Trong mơ cu Ben lại bật cười lên thành tiếng, cái má phính ra dễ thương quá chừng. Bên cạnh anh là cu Bin đang dang tay, dang chân say ngủ. Đôi chân đá banh cả ngày đen nhẻm, ốm tong, dài ngoằng tự nhiên đạp thật mạnh vào không khí, miệng nói lảm nhảm, chắc cu cậu đang mơ thấy mình chơi trò đánh nhau (?).
Anh ngắm nhìn mãi ba thành viên trong gia đình đang say giấc. Thời gian giờ đang đếm từng ngày, chỉ còn không đầy một tháng nữa thôi là anh sẽ tạm xa những gương mặt dấu yêu vô cùng này trong năm năm để đi học ở nước ngoài. Năm năm không phải là dài lắm so với một đời người và lại càng không dài so với những năm tháng em đã hy sinh cho anh học tập. Anh chợt nhớ lại câu nói của một người bạn thân chiều hôm qua : “Ông Quang này có số vợ nuôi đi học”. Anh không bao giờ phủ nhận điều ấy khi mà từ năm hai mươi tuổi em đã phải nuôi con một mình và nuôi cả anh đi học.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Mười tám tuổi, vừa có kết quả đậu đại học anh nhận giấy báo thi hành nghĩa vụ quân sự. Xếp bút nghiên, anh mang balô vào quân ngũ, đóng quân ở gần nhà em. Ba năm sau khi anh rời quân ngũ thì cũng là lúc chúng mình …. cưới nhau, lúc đó em vừa tròn …. mười chín.
Chúng mình tay trắng ra riêng, em bắt đầu tập tành buôn bán nuôi anh một năm trời ròng rã đi đi, về về trường cũ để xin kết quả bảo lưu. Tháng chín anh vào trường cũng là lúc cu Bin đang ở trong bụng mới được có ba tháng. Những năm đó tuy vẫn còn các khoản học bỗng nhỏ nhoi của trường bù vào việc ăn uống, nhưng sợ anh sống thiếu thốn, buôn bán được đồng nào em lại ky cóp gởi ra cho anh, còn hai mẹ con sống nhờ vào ông bà ngoại. Mùa hè năm thứ nhất anh về nhà thăm con thì cu Bin vừa biết lẫy. Khi con tròn năm, em gởi con cho ông bà ngoại để đi học làm tóc. Một năm sau ra nghề, em mở tiệm tự lập nuôi con và … nuôi anh đi học chấm dứt những khoản tiền viện trợ từ hai bên ông bà nội, ngoại.
Cuộc sống bắt đầu vất vả hơn đối với em khi phải vừa nuôi con mọn, vừa làm việc. Nhờ trời tiệm làm tóc của em cũng không đến nỗi, chi phí cũng đủ cho em và con và cả anh nữa. Rồi những mùa hè, mùa tết cũng qua mau . Năm năm trong trường đại học của anh cũng kết thúc, nhưng cầm tấm bằng tốt nghiệp trở về nhà, mất đến một năm trời (sống nhờ vợ) anh mới xin được việc làm ở thành phố.
Không nỡ để anh thiếu thốn một mình ở thành phố, hai mẹ con lại khăn gói theo anh. Em mướn nhà, mở tiệm và lại tiếp tục… nuôi anh. Đồng lương công chức hạn hẹp, chỉ đủ cho anh ăn sáng, uống cà phê và mua sách. Mình em gồng gánh gia đình dành dụm mua sắm dần từ chiếc xe máy cho anh đi làm đến những tiện nghi trong gia đình. Anh cũng chỉ phụ được cho em đóng cái bàn hay sửa sang lại tiệm làm tóc như: đặt chiếc ghế gội đầu, mắc dây điện, sửa cái máy sấy bị hư…
Mãi lo làm việc, chúng mình không nghĩ đến việc sinh con. Đến khi cuộc sống dễ thở hơn, cu Bin được 14 tuổi, thì cu Ben ra đời, lúc này anh mới biết được cảm giác của một ông bố khi phải chờ vợ sanh con, nuôi con mọn: bón con từng thìa nước, thay từng cái tã, dỗ con nín khóc, bế ru con ngủ hay phải thức suốt đêm khi con nóng sốt… Những công việc mà hồi sinh cu Bin chỉ mình em cáng đáng.
Rồi “cái số được vợ nuôi đi học” của anh lại tiếp tục khi anh nhận được một suất học bỗng đi học nước ngoài. Anh dự định chỉ học cao học 3 năm, nhưng em không chịu: “Một lần đi, một lần khó, anh cố gắng học 5 năm để lấy luôn bằng tiến sĩ”. Cả tháng nay, em loay hoay sắm sửa cho anh hết thứ này đến thứ khác, từ chiếc va li đến cái áo lạnh. Lúc nào em cũng lo lắng: “Không biết anh qua bển có đủ dùng không?”. Anh lại càng bị động hơn khi mình chẳng biết gì về nơi chốn sắp đến, em lại tìm đến hỏi thăm những người đã đi trước rồi lại về nhà… tiếp tục mua bán, sắm sửa cho anh.
Những ngày sắp đi này, anh kê hai chiếc giường lớn cạnh nhau để cả nhà mình ngủ chung cho vui. Năm năm không thể nào biết trước được những gì sẽ xảy đến, anh biết anh lo lắng một thì em lo lắng mười. Gánh nặng ở nhà dành cho em đâu phải ít: cu Bin vào lớp 10, ở cái tuổi ương ương dở dở này không có bố bên cạnh chỉ dẫn, dìu dắt; cu Ben thì mới vừa thôi nôi, chỉ biết ăn, ngủ và quấy; những khi con nóng sốt, những lần họp phụ huynh… rồi còn phải cáng đáng tiệm làm tóc nữa… Thế nhưng, em lại động viên anh: “Ở nhà có thợ phụ với em, nín thở rồi cũng qua sông thôi, năm năm mau lắm, hai mươi tuổi em đã lo cho anh đi học rồi, giờ đây ba mươi lăm tuổi lẽ nào không lo được?” Em cười...
Nguồn PNO
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065