ trong thảo luận cho từng nội dung, dự án cụ thể.
Về cơ chế chính sách: Ngoài tổ chức thực hiện tốt các chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn do Trung ương ban hành; tiếp tục nghiên cứu ban hành các chính sách mang tính đặc thù của địa phương như sử dụng đất chuyển ra khỏi quy hoạch lâm nghiệp; chính sách hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu tập trung cho công nghiệp chế biến nhằm tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nâng cao thu nhập và có tính bền vững cho nông dân; chính sách sử dụng quỹ an sinh xã hội trong xây dựng nông thôn mới; chính sách thu hút nhân lực và vật lực, nguồn vốn từ cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp cho xây dựng nông thôn mới.
Đẩy mạnh công tác tập huấn, hướng dẫn cho Ban quản lý đề án cấp xã đủ năng lực làm tốt công tác quy hoạch xây dựng đề án, dự án và tổ chức thực hiện cụ thể từng dự án.
Trong tổ chức thực hiện, quán triệt phương châm nội dung dễ làm trước, khó làm sau; ưu tiên phát triển sản xuất nâng cao thu nhập; về xây dựng hạ tầng nông thôn lựa chọn các nội dung thiết thực, được nhân dân đồng thuận cao để tổ chức thực hiện trước tạo niềm tin cho nhân dân trong thực hiện chương trình.
Tập trung huy động nguồn lực cho nông thôn mới; tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu và nguồn vốn Chính phủ, nguồn vốn đầu tư của các bộ, ngành, trung ương; lồng ghép vốn của Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới... Có chính sách, cơ chế huy động nguồn vốn của các doanh nghiệp; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và phân công doanh nghiệp tích cực đóng góp trực tiếp và gián tiếp thông qua hỗ trợ tài chính xây dựng hạ tầng nông thôn mới và đầu tư sản xuất nông nghiệp, chế biến nông lâm thủy sản ở khu vực nông thôn.
Về lãnh đạo, chỉ đạo: Kiện toàn, củng cố các ban chỉ đạo các cấp về thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới. Bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng và toàn bộ hệ thống chính trị phải vào cuộc tham gia; làm rõ vai trò quyết định của nhân dân, vai trò lãnh đạo, tổ chức thực hiện của chính quyền các cấp; đồng thời gắn liền với trách nhiệm của các sở, ngành trong việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.
Chất lượng một số dự án công trình liên quan đến nông nghiệp, nông thôn thời gian qua chưa đảm bảo như: Hồ thủy lợi Phước Hòa chưa hoàn thành, việc chỉnh lý và cấp GCNQSD đất cho các hộ dân bị ảnh hưởng, dự án trợ cấp di dời dân Đa Bông Cua chưa trợ cấp di dời 6 tháng cho một số hộ dân; còn 08 hộ dân chưa được cấp đất ở và chưa quy hoạch, xây dựng trường để học sinh con em các hộ bị di dời tiếp tục được đến trường... Trách nhiệm của Sở trong vấn đề này?
Trả lời:
Về dự án hồ thủy lợi Phước Hòa chưa hoàn thành, việc chỉnh lý và cấp
GCNQSD đất cho các hộ dân bị ảnh hưởng, xin được giải trình như sau: Công trình hồ thủy lợi Phước Hòa là dự án lớn của quốc gia do Bộ Nông nghiệp và PTNT quyết định đầu tư và do Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 9 thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT quản lý đầu tư và xây dựng. Giai đoạn I, gồm xây dựng công trình đầu mối và kênh chuyển nước từ hồ Phước Hòa sang hồ Dầu Tiếng. Giai đoạn I đã được thi công hoàn thành và đưa vào sử dụng tháng 11-2011. Trong giai đoạn này, tỉnh Bình Phước được Bộ Nông nghiệp và PTNT ủy quyền thực hiện hợp phần bồi thường và tái định cư. Đến nay, việc bồi thường giải phóng mặt bằng xây dựng và khu vực lòng hồ đã hoàn thành, các hạng mục xây dựng các khu tái định canh, tái định cư đã cơ bản hoàn thành, chỉ còn hạng mục cấp thoát nước của khu tái định cư 10 ha tại xã Nha Bích là đang xây dựng, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2013 là hoàn tất việc xây dựng các khu tái định cư theo kế hoạch.
