Đây là một trong những thắc mắc của bạn đọc ở tỉnh Hậu Giang gửi về báo Tuổi Trẻ... Trao đổi về vấn đề này, ThS.BS Hà Tố Nguyên - trưởng khoa chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện phụ sản Từ Dũ, TP.HCM - cho biết:
- Siêu âm trắng đen thường quy, siêu âm Doppler màu và siêu âm ba chiều, bốn chiều (3D-4D) thường được sử dụng trong siêu âm cho phụ nữ mang thai. Các loại siêu âm này cơ bản giống nhau vì bản chất đều là sử dụng sóng âm thanh cao tần số để chẩn đoán. Ngoài ra, dù là siêu âm màu hay 3D-4D thì nền tảng chính vẫn là siêu âm trắng đen.
Siêu âm cho một thai phụ tại Bệnh viện phụ sản Từ Dũ
* Thưa bác sĩ, siêu âm Doppler màu, siêu âm 3D-4D khác với siêu âm đen trắng ra sao? Khi nào mới làm thêm siêu âm Doppler màu và siêu âm 3D-4D?
- Siêu âm trắng đen giúp nhìn thấy mức độ phản hồi của các cấu trúc thai mạnh yếu khác nhau nên cường độ sáng trên màn hình siêu âm của các cấu trúc sẽ khác nhau. Nhờ vậy, bác sĩ siêu âm phân biệt được đâu là gan, đâu là thận, đâu là ruột...
Còn siêu âm Doppler màu là kỹ thuật dùng để phát hiện các dòng chảy, hướng của dòng chảy và vận tốc của dòng chảy. Do vậy trong sản khoa, siêu âm Doppler màu được dùng để khảo sát tim thai và các mạch máu. Nhờ siêu âm Doppler màu, bác sĩ phát hiện được những dòng hở van 2 lá, 3 lá của tim thai; đo vận tốc dòng máu qua van động mạch chủ, động mạch phổi để phát hiện các trường hợp hẹp tim thai. Trong các trường hợp nghi ngờ thai nhỏ, suy dinh dưỡng, siêu âm Doppler màu giúp đo được các chỉ số trở kháng của động mạch rốn, động mạch não giữa... của thai nhi, qua đó đánh giá được tình trạng sức khỏe thai nhi để có chỉ định tiếp tục theo dõi hay cần chấm dứt thai kỳ, lấy thai ra vì thai đã có dấu hiệu suy.
Với siêu âm 3D-4D, các sóng siêu âm sẽ được truyền xuống ở nhiều góc độ khác nhau và các sóng dội về sẽ được máy tính xử lý để tái tạo thành hình ảnh trên không gian ba chiều (bốn chiều là thêm chiều thời gian thực). Do vậy siêu âm 3D-4D thường được chỉ định để khảo sát thêm các cấu trúc như mặt thai nhi, các cấu trúc động như tim thai nhi. Độ chính xác của siêu âm 3D-4D thường luôn cao hơn máy trắng đen hay máy siêu âm màu.
* Có người lo lắng siêu âm màu gây hại cho sức khỏe thai nhi nên không đi siêu âm theo lịch hẹn. Điều này có đúng không, thưa bác sĩ?
- Bản chất của siêu âm là sóng âm thanh có tần số rất cao (vượt quá ngưỡng nghe được) nên hoàn toàn vô hại. Tuy nhiên, khi thai nhi mới được một hai tháng thì khuyến cáo không nên làm vì siêu âm Doppler màu có tác dụng nhiệt, có thể ảnh hưởng đến thai nhi.
* Vậy siêu âm có phát hiện được hết các dị tật thai nhi?
- Siêu âm chỉ chẩn đoán bằng hình ảnh, để khảo sát cấu trúc hình thái học của thai nhi nên không thể phát hiện được tất cả bất thường thai, nhất là những bất thường nhiễm sắc thể hoặc đột biến gen. Ví dụ như siêu âm hình thái học lúc thai 22 tuần tuổi chỉ phát hiện được 50% hội chứng Down do có biểu hiện bất thường trên siêu âm chứ không phải thai có dị tật mà bác sĩ siêu âm không thấy.
Ngoài ra một số bất thường của thai nhi ở hệ thần kinh trung ương, hệ tim, siêu âm cũng không thể phát hiện được như bệnh lý xuất huyết não, nhẵn não, bất thường chất trắng, chất xám não... mà phải chụp thêm cộng hưởng từ (MRI) mới thấy được. Hoặc với dị tật tim thai, siêu âm cũng chỉ phát hiện được 40-80% trường hợp tùy thuộc chất lượng máy siêu âm, bác sĩ làm siêu âm và những cấu trúc cần phải thay đổi sau sinh để có một trái tim bình thường (lỗ bầu dục không đóng sẽ thành bệnh lý thông liên nhĩ, ống động mạch không đóng sẽ thành bệnh lý còn ống động mạch).
* Thưa bác sĩ, vì sao có trường hợp không phát hiện được thai nhi bị hội chứng Down dù mẹ của bé đi khám thai đúng lịch hẹn, siêu âm và làm xét nghiệm đúng chỉ định?
- Xét nghiệm sàng lọc hội chứng Down hiện nay là phối hợp siêu âm đo độ mờ da gáy và xét nghiệm máu double test lúc thai 11-13 tuần 6 ngày, có tỉ lệ phát hiện 90% trường hợp. Muốn phát hiện hết các trường hợp hội chứng Down, cần chọc ối hoặc sinh thiết gai nhau tất cả các thai phụ. Tuy nhiên các xét nghiệm xâm lấn này có thể gây biến chứng sẩy thai (tỉ lệ 1%). Nhưng xét nghiệm sàng lọc cũng không đạt kết quả tuyệt đối mà tỉ lệ phát hiện chỉ đạt 90%.
* Xét nghiệm sàng lọc trước sinh có cần thiết phải làm không? Xét nghiệm sàng lọc đem lại lợi ích gì cho thai phụ?
- Kết quả xét nghiệm sàng lọc không thể trả lời là thai bình thường hay bất thường mà chỉ trả lời thai phụ thuộc nhóm nguy cơ cao hay nguy cơ thấp sinh con có bệnh lý nào đó. Hạn chế của xét nghiệm sàng lọc là có tỉ lệ dương tính giả và âm tính giả. Dương tính giả là thai không bệnh nhưng kết quả xét nghiệm sàng lọc lại là có nguy cơ cao, dẫn đến thai phụ phải làm tiếp xét nghiệm can thiệp để chẩn đoán. Khi làm tiếp xét nghiệm can thiệp thì thai phụ sẽ có nguy cơ rủi ro tai biến của thủ thuật can thiệp là sẩy thai. Âm tính giả là thai bất thường nhưng kết quả xét nghiệm là nguy cơ thấp dẫn đến bị bỏ sót, không phát hiện thai bệnh lý. Do vậy các xét nghiệm sàng lọc tốt là xét nghiệm có tỉ lệ phát hiện cao nhất nhưng tỉ lệ dương tính giả và âm tính giả ở mức thấp nhất có thể chấp nhận được.
(Theo TTO)
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065