Nhiều chuyên gia bày tỏ quan điểm cần phải xử lý nghiêm về mặt hình sự hóa đối với hành vi lái xe vi phạm nồng độ cồn gây tai nạn bởi tình trạng “nhờn” luật trong giao thông vận tải hiện nay rất lớn.
Uống nhiều, xử lý quá yếu
Từ năm 2012 đến nay, tai nạn giao thông giảm giảm cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương, tuy nhiên, tai nạn giao thông còn cao, mỗi ngày có khoảng 26 người chết, chủ yếu là ở đường bộ. Đây là con số được ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đưa ra tại Hội thảo chuyên đề “Hành vi người điều khiển phương tiện khi sử dụng rượu bia” do Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tổ chức vào sáng nay, 8/7.
Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), năm 2014, tai nạn giao thông có liên quan đến rượu, bia chiếm 36,5% trong đó riêng nam giới là 35,7%.
Một con số thống kê của Hiệp hội rượu bia, sản xuất rượu bia ngày càng tăng, ước tính 15%/năm, sản lượng bia dự kiến đạt 3 tỷ lít năm 2015 và 350 triệu lít rượu. Việt Nam được xếp là một trong số 25 quốc gia đứng đầu trong danh sách có mức tiêu thụ bia gia tăng nhiều nhất.
Ông Hoàng Đình Ban, Trưởng khoa Cảnh sát giao thông, Học viện Cảnh sát Nhân dân cho rằng, việc phát hiện các hành vi vi phạm và xử lý nồng độ cồn rất hạn chế.
Cụ thể, qua quá trình điều tra của cơ quan chức năng, năm 2014, lực lượng chức năng phát hiện sử dụng rượu bia gây tai nạn giao thông chiếm 1,62% trong tổng số các vụ tai nạn giao thông; vi phạm nồng độ cồn chiếm 0,25% trong tổng số xử lý các hành vi vi phạm hành chính trong giao thông đường bộ.
“Tỷ lệ gây tai nạn giao thông do sử dụng rượu bia gây ra không dưới 40% nhưng xử lý thấp dẫn đến tình trạng ‘nhờn’ luật trong lĩnh vực vận tải rất lớn. Vì thế , cần xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn, xử lý hình sự các hành vi sử dụng rượu bia tham gia giao thông gây tai nạn đồng thời phải sửa đổi Bộ luật hình sự, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm nồng độ cồn, tạo tiếng răn đe lớn của pháp luật,” ông Ban nhấn mạnh.
Đưa ra mức độ so sánh xử phạt vi phạm ở nước ta so với các nước trong khu vực, theo ông Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia Quy hoạch An toàn giao thông, tại Thái Lan, người lái xe từ chối kiểm tra nồng độ cồn sẽ bị bắt giữ và buội tội một năm tù, phạt tiền lên đến 20.000 Bath.
Tại Mỹ, vi phạm lần đầu bị phạt 300-1.000USD nhưng lần tiếp theo là 15.000USD trở lên; phí thử nồng độ cồn trong máu cho người vi phạm phải trả từ 500-1.000USD; phải học khóa học ý thức tham gia giao thông và qua các kỳ thi rất khắt khe (300-500USD/khóa).
Cần hình sự hóa...
Khẳng định nhiều chính sách đưa ra bị thất bại do vấn đề giao thông liên quan tới đồng đảo tầng lớp người dân nên dễ động chạm, phản ứng, nhiều chuyên ra nhìn nhận, khi chủ trương đưa ra đúng thì cần kiên quyết bảo vệ lập trường, quan điểm, không nên lúng túng khi xử lý tình huống. Đặc biệt, hình sự hóa đối với hành vi uống rượu bia gây tai nạn giao thông nghiêm trọng.
Ông Trần Hữu Minh, chuyên viên Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia kiến nghị, cơ quan chức năng cần hạ “ngưỡng” nồng độ cồn trong máu xuống mức thấp nhất là 20mlg/100ml máu. Người vi phạm lần đầu không nên xử phạt quá nặng, cho cơ hội để sửa đổi hành vi. Với những hành vi nghiệm trọng thì phải xử lý thật nghiêm.
Phản bác quan điểm này, ông Hoàng Đình Ban cho rằng, trong điều kiện thực tế ở nước ta, cấm sử dụng rượu bia có nồng độ cồn trong máu ở mức trên 50mlg/100ml máu khi tham gia giao thông như quy định hiện nay là hợp lý.
Chỉ ra thực tế những khó khăn trong công tác xử lý, theo ông Ban, lực lượng Cảnh sát giao thông khi xử phạt vi phạm giao thông của người dân cũng rất khó khăn bởi người vi phạm sẵn sàng chống đối, rất dễ dẫn đến sự đối đầu từ hai phía.
Bên cạnh đó, mã số bưu chính dữ liệu vi phạm giao thông ở Việt Nam hiện là hồ sơ “chết” bởi các hành vi tái phạm rất khó rà soát và kiểm tra trong các biên bản xử phạt trong khi nước ngoài họ kiểm soát qua hệ thống hóa cơ sở dữ liệu chung.
Với tư cách đại diện cho các đơn vị sản xuất rượu bia, đại diện Hiệp hội rượu bia đặt câu hỏi đến các chuyên gia và cơ quan quản lý Nhà nước phải làm rõ lái xe sử dụng rượu bia đến “ngưỡng” như thế nào là an toàn, vừa phải?
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia cũng kiến nghị đến các doanh nghiệp sản xuất rượu bia trên bao bì cần có các khuyến cáo, cảnh báo nguy cơ hay hàm lượng để người uống biết các thông tin để chủ động khi uống.
Đưa ra các giải pháp, các cơ quan quản lý Nhà nước và chuyên gia nhấn mạnh đến công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức của xã hội về tác hại, ảnh hưởng của rượu bia, mức xử phạt đối với những vi phạm nhằm tạo ra sự chuyển biến về nhận thức trong cộng đồng; bổ sung trang thiết bị đo nồng độ cồn cho cảnh sát giao thông; thông báo vi phạm về nơi cu trú, công tác để kiểm điểm…
Bên cạnh đó, Bộ Công an và Bộ Y tế cần phối hợp xây dựng Thông tư liên tịch quy định chung về quy trình kiểm tra nồng độ cồn trong máu và hơi thở. Bộ Tài chính nghiên cứu tăng thuế đối với các loại đồ uống có cồn.
Nguồn TTXVN
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065