Hằng năm, hội nghị tổng kết năm học theo các khối, cấp học được tổ chức và thường tổ chức ngoài tỉnh, nhất là các tỉnh du lịch và được chia thành nhiều hội nghị như: hội nghị khối tiểu học, hội nghị khối THCS, hội nghị khối THPT. Đề nghị cho biết quy định nào để thực hiện? Ngân sách tỉnh có chi trả cho hoạt động này không?
Trả lời: Trong những năm vừa qua, Sở GD-ĐT có tổ chức các hội nghị tổng kết nhiệm vụ năm học riêng cho từng bậc học, cụ thể: Hội nghị tổng kết năm học của bậc học mầm non, hội nghị tổng kết năm học của bậc tiểu học, hội nghị tổng kết năm học và triển khai nhiệm vụ cho bậc trung học kết hợp với tổng kết công tác thanh tra, khảo thí và kiểm định chất lượng trong năm học. Đây là những hoạt động thường kỳ của ngành nhằm đánh giá kết quả, hạn chế, khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của từng cấp học, bậc học và triển khai phương hướng, nhiệm vụ chuyên môn cho năm học sau.
Để đáp ứng yêu cầu của công tác đổi mới giáo dục, trong khoảng 3 năm học gần đây, Sở GD-ĐT đã tổ chức các hội nghị tổng kết năm học tại các tỉnh, thành phố lớn và có nhiều thành tựu trong công tác phát triển giáo dục như: Lâm Đồng, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu... để học tập kinh nghiệm phát triển, đổi mới giáo dục của các địa phương và chọn lọc những giải pháp phù hợp để vận dụng vào công tác phát triển giáo dục của tỉnh. Việc chọn thành phần tham gia các đoàn tham dự hội nghị tổng kết và học tập kinh nghiệm đều là cán bộ có liên quan trực tiếp đến công tác quản lý, triển khai nhiệm vụ năm học (như hiệu trưởng các trường, cán bộ phụ trách chuyên môn của sở và phòng GD-ĐT huyện, thị xã), thời gian tổ chức hội nghị được bố trí hợp lý. Trước khi tổ chức hội nghị, Sở GD-ĐT có xây dựng kế hoạch và thực hiện theo văn bản chấp thuận chủ trương của UBND tỉnh.
Về kinh phí tổ chức, Sở GD-ĐT thực hiện đúng theo các chế độ tài chính hiện hành, ngân sách tỉnh chỉ thanh toán các chế độ đi lại, phòng nghỉ và công tác phí cho cán bộ, công chức Sở GD-ĐT, còn lại kinh phí của các thành viên tham gia do đơn vị tự đảm bảo trong nguồn kinh phí hoạt động. Để góp phần tiết kiệm kinh phí cho ngân sách, Sở GD-ĐT sẽ rút kinh nghiệm và không tổ chức các hội nghị tổng kết ở ngoài tỉnh như các năm học trước.
Dư luận xã hội phản ánh tình trạng đến hè, qua năm học mới các trường trên địa bàn tỉnh thay đổi đồng phục; mỗi trường một đồng phục khác nhau. Đề nghị cho biết việc thay đổi đồng phục như vậy có cần thiết không? Và có gây khó khăn cho phụ huynh không? Tình trạng nêu trên sở có quy định không và kiểm soát như thế nào?
Trả lời: Tại Thông tư số 26/2009/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT quy định về việc mặc đồng phục và lễ phục của học sinh, sinh viên như sau: “Đồng phục là trang phục được sử dụng cho toàn bộ học sinh, sinh viên của một trường mặc khi đến trường nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm, danh dự, lòng tự hào với truyền thống của nhà trường, thể hiện sự bình đẳng giữa các học sinh, sinh viên góp phần xây dựng môi trường học tập, nếp sống văn hóa”... “Hiệu trưởng của các trường quyết định việc mặc đồng phục và quy định kiểu dáng, màu sắc, số ngày mặc đồng phục trong tuần”. Trong những năm vừa qua, tại các trường học trên địa bàn tỉnh đều quy định học sinh mặc đồng phục khi đến trường nhằm xây dựng nếp sống văn minh cho học sinh, đảm bảo sự trang trọng, lịch sự tại các cơ sở giáo dục và thuận tiện hơn trong công tác quản lý học sinh. Việc mua sắm, trang bị đồng phục cho học sinh được thực hiện trên cơ sở sự tự nguyện thỏa thuận và đồng ý giữa cha mẹ học sinh với nhà trường; đối với những học sinh không mua đồng phục theo mẫu của trường thì có thể tự mua đồng phục của các cơ sở may mặc bên ngoài nhưng phải đảm bảo thống nhất màu sắc quần, áo như quy định về đồng phục của trường khi đi học. Riêng các trường hợp cần có sự thay đổi kiểu dáng, màu sắc đồng phục phải được sự đồng ý của hội đồng trường và ban đại diện cha mẹ học sinh. Bên cạnh đó, trước mỗi năm học, Sở GD-ĐT đều chỉ đạo, quán triệt các trường trực thuộc và các phòng GD-ĐT không thay đổi đồng phục học sinh tại các trường.
Đối với ý kiến chất vấn nêu trên, Sở GD-ĐT sẽ tiếp tục theo dõi tình hình các trường có sự thay đổi đồng phục khi chưa được sự đồng ý của hội đồng trường và ban đại diện cha mẹ học sinh để có biện pháp xử lý theo quy định. Đồng thời, nếu có thông tin do cử tri phản ánh, đề nghị các vị đại biểu HĐND cung cấp rõ để Sở GD-ĐT kịp thời chỉ đạo các đơn vị chấn chỉnh.
