BP - Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, khi vua Lê Thần Tông bệnh nặng, 3 người vợ của vua là Cảm Thánh, Nhật Phụng và Phụng Thánh muốn đổi lập thái tử khác, mới sai người đem của đút cho Tham tri chính sự Từ Văn Thông và nói rằng, nếu có vâng mệnh thảo di chiếu thì chớ bỏ lời của 3 phu nhân. Văn Thông nhận lời. Khi vua Thần Tông biết mình ốm nặng khó qua khỏi, sai Văn Thông soạn di chiếu để chọn người kế vị, nhưng Văn Thông đã nhận của đút, cầm bút mà lưỡng lự không viết.
Ngay lúc đó, 3 vị phu nhân kia thừa dịp đến bên long sàng của vua khóc lóc cùng cái lẽ rằng xưa nay, lập người kế vị ngai vàng phải lấy con trai trưởng chứ không thể lấy con thứ... Vua mủi lòng liền xuống chiếu rằng: “Thiên Tộ tuy còn nhỏ nhưng là con đích. Hãy để Thiên Tộ nối ngôi của trẫm”, liền lập Thiên Tộ làm thái tử.
Thời vua Lý Anh Tông (1138-1175), khi vua còn nhỏ tuổi, Đỗ Anh Vũ là em của Đỗ thái hậu cậy thế lực của chị nên lên giữ chức cao, trở thành kẻ quyền thần lũng đoạn triều chính, uy quyền che lấp cả vua. Hắn và Lê thái hậu “lại lá gió cành trăng” với nhau làm việc “mèo mả gà đồng”. Năm 1150, Điện tiền đô Chỉ huy sứ Vũ Đái, Hỏa đầu đô Quảng Vũ là Lương Thượng Cá, phò mã lang Dương Tự Minh... để cứu nguy cho chế độ mình phụng sự, bèn cùng hợp lực bắt giam Đỗ Anh Vũ để xử tội. Lê thái hậu thương xót người tình, bèn giấu vàng trong cơm đút lót cho Vũ Đái, nhờ đó Anh Vũ giữ được mạng. Nhưng sau này hầu hết những quan lại bắt hắn đều bị hắn ra tay trả thù, kẻ chết, người bị đi đày.
Đỉnh điểm cho nguy cơ nạn “sâu dân, mọt nước” làm suy vong nhà Lý chính là thời vua Lý Cao Tông. Khi vua Anh Tông băng hà năm 1175, Long Trát lên ngôi, có sự giúp sức của Thái úy Tô Hiến Thành (lúc này quyền bính lớn nhất triều). Trong sách “Việt sử lược” cho biết, Chiêu Linh hoàng thái hậu đã đút lót cả mâm bạc cho vợ lẽ của Tô Hiến Thành là bà Lã Thị hòng mong cho Lý Long Xưởng (con cả bị phế vì tội thông dâm) được lên làm vua thay Lý Cao Tông. Nhưng việc ấy không thành, bởi Tô Hiến Thành đã khẳng khái nói: Ta là bậc đại thần, chịu mệnh vua ký thác giúp ấu chúa; nay nhận hối lộ mà bỏ người nọ dựng người kia, còn mặt mũi nào trông thấy tiên đế ở dưới suối vàng?
Biết mưu của mình không thành, thái hậu lại vời ông đến trực tiếp lấy danh lợi mà dụ dỗ, mua chuộc. Lấy cái lẽ là: Ông đối với nước đáng gọi là trung đấy. Song tuổi ông cũng đã về chiều, mà lại thờ vua non tuổi, những việc ông làm thì ai biết cho? Chi bằng lập trưởng quân, thì người đó sẽ mang ơn ông, mà cho ông giàu sang lâu dài, há có phải hay không? Nhưng ông đã khẳng khái nói: Bất nghĩa mà được giàu sang, đó không phải là điều người trung thần nghĩa sĩ vui làm. Thần không dám phụng chiếu.
Nhờ có sự cứng cỏi của Tô Hiến Thành mà mối nguy việc hối lộ, tham nhũng thay quyền, đoạt vị chưa làm suy yếu nhà Lý. Tuy nhiên, khi quan họ Tô mất, vua Cao Tông thiếu người đỡ đần, lại chỉ chăm về tiền của, ngày ngày cùng bọn cung nữ rong chơi, quần thần đều công nhiên hối lộ, nên nạn tham nhũng theo đó mà hoành hành, làm cho nhà Lý ngày một đi xuống. Cuối thời Cao Tông, đất nước bị loạn lạc, một phần bởi tham nhũng mà nên. Năm 1209, Bỉnh Di dẫn quân đánh Phạm Du, rồi tịch thu gia sản. Du căm tức lắm, rồi sai người đến kinh đô đem vàng bạc đút lót cho người trong nội, nói rõ Bỉnh Di tàn khốc, giết hại những người vô tội.
Bọn quan lại thân cận bởi tham hơi đồng nên thay đổi sự thật, người có công trở thành kẻ có tội. Khi Phạm Bỉnh Di về triều, lập tức bị bắt và sau đó bị giết. Từ ấy mà loạn Quách Bốc trả thù cho chủ diễn ra. Rồi nạn Đoàn Thượng sau đó hoành hành khiến vua Lý Cao Tông phải chạy loạn khắp nơi. Biến loạn thời Cao Tông chính là cơ hội để anh em họ Trần hưng khởi và dần xác lập vị trí của mình để sau này thay triều Lý.
Lời bàn:
Từ nội dung của giai thoại trong bài cho thấy hậu quả tham nhũng thời hậu Lý thật ghê gớm. Và thực trạng tham nhũng ấy không những là minh chứng cho sự đi xuống trầm trọng về đạo đức, cương thường vào cuối thời Lý, mà còn chỉ ra nguyên nhân chính đẩy nhà Lý đến bờ vực của sự diệt vong là do nạn “sâu dân, mọt nước”. Điều này cho thấy, không chỉ riêng nhà Lý, mà tham nhũng và nói đúng hơn là nạn “sâu dân, mọt nước” là nguy cơ của mọi thời đại. Chính vì thế, thời kỳ đầu của các triều đại sau đó là nhà Lê sơ, nhà Trần và nhà Nguyễn đều coi tham nhũng là quốc nạn làm suy yếu tiềm lực quốc gia, dân tộc; là nguyên nhân xuống cấp đạo đức xã hội, mà bất kỳ ông vua nào nếu không muốn mất ngai vàng thì phải bài trừ, tận diệt.
Từ những sử liệu đã nêu cho thấy, tệ nạn tham nhũng của công được vua Minh Mạng trừng trị rất nghiêm khắc, cho dù giá trị kinh tế của tài sản ấy đều tương đối không lớn. Nhưng vấn đề đặt ra ở đây là lương tâm, kỷ cương, phép nước. Xét trên bình diện của pháp luật, sự quan tâm của vua Minh Mạng với vấn nạn này tỏ ra toàn diện và sâu sắc. Vua Minh Mạng dựa vào hệ thống pháp luật để đưa ra những biện pháp trừng phạt, đặc biệt đối với những người phạm tội thuộc hàng quan lại thì càng bị trừng trị nghiêm khắc, có khi nghiêm khắc hơn cả mức phạt đã được pháp luật đặt ra, nhằm gìn giữ kỷ cương, làm gương cho dân chúng. Bởi lẽ, Mạnh Tử nói: Người trên không theo lẽ thẳng, người dưới không giữ phép luật, cái nước như thời thế nào cũng phải mất.
N.D
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065