Mỗi khi nghe em tặc lưỡi “anh đúng là số khổ”, anh chỉ thấy buồn cười.
Đó là lúc anh tỉ mẩn thay nước, rửa hồ cá, chăm chút từng viên sỏi, cọng rêu theo ý con. Em bảo: “Chi mà tốn thời gian cho mấy việc linh tinh, khổ vậy?”. Anh nhìn con hào hứng chơi đá cá trong cái hồ sạch bong, tự hỏi, với em thì niềm vui lúc rảnh rang phải như thế nào mới đúng điệu?
Đó là khi anh nhăm nhe gắp mấy con cá khô kho hành ớt mà bỏ bê món chân giò hầm bổ béo trên bàn ăn. Em càm ràm, có thiếu thốn gì đâu mà anh cứ thích ăn mấy món kham khổ, ít chất như vậy. Người gì mà chẳng biết hưởng thụ, đến bữa cơm cũng ăn khổ. Anh không tin là em chẳng hiểu, món ngon của người này đôi khi là nỗi ngán ngẩm của kẻ kia, đâu phải anh cứ nhất nhất làm theo “chỉ đạo” của em thì mới là hưởng thụ, sung sướng? Hơn nữa, ăn mà cũng không được theo ý mình, thì xem ra cũng khổ thật!
Những hôm cuối tuần, anh thích dậy sớm, pha một bình trà, ngồi thơ thẩn dưới giàn hoa để tận hưởng chút hương hoa còn sót lại. Em bảo, cả tuần cực khổ rồi, không biết nằm “nướng” thêm chút nữa, sao phải tự đày đọa bản thân thế này?
Em càng “buôn than” dữ dội khi anh tình nguyện đưa mấy đứa cháu ở quê đi tìm chỗ học, chỗ trọ, hay giới thiệu chúng một chỗ làm. “Số anh sao mà vất vả quá, cứ phải ôm đồm việc thiên hạ. Làm ơn mắc oán, lo chuyện bao đồng, chưa chắc có ai cảm ơn anh đâu…”.
Một lần, mẹ ốm, anh đi làm về và muốn vào bệnh viện chăm mẹ ban đêm. Em cật lực phản đối, với lý do, cứ để anh chị của anh làm, anh việc gì phải gắng vơ hết vào thân như thế, cả ngày mệt nhoài ở cơ quan chưa đủ hay sao? Em cố tình không biết, nếu ở nhà, anh sẽ trằn trọc cả đêm vì lo cho mẹ, nhọc lòng và mệt mỏi hơn rất nhiều so với được cận kề chăm sóc mẹ. Kiểu lo cho chồng của em làm anh mơ hồ thấy em dường như chẳng có lòng. Cái gì cũng đùn đẩy, sợ mình thiệt thòi, ngay cả với người thân.
Kỳ nghỉ vừa rồi, em muốn tận hưởng cuộc sống bằng cách đặt vé du lịch xa cho cả nhà. Anh nhẹ nhàng góp ý, mình nên đi chơi gần thôi, anh muốn dành chút tiền để cuối năm về quê giỗ bố… Chỉ có vậy mà em chì chiết anh đang lây nhiễm “cái số khổ” của mình sang vợ con. Người sống còn không được nghỉ ngơi thư giãn, mà anh chỉ chăm chăm lo những chuyện không đâu… Hôm đó, anh giận em vô cùng.
Vì vậy đã có những khi, anh lẳng lặng bỏ đi chỗ khác khi thấy em thốt lên câu quen thuộc “số anh khổ quá”. Trong lòng anh thầm nhen ý nghĩ: Ừ, có khi số mình khổ thật.
Khổ, bởi người phụ nữ thân thiết bên cạnh đã chẳng hiểu và thông cảm, chỉ muốn chồng khư khư hành xử theo ý mình, mọi nơi, mọi chuyện.
(Theo PNO)
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065