BPO - Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) vừa công bố dự thảo Quy định về việc tổ chức hoạt động văn hóa và ứng xử văn hóa của học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục, đào tạo để lấy ý kiến cùa các cấp, các ngành và nhân dân trong cả nước. So với quy định hiện hành, nội dung dự thảo thông tư này có nhiều điểm mới được sửa đổi, bổ sung và được xã hội kỳ vọng là sẽ góp phần tích cực vào việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong các cơ sở giáo dục, đào tạo. Qua đó, tạo điều kiện để học sinh, sinh viên giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, tiếp thu giá trị văn hóa các vùng, miềm và qua đó đẩy lùi các hành vi bạo lực, ngăn chặn các tệ nạn xã hội xâm nhập học đường.
Nội dung các hoạt động văn hóa
Tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; Ca ngợi các thành tựu của cách mạng Việt Nam; Giáo dục truyền thống tốt đẹp của dân tộc, giá trị văn hóa, chuẩn mực đạo đức xã hội, đạo lý làm người; Ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân; Lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và nếp sống văn hóa. Ca ngợi quê hương đất nước, con người Việt Nam; biểu dương, vinh danh những điển hình tiên tiến, nhân tố tích cực trong ngành Giáo dục.
Phản ánh tâm tư, nguyện vọng, tình cảm, trách nhiệm của tuổi trẻ đối với bản thân, gia đình, nhà trường, quê hương và đất nước. Phê phán những thái độ tiêu cực trong mối quan hệ giữa con người với con người, với môi trường xung quanh và với di sản văn hóa của Việt Nam và nhân loại; các biểu hiện lệch lạc, đua đòi, ham chơi, thích hưởng thụ; phòng chống các tệ nạn xã hội; các hành vi phòng chống bạo lực và bất bình đẳng giới trong học đường.
Các hình thức hoạt động văn hóa cơ bản
Phát triển văn hóa đọc trong các cơ sở giáo dục, đào tạo, tổ chức hoạt động tại thư viện nhà trường, tủ sách tại các lớp học; phòng đọc, câu lạc bộ văn hóa - nghệ thuật trong nhà trường; phòng tra cứu; tìm hiểu tri thức văn hóa thông qua hệ thống sách, báo, tạp chí và các phương tiện thông tin, truyền thông khác. Tổ chức các câu lạc bộ cho học sinh, sinh viên tham gia các hoạt động văn hóa nghệ thuật, văn hóa quần chúng, sáng tạo thẩm mỹ như văn học, âm nhạc, hội họa, sân khấu, điện ảnh và các lĩnh vực nghệ thuật khác; Tổ chức biểu diễn văn nghệ, hoạt động triển lãm, chiếu phim định kỳ cho học sinh, sinh viên.
Tổ chức các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn, nhân đạo, tình nguyện vì cộng đồng, bảo vệ môi trường và các hoạt động khác. Tổ chức giao lưu giữa các học sinh, sinh viên trong nước và ngoài nước và các tầng lớp xã hội khác. Tổ chức nói chuyện chuyên đề thời sự, chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội; Tổ chức tuyên truyền, cổ động theo các hình thức: Bảng tin, áp phích, khẩu hiệu; đài phát thanh, trang thông tin, trang cổ động, các ấn phẩm... Tổ chức các hội diễn, liên hoan văn nghệ cho học sinh, sinh viên từ cấp cơ sở đến cấp toàn quốc với chu kỳ tối đa 3 năm/lần. Tổ chức các hoạt động văn hóa khác phù hợp với pháp luật, truyền thống văn hóa, chuẩn mực đạo đức xã hội.
Nhưng yêu cầu về hành vi, ứng xử văn hóa
Có thái độ giao tiếp lịch thiệp; hành vi, cử chỉ, lời nói đúng mực lễ phép trong mối quan hệ bạn bè, gia đình, thầy cô và cộng đồng xã hội; Xử lý hài hòa mối quan hệ cá nhân và tập thể, biết quan tâm đến lợi ích chung; biết giao tiếp, ứng xử phù hợp trong công việc và trong các mối quan hệ xã hội. Có lối sống lành mạnh, nếp sống văn minh, trung thực, nhân nghĩa, có ý thức bảo vệ môi trường; Tuân thủ pháp luật và phát huy truyền thống dân tộc, gìn giữ, bảo vệ di sản văn hóa dân tộc, hiểu biết lịch sử.
Tôn trọng tính đa dạng, sự khác biệt về ý tưởng và quan điểm giữa các cá nhân; tôn trọng triệt để các chuẩn mực đạo đức xã hội, học tập và làm việc vì sự tiến bộ của bản thân, của nhà trường và của xã hội. Thể hiện tinh thần, ý chí vươn lên đưa Việt Nam ngày càng phát triển; có năng lực hội nhập trong lĩnh vực chuyên môn với cộng đồng xã hội. Có lương tâm, đạo đức nghề nghiệp; linh hoạt, có năng lực tư duy sáng tạo. Có năng lực hiểu biết các lĩnh vực văn hóa, kiến thức xã hội. Có trình độ thẩm mỹ, biết thưởng thức, nhận biết cái đẹp, phê phán cái xấu; có khả năng tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao.
Mỗi cơ sở giáo dục, đào tạo cần phải xây dựng một bộ quy tắc ứng xử văn hóa cho cán bộ quản lý, nhà giáo và người học phù hợp với điều kiện từng đơn vị, phong tục tập quán của địa phương; lứa tuổi, bậc học.
Cũng theo dự thảo thông tư này, Bộ giáo dục – Đào tạo yêu cầu các cơ sở giao dục phải xây dựng kế hoạch, tham mưu UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bố trí kinh phí để tổ chức hoạt động văn hóa trong các cơ sở giáo dục, đào tạo trong phạm vi quản lý tại địa phương và các hội diễn văn nghệ do các cấp tổ chức; xây dựng qui tắc ứng xử văn hóa; đôn đốc, kiểm tra và định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện Thông tư này. Đồng thời, chủ động phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các đơn vị liên quan ở địa phương trong việc thực hiện các nội dung trên.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065