Trong năm học 2018-2019 thực hiện chương trình học của Bộ GD-ĐT, của tỉnh và phòng GD-ĐT huyện, thậm chí của trường. Vì vậy, bộ sách giáo khoa và chương trình học của học sinh rất nhiều, gây khó khăn cho học sinh. Đề nghị sở báo cáo về vấn đề này.
Trả lời: Hiện các trường học trên địa bàn tỉnh đều áp dụng thống nhất chương trình, sách giáo khoa phổ thông hiện hành theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, tuyệt đối không có trường học hoặc phòng GD-ĐT nào tự ý thay đổi chương trình, sử dụng bộ sách giáo khoa của riêng đơn vị, địa phương mình. Riêng một số môn học như Mỹ thuật, tiếng Anh hoặc các lớp học theo mô hình trường học mới (VNEN), Sở GD-ĐT đang chỉ đạo áp dụng thí điểm các chương trình và phương pháp dạy mới theo hướng dẫn chuyên môn của Bộ GD-ĐT (sách Mỹ thuật theo phương pháp của Đan Mạch, sách tiếng Anh chương trình thí điểm của Bộ GD-ĐT theo Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020, bộ sách theo chương trình VNEN...), nếu học sinh học bằng sách giáo khoa thí điểm thì sẽ không phải mang theo sách giáo khoa thông thường và không tăng thêm số lượng sách, vở của học sinh.
Trong các năm học vừa qua, Sở GD-ĐT thường xuyên kiểm tra chuyên môn tại các đơn vị trực thuộc để kiểm tra việc thực hiện chương trình, sách giáo khoa của các đơn vị, đến nay vẫn chưa phát hiện đơn vị nào tự ý thay đổi chương trình hoặc yêu cầu học sinh phải mua sách giáo khoa khác với hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT.
Chính sách hỗ trợ đối với học sinh dân tộc thiểu số hiện nay vẫn còn nhiều vướng mắc như chính sách hỗ trợ gạo đối với học sinh, nhất là học sinh bán trú, nhà phải cách xa trường từ đủ 9-15km mới được hỗ trợ, như vậy là chưa hợp lý. Đề nghị sở báo cáo rõ.
Trả lời: Trong các năm học vừa qua, công tác hỗ trợ gạo cho học sinh được Sở GD-ĐT thực hiện theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn. Tại Điều 4, nghị định này đã quy định điều kiện học sinh được hưởng chính sách hỗ trợ như sau: Đối với học sinh tiểu học và THCS phải bảo đảm một trong các điều kiện sau: Là học sinh bán trú đang học tại trường phổ thông dân tộc bán trú; ...Nhà ở xa trường khoảng cách từ 4km trở lên đối với học sinh tiểu học và từ 7km trở lên đối với học sinh THCS hoặc địa hình cách trở, giao thông đi lại khó khăn: Phải qua sông, suối không có cầu; qua đèo, núi cao; qua vùng sạt lở đất, đá; ...Đối với học sinh THPT là người dân tộc thiểu số, phải bảo đảm các điều kiện sau: ...Nhà ở xa trường khoảng cách từ 10km trở lên hoặc qua địa hình cách trở, giao thông đi lại khó khăn: Phải qua sông, suối không có cầu; qua đèo, núi cao; qua vùng sạt lở đất, đá.
Tại Điều 2 Nghị quyết số 45/2017/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Bình Phước về việc quy định chi tiết một số điều tại Nghị định số 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Bình Phước, khoảng cách và địa bàn để xác định học sinh được phép ở lại trường do không thể đi đến trường và trở về nhà trong ngày đối với các trường ở xã, thôn đặc biệt khó khăn được quy định như sau: Học sinh đi học đi qua địa hình và giao thông đi lại thuận lợi: nhà ở xa trường khoảng cách từ 4km trở lên đối với học sinh tiểu học, từ 7km trở lên đối với học sinh THCS và từ 10km trở lên đối với học sinh THPT. Học sinh đi học đi qua địa hình cách trở, giao thông đi lại khó khăn: Phải qua sông, suối không có cầu; qua vùng sạt lở đất, đá; nhà ở xa trường khoảng cách từ 2,5km trở lên đối với học sinh tiểu học, từ 5km trở lên đối với học sinh THCS và từ 7km trở lên đối với học sinh THPT.
Từ khi Nghị định số 116/2016/NĐ-CP và Nghị quyết số 45/2017/NQ-HĐND có hiệu lực, để có cơ sở tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định phân bổ gạo từ nguồn gạo dự trữ quốc gia, hằng năm, Sở GD-ĐT đều có công văn yêu cầu các trường THPT, THCS&THPT, các phòng GD-ĐT tổng hợp báo cáo số lượng học sinh được hỗ trợ gạo theo đúng Nghị định số 116 và Nghị quyết số 45 mà không ban hành thêm văn bản nào chỉ đạo hoặc hướng dẫn các đơn vị có nội dung “nhà phải cách xa trường từ đủ 9-15km mới được hỗ trợ”. Từ năm học 2016-2017 đến nay, Sở GD-ĐT chưa nhận được đơn thư nào của phụ huynh, học sinh phản ánh, khiếu nại nội dung nêu trên.
Phó giám đốc Lý Thanh Tâm
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065