“Mấy hôm nay lượng phụ huynh và thí sinh đi về TP. Hồ Chí Minh và các nơi nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển (ĐKXT) nguyện vọng 1 ngày càng đông” - anh Nguyễn Văn Nhuận, tài xế của Công ty TNHH vận tải Thành Công cho biết. Mỗi người là một câu chuyện không ai giống ai. Nhưng trong hành trình “chạm đến cánh cửa đại học” sau kỳ thi THPT quốc gia, các sĩ tử đã phải trải qua một cuộc đua không ngừng nghỉ.
THÍ SINH... “CHƠI CHỨNG KHOÁN”
11 giờ ngày 17-8, Hoàng Thị Minh Hiếu ở tổ 1, khu phố Thanh Bình, phường Tân Bình (Đồng Xoài) cho biết: “Em đạt 22,5, cộng điểm vùng được 24 điểm. Em chọn ngành điện - điện tử của Trường đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh. Theo thứ tự từ cao xuống thấp thì các bạn đạt từ 24,5 điểm trở lên sẽ lạc quan hơn. Em được 24 điểm nên hôm nay cùng ba về trường rút hồ sơ để thay đổi nguyện vọng ĐKXT vào Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật, như vậy sẽ có cơ hội nhiều hơn. Em cũng như các bạn học cùng rất lo và hồi hộp vì phải luôn canh chừng thứ hạng của mình từng ngày, thậm chí từng giờ vì nó liên tục thay đổi”.
Ông Dương Văn Ca hướng dẫn đăng ký xét tuyển cho phụ huynh và học sinh tại Sở GD-ĐT
Không có điều kiện trực tiếp đến trường để nộp hồ sơ như Hiếu mà ngồi ở nhà chờ đợi và lo lắng là trường hợp của Phạm Thị Bích Ngọc ở đường Cách mạng tháng Tám, khu phố Phú Mỹ, phường Tân Phú (Đồng Xoài). “Em thi 23,25 điểm, cộng thêm điểm vùng được 24,75 và xét tuyển vào ngành Y đa khoa của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh. Năm nay, trường tuyển 100 thí sinh. Đến ngày 11-8, sàng lọc trùng các nguyện vọng ảo rồi theo danh sách em đứng vị trí 102. Ngày 12-8, em ĐKXT nguyện vọng 1 vào khoa Y đa khoa, Trường đại học Y Tây Nguyên. Do ở xa không đến trường nộp trực tiếp được nên em gửi chuyển phát nhanh, nhưng đến nay vẫn chưa thấy tên mình trên danh sách ĐKXT của trường. Ngày nào em cũng cập nhật thông tin trên internet vì không biết trường có nhận được hồ sơ không? Hồ sơ có thiếu sót gì không? Kỳ thi năm nay thí sinh được linh động vì có nhiều sự lựa chọn, nhưng lại giống như sàn chơi chứng khoán vậy” - Ngọc lo lắng.
Tôi gặp Võ Ngọc Thành ở thôn Phú Nghĩa, xã Phú Trung, Phú Riềng khi em cùng mẹ đến Sở GD-ĐT nộp hồ sơ xét tuyển. Thành cho biết, em thi khối C, đạt 21 điểm (cộng điểm vùng là 22,5 điểm) xét tuyển vào ngành sĩ quan chính trị của Đại học Chính trị. Năm 2014, ngành em đăng ký của trường đạt 18 điểm là trúng tuyển. Ngày 9-8, em đứng vị trí 189 thì đến ngày 12-8 vị trí của em tụt xuống 304, trong khi chỉ tiêu lấy 520 và điểm chuẩn 23. Vì vậy, em làm thủ tục đăng ký thay đổi nguyện vọng qua ngành Giáo dục an ninh quốc phòng dân sự.
“Năm nay thay đổi hình thức thi đỡ tốn kém, thi dễ nhưng nhiều bất cập trong cách xét tuyển và bất lợi cho thí sinh, nhất là các em ở xa. Con tôi thi vào trường quân đội, phải nộp hồ sơ trực tiếp tại trường chứ không qua phần mềm chung của Bộ GD-ĐT nên phải gửi hồ sơ qua bưu điện, khi thời gian đã cận kề mà trường thì xa, lỡ có sai sót gì thì sẽ không xử lý kịp” - chị Lê Thị Thanh, phụ huynh của em Thành chia sẻ.
ƯU ĐIỂM NHIỀU, NHƯNG KHÔNG ÍT BẤT CẬP
Ngày 11-8-2015, Bộ GD-ĐT ban hành Công văn số 4079/BGDĐT-KTKĐCLGD về việc hỗ trợ thí sinh thay đổi nguyện vọng ĐKXT vào các trường đại học, cao đẳng. Theo đó, thí sinh có thể trực tiếp đến sở hoặc trường THPT để được thay đổi nguyện vọng ĐKXT bằng phần mềm chung của Bộ GD-ĐT. Trường THPT tập hợp danh sách và hồ sơ chuyển về Sở GD-ĐT đến hết ngày 19-8. Sở GD-ĐT sẽ cập nhật thông tin trực tiếp của các em về Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, tới chiều 17-8 mới chỉ có 3 trường hợp đến ĐKXT tại sở. Ông Dương Văn Ca, Phó phòng Khảo thí và kiểm định chất lượng Sở GD-ĐT |
Theo tâm lý chung, ai cũng nghĩ đến phương án rút hồ sơ chọn trường khác để tìm cơ hội tốt hơn nên vị trí của các sĩ tử trên “bảng vàng” của các trường thay đổi từng giờ.
Cô Dương Thị Thảo, Hiệu phó Trường THPT Đồng Xoài cho biết: “Theo tôi, việc linh động thay đổi nguyện vọng giúp học sinh có cơ hội tiếp cận các trường đại học nhiều hơn. Nhưng nhược điểm là 1 nguyện vọng có 3 ưu tiên, tạo ra nhiều danh sách ảo, gây khó khăn trong việc tuyển chọn của các trường cũng như sự lựa chọn của thí sinh. Điển hình là vị trí của thí sinh thay đổi từng giờ, kết quả xét tuyển chậm, làm học sinh hoang mang dẫn đến tình trạng rút hồ sơ để nộp vào trường khác rất nhiều.
Phạm Thị Bích Ngọc cho biết: Em nhận thông tin có thể đăng ký tại trường THPT hoặc tại Sở GD-ĐT ngày 15-8, nhưng rất tiếc ngày 12-8 em đã rút hồ sơ và chuyển phát nhanh bằng đường bưu điện.
Thực tế cho thấy, kỳ thi THPT quốc gia có nhiều ưu điểm, nhưng những phát sinh sau kỳ thi cũng không ít khó khăn, bất cập cho các trường cũng như phụ huynh học sinh. Việc xét tuyển nguyện vọng và cho nhiều ưu tiên trong cùng một nguyện vọng tạo nên danh sách ảo có độ chênh lệch so với thực tế quá lớn. Để có được thông tin chính xác về vị trí của mình trong danh sách xét tuyển, thí sinh và phụ huynh phải túc trực theo dõi 24/24 giờ mỗi ngày và phải phụ thuộc hoàn toàn vào internet hoặc trực tiếp đến trường. Và cũng vì thế, những ngày qua, hàng ngàn sĩ tử cùng phụ huynh cả nước phải “ăn chực nằm chờ” tại cổng các trường đại học, người thì rút, kẻ đến nộp hồ sơ. Hy vọng rằng, cảnh “dở khóc dở cười” này trong kỳ thi tới sẽ không còn xảy ra.
Ngọc Bích
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065