Về bồi thường lòng hồ, do sau khi tích nước có phát sinh thêm vùng ngập, gồm xã Minh Thành: 02 hộ, xã Nha Bích: 06 hộ, xã Minh Lập: 64 hộ, xã Tân Thành: 30 hộ và xã Tiến Hưng: 03 hộ và Ban QLCDA ngành Nông nghiệp & PTNT đã trình Bộ Nông nghiệp & PTNT chấp thuận cho bồi thường bổ sung và đã được Bộ Nông nghiệp & PTNT chấp thuận tại Công văn số 444/XD-B2. Hiện tại Ban QLCDA ngành Nông nghiệp & PTNT đã áp giá cho 71 hộ đủ điều kiện, các hộ còn lại đã yêu cầu UBND các xã xác minh nguồn gốc đất nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản trả lời.
Về việc chỉnh lý giấy CNQSD đất: Ngày 02-11-2013, Hội đồng bồi thường dự án thủy lợi Phước Hòa đã họp giải quyết vướng mắc trong việc điều chỉnh GCNQSD đất cho các hộ dân xã Nha Bích và xã Minh Lập và cấp GCNQSD đất cho các hộ dân được tái định cư tại khu 10 ha và 80 ha.
Việc điều chỉnh lại giấy CNQSD đất của các hộ dân xã Nha Bích và xã Minh Lập: Hội đồng bồi thường đã yêu cầu xí nghiệp Trắc địa bản đồ 305 phải hiệu chỉnh lại sai lệch giữa bản đồ đo đạc bồi thường so với bản đồ địa chính của xã. Đến nay, xí nghiệp Trắc địa bản đồ 305 đã trích đo xong các thửa có ranh giới không trùng với bản đồ địa chính của xã sau khi cung cấp hồ sơ cho Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, văn phòng sẽ tiến hành điều chỉnh lại giấy CNQSD đất cho các hộ dân.
Việc cấp giấy CNQSD đất cho các hộ dân tại khu 10 ha: Hiện nay, Ban QLCDA ngành Nông nghiệp và PTNT đã bàn giao đất được 54/57 hộ. Hồ sơ cấp đất của 54 hộ này đã được bàn giao cho Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện Chơn Thành. Văn phòng đã tiến hành cấp giấy CNQSD đất cho các hộ dân. 03 hộ còn lại chưa nhận đất, ban quản lý các dự án tiếp tục thông báo theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 3681/UBND-KTN thời hạn cuối đến nhận đất là ngày 30-11-2013. Sau thời hạn này, nếu các hộ không đến nhận đất sẽ nhận bằng tiền theo đơn giá UBND tỉnh ban hành. Đến thời điểm này có 01 hộ đến nhận; 02 hộ không đến nhận đất.
Việc cấp giấy CNQSD đất cho các hộ dân tại khu 80 ha: Công ty Đo đạc bản đồ số 1 đã bàn giao 962 hồ sơ cho Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện Chơn Thành. Văn phòng đang tiến hành cấp giấy CNQSD đất cho các hộ dân. 121 hộ chưa nhận đất Sở Nông nghiệp và PTNT đã tiếp tục thông báo theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 3681/UBND-KTN thì thời hạn cuối đến nhận đất là ngày 30-11-2013. Đến thời điểm này có 22 hộ đến nhận đất, 08 hộ xin nhận bằng tiền, còn lại 91 hộ không đến nhận đất.
