Sự ủng hộ mạnh mẽ và tiếng nói quan trọng của Nimr ở những khu vực với đa số người Shia bị đẩy ra khỏi cộng đồng chung đã khiến giáo sĩ 56 tuổi này trở thành động lực đằng sau các cuộc biểu tình và là người anh hùng của thanh niên Shia ở Ả Rập Xê-út.
Những người biểu tình đòi chính phủ trả tự do cho Sheikh Nimr al-Nimr.
Hình ảnh đặc trưng của Sheikh Nimr al-Nimr với bộ râu màu xám và chiếc khăn xếp đã xuất hiện trên các biểu ngữ và băng rôn biểu tình tại miền Đông Ả Rập Xê-út trong suốt hơn 10 năm qua.
Tuy nhiên, đối với giới cầm quyền vương quốc Sunni, Nimr lại là một cái gai trong mắt họ.
Được truyền cảm hứng từ Mùa xuân Ả Rập, hàng loại các cuộc biểu tình chống chính phủ đã nổ ra vào năm 2011, trong đó có nhiều bài phát biểu trước công chúng của Nimr với nội dung kêu gọi chấm dứt chế độ quân chủ Al-Saud và đẩy mạnh sự bình đẳng cho cộng đồng người Hồi giáo theo dòng Shia tại quốc gia này.
Theo những người ủng hộ vị giáo sĩ này, ông đã vô cùng thận trọng trong việc tiến hành các hoạt động để tránh xảy ra tình trạng bạo lực và chỉ đối đầu với chính phủ bằng các biện pháp hòa bình. Ông kêu gọi những người biểu tình hãy chống lại súng đạn của cảnh sát bằng “sức mạnh ngôn luận”.
Khi vai trò của mình ngày càng tăng lên, Nimr cảnh báo các nhà cầm quyền Ả Rập Xê-út rằng nếu họ không làm gì đó để tránh tình trạng đổ máu, kết quả của sự đàn áp khốc liệt sẽ là việc chính phủ bị lật đổ.
Tháng 7-2012, Cơ quan thông tấn nhà nước Ả Rập đưa tin Nimr đã bị bắt giữ và bị cáo buộc gây ra tình trạng bất ổn, hỗn loạn tại nhiều khu vực. Trong sự việc đó, giáo sĩ dòng Shia đã bị cảnh sát bắn vào chân trái.
Nimr phải đối mặt với hàng loạt tội danh nghiêm trọng bao gồm “không tuân lệnh”, “kích động, lãnh đạo và tham gia các cuộc biểu tình”. Nhiều tổ chức nhân quyền sau đó đã lên án những cáo buộc này là vi phạm quyền tự do ngôn luận. Việc Nimr bị bắt giữ được mô tả là một phần trong chiến dịch của Ả Rập Xê-út nhằm loại bỏ tất cả các bất đồng chính kiến trong nước.
Tầm ảnh hưởng của Nimr càng được thể hiện rõ qua tình trạng hỗn loạn và những cuộc biểu tình quy mô lớn sau khi ông bị bắt.
Trong khi Nimr bị giam giữ, vợ ông là Muna Jabir al-Shariyavi đã chết tại bệnh viện New York. Điều này càng khiến công chúng thêm phần thương cảm cho vị giáo sĩ này.
Về phần mình, Sheikh Nimr al-Nimr bắt đầu tuyệt thực. Các tổ chức nhân quyền đã cáo buộc ông bị tra tấn và kêu gọi sự hỗ trợ quốc tế để ông được gặp mặt gia đình và các luật sư.
Tháng 10-2014, tòa án hình sự đặc biệt của Ả Rập Xê-út tuyên Sheikh Nimr al-Nimr án tử hình vì đã lôi kéo “sự can thiệp của nước ngoài” tại vương quốc, “không tuân lệnh” những người cầm quyền và dùng vũ lực chống lại lực lượng an ninh.
Anh trai ông là Mahammad al-Nimr nhanh chóng bị bắt ngay trong ngày hôm đó vì đã tiết lộ thông tin về bản án.
|
Sheikh Nimr al-Nimr sinh năm 1960 (cũng có một số tài liệu ghi ông sinh năm 1959) tại làng al-Awamiyah, thuộc miền Đông Ả Rập Xê-út. Sau khi hoàn thành chương trình giáo dục trung học, ông chuyển đến Iran vào năm 1979 và học tại một viện nghiên cứu Shia trước khi tiếp tục việc học tập tại Syria.
Ông quay lại Ả Rập Xê-út vào năm 1994 và gần như ngay lập tức trở thành đối tượng mà chính quyền quan tâm đặc biệt. Nimr thường xuyên bị cơ quan tình báo thẩm vấn về tư tưởng và các hoạt động kêu gọi tự do tôn giáo của mình.
Năm 2003, Nimr từng bị bắt trong khi đang tổ chức một buổi cầu nguyện tại quê nhà – nơi ông đã trở thành một lãnh tụ Hồi giáo.
Trong khoảng thời gian 2003 – 2008, Nimr bị bắt giam tổng cộng 8 lần vì tham gia vào các cuộc biểu tình và tổ chức các buổi giảng dạy chống lại nhà nước cầm quyền, chỉ ra tình trạng bất ổn kinh tế và những bất công mà tầng lớp thấp trong xã hội Ả Rập Xê-út phải gánh chịu.
Vai trò của Nimr lại được nhắc đến vào tháng 2-2009, trong cuộc đụng độ giữa những người hành hương Shia tại nghĩa trang al-Baqi với cảnh sát và các lực lượng an ninh.
Khi xung đột này lan rộng ra khắp khu vực phía Đông, Nimr đã có một bài phát biểu cáo buộc các nhà cầm quyền hậu thuẫn cảnh sát và nhắm vào cộng đồng người Shia.
Ông cũng tuyên bố cộng đồng Shia của vương quốc này sẽ không còn sợ hãi hay im lặng nữa. Tuyên bố này chính là một trong những lý lẽ mà Ả Rập Xê-út dẫn ra nhằm kết án tử hình Sheikh Nimr al-Nimr.
Nguồn HNM
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065