LTS: Tại kỳ họp lần thứ 5, HĐND tỉnh khóa VIII, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã có Văn bản số 2042/SLĐTBXH-VP về việc trả lời ý kiến, kiến nghị của Đại biểu HĐND tỉnh. Dưới đây, Binhphuoc Online xin giới thiệu cùng bạn đọc về nội dung của văn bản này:
* Tổ đại biểu khu vực thị xã Bình Long và huyện Hớn Quản đề nghị Sở LĐ-TB&XH đánh giá sâu hơn về công tác xóa đói giảm nghèo, như: Mức độ thực hiện đến đâu, khó khăn tồn tại và hướng khắc phục.
Phát huy kết quả xóa đói giảm nghèo của các giai đoạn trước, giai đoạn 2011-2015, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 06/2011/NQ-HĐND và UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 47/2011/QĐ-UBND về thực hiện đề án “Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh Bình Phước giai đoạn 2011-2015” với 3 nhóm chính sách chủ yếu tác động vào các mặt đời sống của hộ nghèo đó là: Nhóm chính sách tạo điều kiện cho người nghèo phát triển sản xuất, tăng thu nhập; nhóm chính sách tạo điều kiện để người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội; nhóm chính sách nâng cao năng lực và nhận thức. Qua hơn một năm thực hiện đề án, bước đầu các chính sách đã được triển khai thực hiện với nhiều giải pháp đồng bộ, tích cực; kết quả tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 9,29% xuống còn 6,9%. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện cũng đã phát sinh một số tồn tại, khó khăn, đó là:
Một số chính sách đã kết thúc nhưng chủ trương thực hiện tiếp theo chưa có như: Xây dựng nhà tình thương, Chương trình 135 giai đoạn III. Bên cạnh đó một số chính sách nguồn lực thực hiện chưa xác định cụ thể cho riêng đối tượng người nghèo mà còn bố trí chung cho tất cả các đối tượng và được thực hiện lồng ghép nên còn gặp khó khăn khi thực hiện đề án.
Các hộ nghèo tập trung cao vào nhóm hộ là đồng bào dân tộc thiểu số, người mới di cư ở các tỉnh khác đến để tìm kiếm đất lập nghiệp, khu vực vùng sâu, vùng xa,... Số hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm rất cao, đầu năm 2011 là 8.519 hộ (chiếm tỷ lệ 41,56% so với tổng số hộ nghèo), cuối năm 2011, số hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số là 6.932 hộ (chiếm tỷ lệ 44,04% so với tổng số hộ nghèo). Qua số liệu cho thấy việc giảm nghèo trong khu vực đồng bào dân tộc thiểu số là rất khó khăn. Hiện nay, chưa có kế hoạch riêng để thực hiện giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Phương hướng khắc phục: Kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo giảm nghèo các cấp. Có cơ chế phối kết hợp chặt chẽ giữa các ngành trong việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách của đề án.
Bố trí nguồn lực của địa phương thực hiện các chính sách giảm nghèo đặc thù như hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số; nâng mức cho vay đối với hộ nghèo; đầu tư cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới...
Có chế độ đãi ngộ tương xứng đối với cán bộ thực hiện chương trình giảm nghèo, đặc biệt là đội ngũ cán bộ ở cấp cơ sở để đội ngũ này yên tâm công tác. Thực hiện tốt việc rà soát, điều tra, quản lý đối tượng hộ nghèo, đảm bảo tính chính xác, minh bạch và dân chủ.
* Tổ đại biểu khu vực huyện Lộc Ninh và Bù Đốp kiến nghị: Đề án Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh Bình Phước giai đoạn 2011-2015 đạt kết quả chưa bền vững; các hộ thoát nghèo đời sống vẫn khó khăn, nguy cơ tái nghèo vẫn còn. Đề nghị bổ sung số liệu các hộ tái nghèo.
Mặc dù tỷ lệ hộ nghèo giảm hàng năm đạt và vượt mục tiêu đề ra, nhưng kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, biểu hiện: Chuẩn nghèo theo tiêu chí quy định tại Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg ngày 30-1-2011 của Thủ tướng chính phủ (400.000 đồng/người/tháng đối với khu vực nông thôn và 500.000 đồng/người/tháng đối với khu vực thành thị), mặc dù đã tăng gấp 2 lần mức chuẩn nghèo của giai đoạn 2006-2010, nhưng trong hai năm 2011, 2012 chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động mạnh dẫn đến một bộ phận người rất khó khăn được coi là không nghèo nhưng thực chất vẫn thuộc diện nghèo.
Tỷ lệ hộ nghèo đã thoát nghèo nhưng nằm sát chuẩn nghèo rất lớn (70 - 80%) chỉ cần gặp rủi ro là rơi vào nghèo đói. Ở các xã vùng sâu, vùng xa tỷ lệ hộ nghèo còn cao, toàn tỉnh có 11 xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 15% trở lên. Trong các giai đoạn trước, tỷ lệ hộ tái nghèo còn cao, khoảng 7 - 10%. Trong giai đoạn 2011-2015 do mới thực hiện tổng điều tra hộ nghèo áp dụng theo chuẩn nghèo mới nên cuối năm 2012 mới xác định được số hộ tái nghèo của năm 2011 (là năm đầu tiên của giai đoạn 2011-2015). Hiện nay các huyện, thị xã đang tiến hành rà soát điều tra số hộ nghèo, cận nghèo của năm 2012.
