Nhằm ngăn chặn sự suy giảm các loài hoang dã bị đe dọa, Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Nghị định số 160/2013/NĐ-CP về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.
Theo Nghị định này, việc nuôi, trồng loài thuộc Danh mục loài được ưu tiên bảo vệ phục vụ mục đích bảo tồn đa dạng sinh học, nghiên cứu khoa học và tạo giống ban đầu phải thực hiện tại cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học theo quy định.
Ngoài ra, loài ưu tiên bảo vệ được nuôi, trồng phải có nguồn gốc hợp pháp và thuộc Danh mục loài đã đăng ký nuôi, trồng khi thành lập cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, hoặc được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.
Trong trường hợp hộ gia đình, cá nhân hiện đang nuôi-trồng giống cây trồng, giống vật nuôi thuộc Danh mục loài được ưu tiên bảo vệ nhưng chưa đủ điều kiện thành lập cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học phải khai báo với chính quyền địa phương sở tại và thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Trường hợp cá thể động vật hoang dã bị chết trong quá trình nuôi, chủ cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học phải báo cáo với cơ quan chuyên môn của Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh xem xét và xử lý theo một trong các phương án sau: Chuyển giao cho cơ quan khoa học, cơ sở đào tạo, bảo tàng chuyên ngành để nghiên cứu; hoặc tiêu hủy cá thể động vật hoang dã chết do bị bệnh dịch, hoặc không thể xử lý theo phương án quy định.
Nghị định này cũng quy định cụ thể việc cứu hộ, đưa loài thuộc Danh mục loài được ưu tiên bảo vệ vào cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học và thả lại nơi sinh sống tự nhiên của chúng.
Theo đó, các loài động vật hoang dã thuộc Danh mục loài được ưu tiên bảo vệ bị mất nơi sinh sống tự nhiên, bị lạc, sau khi xử lý tịch thu còn khỏe mạnh thì cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định thả lại nơi sinh sống tự nhiên phù hợp.
Trong trường hợp cá thể động vật không đảm bảo điều kiện để thả lại nơi sinh sống tự nhiên do bị thương, hoặc bị bệnh thì cơ quan chuyên môn đưa vào cơ sở cứu hộ để cứu chữa, nuôi dưỡng, chăm sóc.
Sau khi cá thể loài được cứu hộ đã phục hồi, cơ sở cứu hộ phải báo cáo cơ quan chuyên môn của Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh. Sau 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề xuất, cơ quan chuyên môn của Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định việc thả lại nơi sinh sống tự nhiên của loài hoặc chuyển tới cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học phù hợp.
Trường hợp cá thể loài cứu hộ bị chết trong quá trình cứu hộ, cơ sở cứu hộ phải báo cáo với cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét và thực hiện phương án xử lý theo quy định.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2014.
(Theo TTXVN)
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065