Về vấn đề dự án di dời dân Đa Bông Cua chưa trợ cấp di dời 6 tháng cho một số hộ dân; còn 08 hộ dân chưa được cấp đất ở và chưa quy hoạch, xây dựng trường để học sinh con em các hộ bị di dời tiếp tục được đến trường:
Về việc chưa trợ cấp di dời 6 tháng cho một số hộ dân:
- Theo chính sách quy định hiện hành tại Quyết định số 46/2008/QĐ-UBND ngày 12-8-2008 của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp & PTNT phối hợp với UBND huyện Bù Đăng, Sở Tài nguyên & Môi trường tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt các khoản hỗ trợ theo quy định, được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3054/QĐ-UBND ngày 31-12-2010, bao gồm: hỗ trợ về đất, nhà ở, vật kiến trúc, cây trồng, thưởng di dời theo đúng kế hoạch và các khoản hỗ trợ khác (gồm: hỗ trợ chỗ ở chờ tái lập chỗ ở mới 500.000 đồng/hộ/01 tháng với thời gian hỗ trợ 6 tháng và hỗ trợ ổn định cuộc sống là 0,6 triệu/nhân khẩu), Sở Nông nghiệp & PTNT đã chi trả cho các hộ đúng số tiền theo Quyết định của UBND tỉnh phê duyệt. Tuy nhiên, có một số trường hợp do trong quá trình kiểm kê các hộ vắng mặt nên Tổ giúp việc Hội đồng bồi thường không nắm rõ ranh đất, hoa màu trên đất, vì vậy, Tổ giúp việc đã tiến hành phúc tra, xác minh bổ sung đợt 2 gồm 26 hộ và được Hội đồng bồi thường xem xét, Sở Tài nguyên & Môi trường thẩm định, tham mưu UBND tỉnh phê duyệt hỗ trợ bổ sung tại Quyết định số 2462/QĐ-UBND. Nhưng đến nay, do chưa được Chính phủ hỗ trợ tiếp vốn cho dự án nên UBND tỉnh chưa giao vốn để Sở Nông nghiệp & PTNT chi trả phần bổ sung cho các hộ này. Ngoài ra, đối với những hộ chưa nhận đất tái định canh, tái định cư đợt 1 (do giải tỏa đến đâu cấp đất tái định canh đến đó) trong thời gian chờ tái định canh, tái định cư đợt 2, Sở Nông nghiệp & PTNT phối hợp với UBND huyện Bù Đăng, Sở Tài nguyên & Môi trường đã thẩm định, đề xuất UBND tỉnh tiếp tục hỗ trợ thêm cho các hộ này. Đến nay, UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương hỗ trợ thêm kinh phí thuê chỗ ở và ổn định cuộc sống tại Công văn số 3942/UBND-KTN ngày 27-11-2013 (tái định canh là 12 tháng cho 43 hộ và tái định cư là 24 tháng cho 9 hộ) và giao Sở Tài chính tham mưu cho UBND tỉnh nguồn kinh phí để xem xét, quyết định. Khi được UBND tỉnh phê duyệt và giao vốn, Sở Nông nghiệp & PTNT sẽ tiếp tục chi trả cho các hộ. Hiện nay, do Chính phủ chưa giao kế hoạch vốn hỗ trợ cho dự án. Sở Nông nghiệp và PTNT đã đề nghị UBND tỉnh cho hoàn trả ngân sách.
Về việc còn 08 hộ dân chưa được cấp đất và chưa quy hoạch đất ở: Việc cấp đất ở cho 08 hộ dân di dời và 01 hộ dân tại chỗ, UBND tỉnh đã giao cho UBND huyện Bù Đăng giải quyết tái định cư xen ghép. UBND huyện Bù Đăng đã quy hoạch 6.136m2 tại khoảnh 8, tiểu khu 310 thuộc lâm phần do Nông lâm trường Nghĩa Trung thuộc Công ty TNHH MTV Cao su Sông Bé quản lý. Sở Nông nghiệp và PTNT đã có ý kiến trình UBND tỉnh thống nhất theo đề nghị của UBND huyện Bù Đăng. Đến nay, UBND huyện Bù Đăng đã hoàn thành phương án hỗ trợ cây trồng trên đất cho các hộ dân xen canh trên diện tích này và đang trình UBND tỉnh phê duyệt. Khi hoàn tất hỗ trợ thiệt hại cho các hộ dân huyện sẽ cấp đất tái định cư cho các hộ dân trên.