* Tổ đại biểu khu vực huyện Lộc Ninh và Bù Đốp đề nghị sở LĐ-TB&XH giải trình cụ thể về vai trò quản lý nhà nước về công tác chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em.
Quản lý nhà nước về lĩnh vực bảo vệ chăm sóc trẻ em (BVCSTE) bao gồm: Nghiên cứu xây dựng, ban hành cơ chế chính sách, chương trình… về lĩnh vực BVCSTE; hướng dẫn thi hành chính sách, chương trình…về lĩnh vực BVCSTE; tổ chức thực hiện chính sách về lĩnh vực BVCSTE; thống kê theo dõi sự biến động của đối tượng quản lý; huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực để phục vụ cho việc thực hiện chính sách liên quan đến đối tượng quản lý; tổng kết thực tiễn và nghiên cứu sửa đổi chính sách; quản lý và hỗ trợ hoạt động cho tổ chức do đối tượng lập ra mang tính chất tự nguyện và các tổ chức lập ra vì quyền và lợi ích của đối tượng quản lý; xử lý vi phạm trong việc thi hành pháp luật đối với đối tượng quản lý; hợp tác quốc tế…
Vai trò quản lý nhà nước về công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em hướng đến là đảm bảo thực hiện đúng, đầy đủ các quyền của trẻ em, do đó nhà nước giao cho các cơ quan nhà nước thực hiện các quyền của nhà nước được quy định trong chức năng, nhiệm vụ của từng ngành.
* Tổ đại biểu khu vực huyện Đồng Phú và Bù Đăng cho rằng tỷ lệ giảm nghèo 1,5%/năm là thấp, dưới mức bình quân cả nước (bình quân cả nước đề ra là giảm 2%/năm), đề nghị xem lại chỉ tiêu trên và phấn đấu bằng mức trung bình của cả nước.
Trong giai đoạn 2011-2015, chỉ tiêu giảm nghèo đặt ra là hàng năm giảm 1,3%. Năm 2012, thực hiện Quyết định 1185/QĐ-UBND ngày 6-6-2012 của UBND tỉnh giao kế hoạch mục tiêu, nhiệm vụ và vốn các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2012, tỷ lệ giảm nghèo của tỉnh năm 2012 là 1,5%. So với chỉ tiêu chung của cả nước tỷ lệ giảm nghèo của Bình Phước thấp hơn, xét trên điều kiện kinh tế - xã hội và đặc thù của địa phương mức phấn đấu giảm nghèo trong giai đoạn 2011-2015 của Bình Phước trong khoảng 1,3 - 1,5% là phù hợp, vì: Kết quả giảm nghèo của tỉnh trong giai đoạn 2006-2010 là trung bình 1,3%/năm. Nếu duy trì tỷ lệ giảm nghèo này trong giai đoạn 2011-2015 thì theo chuẩn nghèo mới đến cuối giai đoạn (năm 2015) tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh là 2,79%.
Tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao trong tổng số hộ nghèo (năm 2011: 44,04%), việc giảm nghèo trong nhóm đối tượng này gặp nhiều khó khăn hơn trong các nhóm đối tượng khác.
Theo kết quả tổng điều tra hộ nghèo năm 2010 thì tỷ lệ hộ nghèo chung của cả nước là 14,2%, trong đó nhiều khu vực có tỷ lệ hộ nghèo cao như: miền núi Đông Bắc: 24,52%; miền núi Tây Bắc: 39,16%; Tây Nguyên: 22,48%... các tỉnh ở vùng này được Chính phủ đầu tư nhiều chính sách đặc thù để giảm nghèo nhanh nên tính bình quân chung cả nước giảm 2%/năm. Nếu áp dụng tỷ lệ giảm bình quân này rập khuôn mà không tính đến đặc thù tình hình kinh tế - xã hội của từng địa phương thì sẽ không khả thi (hiện nay Bình Phước là tỉnh còn nhận trợ cấp cân đối ngân sách từ Trung ương; còn nhiều xã khó khăn, đặc biệt khó khăn; không có xã nghèo, huyện nghèo theo Quyết định 30a của Chính Phủ).
* Tổ đại biểu khu vực huyện Đồng Phú và Bù Đăng kiến nghị: Tỷ lệ 35% lao động được đào tạo là quá thấp so với cả nước (gần 50%), đề nghị sở quan tâm hơn nữa, nhất là cần tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực.
Hàng năm sở đều tham mưu cho UBND tỉnh giao chỉ tiêu đào tạo nghề cho các huyện, thị để tổ chức dạy nghề cho người lao động có nhu cầu học nghề, đặc biệt trong quá trình triển khai kế hoạch hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn, mỗi năm có hơn 5.000 lao động được đào tạo nghề từ chương trình này. Cụ thể năm 2012, toàn tỉnh đã tổ chức 143 lớp dạy nghề với 4.936 học viên; trong đó huyện Đồng Phú tổ chức 34 lớp với 1.153 học viên chiếm 23,35%, huyện Bù Đăng 29 lớp với 1.036 học viên chiếm 20,98%. Thời gian tới, sở sẽ chỉ đạo các cơ sở dạy nghề phối hợp cùng các địa phương tăng cường tuyển sinh đào tạo nghề cho người lao động, trong đó ưu tiên cho lao động thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người tàn tật, người bị thu hồi đất canh tác, hộ có thu nhập tối đa bằng 150% thu nhập của hộ nghèo, lao động thuộc các xã nông thôn mới.
Phó giám đốc Lê Trường Sơn
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065