Luật Thi hành án (THA) dân sự đã được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 14-11-2008.
Luật này thay thế Pháp lệnh THA dân sự năm 2004 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2009. Sau hơn 4 năm được áp dụng vào cuộc sống, Luật THA dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành luật đã bộc lộ nhiều khiếm khuyết.
Cụ thể là về trình tự, thủ tục THA còn rườm rà, phức tạp, nhiều công đoạn, quá trình THA kéo dài; chưa có cơ chế để đương sự tham gia một cách tích cực vào quá trình THA; chưa có quy định cụ thể các biện pháp bảo vệ quyền lợi chính đáng của người được THA mà chủ yếu là các quy định bảo vệ quyền lợi đối với người phải THA, dẫn tới việc người phải THA chây ỳ, cố tình kéo dài THA và không tự nguyện THA. Mặt khác, việc áp dụng các biện pháp chế tài về kinh tế, hành chính, hình sự đối với người phải THA không được quyết liệt, kịp thời nên chưa đủ sức mạnh để răn đe...
Chính vì vậy, Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo Dự án Luật THA dân sự sửa đổi. Vừa qua, Bộ Tư pháp đã công bố toàn văn dự thảo luật này để lấy ý kiến đóng góp của các cấp, các ngành ở trung ương, địa phương và nhân dân. Một trong những điểm mới cơ bản trong dự thảo luật này là đương sự có quyền thỏa thuận THA, người được THA dân sự có quyền đề nghị chấp hành viên tiến hành cưỡng chế loại tài sản của người phải THA mà họ xác minh được và chịu trách nhiệm về yêu cầu của mình, trong trường hợp gây thiệt hại phải bồi thường. Quy định này nhằm tăng quyền và nghĩa vụ của người được THA; đồng thời nâng cao ý thức, trách nhiệm của người phải THA nếu họ không tự nguyện THA.
Thứ hai là dự luật cũng bổ sung quy định cụ thể đương sự có quyền thỏa thuận THA, trong đó người được THA được nhận tài sản để trừ vào số tiền được THA, chấp hành viên lập biên bản về việc thỏa thuận và ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự làm căn cứ chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản.
Thứ ba là trong dự thảo còn bổ sung quy định về việc xử lý đối với tài sản THA không có người tham gia đấu giá, trả giá và quy định cụ thể nếu sau 3 lần giảm giá mà không có người tham gia đấu giá, trả giá thì chấp hành viên yêu cầu người được THA nhận tài sản kê biên để trừ vào số tiền được THA mà không cần có sự đồng ý của người phải THA và những người có chung tài sản bị kê biên đó; nếu người được THA không nhận tài sản để trừ vào số tiền THA thì tài sản được trả lại cho người phải THA và trả lại đơn yêu cầu THA theo quy định của Luật THA dân sự.
Thứ tư là dự thảo luật đề xuất giao cho tòa án ra quyết định THA thay vì để cơ quan THA như hiện nay. Đây cũng là quy định hoàn toàn mới nhưng vẫn đảm bảo sự gắn kết giữa giai đoạn xét xử và giai đoạn THA. Qua đó sẽ nâng cao trách nhiệm của tòa án đối với kết quả thi hành bản án, quyết định của mình.
Và điều quan trọng hơn là với quy định này sẽ không gây xáo trộn nhiều về tổ chức và hoạt động THA dân sự; không làm thay đổi bộ máy của Tòa án và cơ quan THA dân sự; giảm bớt thủ tục hành chính và chắc chắn giảm bớt được phiền hà, phức tạp cho dân, đồng thời ngăn chặn được tham nhũng trong đội ngũ cán bộ THA dân sự.
K.N
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065