Ngoài đồng đang thơm mùi lúa chín, ngọt lịm. Chắc ngoại tôi hóa thành cánh cò đang lặn lội ngoài đồng xa. Tiếng máy tuốt lúa ngoài đồng, những nông phu bình dị, nhộn nhịp vụ mùa cuối năm. Cây mai trước nhà vẫn còn những lá gìa nua chưa ngắt đi, tôi hiểu, chắc ngoại không với cao tới đó, đợi tôi về... ngắt hết lá mai.
Một cái Tết êm đềm bên ngoại. Hôm Ba mươi, tôi ngồi canh nồi bánh tét, lại được nghe ngoại kể chuyện ba má ngày xưa. Tôi không nhớ là mình đã nghe bao nhiêu lần câu chuyện đó. Từ ánh mắt của ngoại, mỗi lần nghe chuyện, tôi hình dung được ba má tôi chắc đẹp lắm. Và hình dung cả những nhọc nhằn, những đường rãnh sâu của cuộc đời sau đôi mắt, dẫn tôi về quá khứ buồn thương và đưa tôi đi trong niềm an nhiên của ngoại. Ngày Tết, ngoại không nhắc những chuyện buồn. Ngoại kể tôi nghe những chuyện thời bao cấp, thời mà người ta thiếu đường và thiếu mỡ, thời mà người ta thiếu mặc và thiếu ăn, gạo đổi thành khoai lang, bo bo và củ mì... Rồi dạy tôi phải tiết kiệm, phải lo mần ăn cho giỏi.
Mùng Ba, ngoại mần con gà trống để ra mắt ông bà. Rồi ngoại cho tôi ăn Tết ngày cuối với bạn bè trong xóm. Giáp năm mới gặp mặt, kể chuyện làm ăn rồi chuyện trên trời dưới đất. Gà xé phay trộn gỏi với bông chuối hột, ngoại hái phía sau nhà, uống rượu gạo của thằng bạn đem qua (nhà nó nấu rượu lấy hèm nuôi heo) nên yên tâm. Uống tới đâu đã tới đó. Đã đời rồi ngã ngang, rồi bệnh. Đêm đó tôi cảm sụt sùi. Ngoại lấy khăn lau sốt, lâu lâu ngoại lấy tay sờ lên trán, bàn tay ngoại chai sần, những đường nứt của chỉ tay gồ ghề, tủa ra hơi ấm như cánh đồng hạn tháng năm.
Sáng mùng Bốn, tôi chuẩn bị quay về với công việc ở đất Sài thành. Ngoại chuẩn bị cho tôi mấy đòn bánh tét, trái cây vườn nhà, gói trong giỏ cái xách đệm, để biếu đồng nghiệp chung phòng. Tôi dúi vào tay ngoại thêm ít tiền: “Con gửi ngoại thêm ít để ăn trầu, ráng hết năm nay con về cất nhà cho ngoại đỡ cực nghen ngoại...”. Ngoại ngồi bậc cửa xa xăm: “Cất chi, ăn nhiều chứ ở bao nhiêu, để đó mà phòng thân. Tiền bây gửi về cho ngoại hàng tháng, ngoại lên chợ xã gửi vào quỹ tín dụng cho bây. Để đó mà có của ăn của để với người ta. Ba má bây mất sớm không để lại gì cho bây, ngoại sợ, ngoại cũng không để lại được gì cho bây...”. Ngoại nói xong, người đàn ông trong tôi không cho phép tôi ra vẻ yếu đuối trước mặt ngoại, tôi phải cố ngước lên, hít sâu, chớp mắt cho nước mắt không chảy ra.
Tôi khoanh tay cúi đầu chào ngoại, ngoại còn níu lại dặn dò: “Lên trển ráng mà mần ăn cho ngoan hiền, cho người ta thương nghe chưa?”. Cuộc sống mưu sinh kéo tôi đi xa. Hàng thập niên rong ruổi giữa chợ đời nhặt tìm những giấc mơ hoang. Sáng nay, áng mây trắng còn đậu vờn trên đỉnh Hòn Đất, chắc ba má là áng mây đó bay về. Chợt, tôi sợ một ngày, phải một lần nữa muốn níu lại thời gian...
Nguồn PNO
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065