Việc xây dựng trường học cho học sinh con em các hộ bị di dời: UBND tỉnh đã giao việc xây dựng trường học cho học sinh tại khu vực tái định cư, tái định canh Đa Bông Cua cho UBND huyện Bù Đăng. Hiện UBND huyện Bù Đăng đang thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng công trình.
Thời gian qua, tình trạng mất rừng và đất lâm nghiệp vẫn xảy ra. Sở Nông nghiệp và PTNT xử lý như thế nào và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan như thế nào?
Trả lời: Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm, tình trạng trái pháp luật tuy đã giảm nhiều so với những năm trước đây nhưng vẫn còn xảy ra. Trong 10 tháng đầu năm 2013, vẫn còn xảy ra 50 vụ phá rừng giảm 28 vụ so với cùng kỳ năm 2012; diện tích bị thiệt hại 22,48 ha giảm 13,8 ha so với cùng kỳ năm 2012. Diện tích đất rừng bị phá năm 2013 chủ yếu tập trung tại địa bàn huyện Bù Gia Mập và do đối tượng là người đồng bào dân tộc tại chỗ thực hiện. Để thực hiện mục tiêu đến năm 2015 giữ cho bằng được diện tích rừng tự nhiên hiện có, Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với UBND các huyện kiện toàn lại các Ban quản lý rừng, biệt phái cán bộ Chi cục Kiểm lâm, Chi cục Lâm nghiệp tăng cường cho các Ban Quản lý rừng như Tà Thiết, Bù Đăng. Để giải quyết kinh phí hỗ trợ quản lý bảo vệ rừng cho các doanh nghiệp nhà nước được UBND tỉnh giao quản lý bảo vệ rừng phòng hộ, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu UBND tỉnh định mức kinh phí quản lý bảo vệ rừng theo hướng vận dụng theo một số tỉnh có mức hỗ trợ cao hơn mức Trung ương quy định. Tuy nhiên, đến nay UBND tỉnh chưa ban hành.
Trong quá trình kiểm tra phát hiện tình hình phá rừng, Chi cục Kiểm lâm đã yêu cầu các chủ rừng nghiêm khắc kiểm điểm xử lý cán bộ vi phạm. Tại huyện Bù Gia Mập, Chi cục Kiểm lâm đang lập hồ sơ xử lý công ty TNHH MTV Cao su Phước Long để xảy ra tình trạng phá rừng. Công ty TNHH MTV Cao su Phước Long cũng đã xử lý kỷ luật cán bộ và nhân viên có liên quan; đã khiển trách 10 người, cảnh cáo 07 người. Chi cục Kiểm lâm đã xử lý kỷ luật 06 công chức kiểm lâm có liên quan; bao gồm: Cách chức: 01 người; Cảnh cáo: 03 người và khiển trách: 02 người.
Về xử lý các trường hợp phá rừng các năm trước năm 2013, trong 04 vụ bắt được đối tượng vi phạm, đã xử theo quy định tại Nghị định số 99/2009/NĐ-CP, trong đó: khởi tố 02 vụ với 02 bị can, Toà án đã xét xử 01 vụ với 01 bị cáo với mức án là 4 năm tù giam và 01 vụ còn lại (01 bị can) đang chuẩn bị xét xử; xử lý hành chính: 02 vụ. Còn 22 vụ với 96,026 ha rừng đã bị phá vào các năm trước. Do các vụ việc có tình tiết phức tạp, các vụ vi phạm đều vượt mức xử phạt vi phạm hành chính, các Hạt kiểm lâm đã báo cáo UBND các huyện chỉ đạo các cơ quan chức năng (Công an, Viện kiểm sát) phối hợp xác minh, điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật. Hiện nay, các vụ việc trên vẫn đang được các cơ quan chức năng điều tra, lập hồ sơ xử lý.
Thông tư 216/2012 ngày 10-12-2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn, xác định tiền thuê đất đối với đất trồng cao su cho các tổ chức kinh tế, cá nhân, hộ gia đình thuê. Đây là nguồn thu mới trên địa bàn tỉnh. Đề nghị Sở cho biết hiện nay có bao nhiêu dự án được phê duyệt, tổng diện tích và tiến độ cấp GCNQSD đất cho các chủ dự án đến đâu?
Trả lời: Thực hiện chủ trương của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong thời gian qua UBND tỉnh đã chấp thuận và phê duyệt các dự án chuyển đổi rừng nghèo, đất trống sang trồng cao su trên đất lâm nghiệp. Tính đến hết tháng 06-2013, tổng số dự án đã được phê duyệt: 206 Dự án (theo chủ đầu tư), với tổng diện tích: 40.906 ha (thực hiện trồng rừng, trồng cao su: 36.433 ha; khoanh nuôi, bảo vệ: 4.473 ha), đa số các dự án đang trong thời kỳ kiến thiết cơ bản.
Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các chủ Dự án: Đối với các chủ đầu tư thực hiện dự án không thuộc đối tượng phải bàn giao 10% diện tích cao su đứng cho quỹ an sinh xã hội của tỉnh được quy định tại khoản 3, Điều 1 - Quyết định số 2125/QĐ-UBND ngày 08-11-2013, thì liên hệ với Sở Tài nguyên và Môi trường để được xem xét, hướng dẫn lập thủ tục thuê đất theo quy định. Ngoài các đối tượng nói trên, theo quy định tại Quyết định số 2125/QĐ-UBND ngày 08-11-2013 của UBND tỉnh, các Công ty, doanh nghiệp tư nhân thực hiện dự án trồng cao su trên đất lâm nghiệp có trách nhiệm bàn giao lại ít nhất 10% diện tích cao su đứng cho quỹ an sinh xã hội của tỉnh sau khi hết thời kỳ kiến thiết cơ bản (5 năm) như đã cam kết, diện tích được chuyển sang cho thuê đất theo quy định. Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, đến nay đã cấp giấy CNQSDĐ cho 29 dự án với diện tích 6.821 ha.
Theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 18 - Luật Bảo vệ và Phát triển rừng thì UBND các cấp lập kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng của cấp mình trình HĐND cùng cấp quyết định. Nhưng trong thời gian qua tỉnh Bình Phước không thực hiện.
Trả lời: Tỉnh Bình Phước đã hoàn thành việc lập Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2015 theo Luật Bảo vệ và phát triển rừng và hướng dẫn tại Thông tư số 05/2008/TT-BNN ngày 14-01-2008 của Bộ Nông nghiệp và PTNT, quy hoạch này đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT thẩm định tại Công văn số 1765/BNN-TCLN ngày 12-6-2012 và Hội đồng nhân dân tỉnh thống nhất thông qua tại kỳ họp thứ VIII cuối năm 2012 và ban hành Nghị quyết số 29/2012/NQ-HĐND ngày 17-12-2012, sau đó UBND phê duyệt tại Quyết định số 06/2013/QĐ-UBND ngày 28-01-2013 làm cơ sở cho các cấp triển khai thực hiện. Trong quy hoạch được duyệt này đã được xây dựng kế hoạch bảo vệ rừng và phát triển rừng cho các giai đoạn 2013-2015 và 2016-2020.
Trên cơ sở Quy hoạch được duyệt này và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh cũng ban hành Quyết định phê duyệt Kế hoạch Bảo vệ và phát triển rừng trung hạn giai đoạn 2013-2015 tại Quyết định số 596/QĐ-UBND ngày 12-4-2013. Trên cơ sở kế hoạch trung hạn được duyệt, hàng năm Sở Nông nghiệp và PTNT đều xây dựng kế hoạch và tham mưu UBND tỉnh các chỉ tiêu kinh tế xã hội thuộc ngành, trong đó có chỉ tiêu bảo vệ và phát triển rừng thông qua HĐND tỉnh làm cơ sở cho UBND tỉnh phê duyệt, giao kế hoạch cho các ngành chức năng, các đơn vị chủ rừng triển khai thực hiện hàng năm. Trên đây là nội dung trả lời chất vấn của Sở Nông nghiệp và PTNT, báo cáo UBND tỉnh, HĐND tỉnh.
Giám đốc: Nguyễn Văn Tới
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065