Các võ sinh thuộc Câu lạc bộ vovinam - Việt võ đạo đang tập luyện tại Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh
1: Năm 1978, thầy Phan Văn Lành từ Bình Dương khăn gói lên đường nhận nhiệm vụ giảng dạy tại Trường tiểu học xã Hưng Phước. Hành trang mang theo của thầy chỉ vài bộ quần áo, trong đó có võ phục của môn phái vovinam. Ngoài giờ đứng lớp, thầy Lành tranh thủ thời gian nhàn rỗi để truyền đạt môn vovinam cho học sinh tại nhà riêng. Số học sinh theo học lúc bấy giờ chỉ 10 em, trong đó có học trò Dương Minh Tân. Sau khi tiếp nhận toàn bộ võ học của người thầy tại quê nhà, Dương Minh Tân lại khăn gói về Bình Dương và thành phố Hồ Chí Minh luyện tập vovinam song hành với học kiến thức ở trường đại học sư phạm. Năm 1992, Dương Minh Tân ra trường, trở lại quê nhà nối nghiệp sư phạm của thầy và chính thức mở lớp dạy môn võ đạo vovinam tại xã Hưng Phước. Các võ sinh của thầy Tân trưởng thành, tiếp tục mở rộng ra Lộc Ninh, Phước Long, Bình Long, Đồng Xoài rồi theo năm tháng lan khắp 11 huyện, thị trong tỉnh như hiện nay.
Năm 2011, Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa vovinam thành môn học tự chọn trong học đường với số lượng từ 15 đến 20 tiết. Từ đây, môn sinh thuộc môn phái vovinam tỉnh Bình Phước không ngừng phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng. Đặc biệt, cuối năm 2014, Liên đoàn Vovinam Bình Phước được thành lập tạo đà cho phong trào vovinam ở tỉnh trưởng thành nhiều mặt. Sau một năm liên đoàn đi vào hoạt động, từ số lượng câu lạc bộ (CLB) cho đến đội ngũ huấn luyện viên, võ sinh tăng rõ rệt.
2: Xuất phát điểm của môn phái vovinam ở tỉnh Bình Phước là phong trào học đường. Thế nhưng, cũng chính từ phong trào học đường của môn võ này đang đặt ra nhiều điều mà các cơ quan chức năng cần quan tâm suy ngẫm. Sau khi thành lập Liên đoàn Vovinam tỉnh Bình Phước, số huấn luyện viên thuộc khối trường học tăng chóng mặt. Toàn tỉnh hiện có 151 giáo viên thể dục đạt trình độ trung đẳng (tương đương huấn luyện viên) vovinam, chiếm 44,4% trong tổng số hệ trung đẳng cả tỉnh. Thế nhưng, số huấn luyện viên này lại đang bỏ ngỏ.
Ông Hà Minh Quan, Chủ tịch Liên đoàn Vovinam tỉnh Bình Phước cho biết: Do thiếu sự quan tâm chỉ đạo sát sao từ ngành giáo dục và đào tạo nên phong trào vovinam học đường hiện nay mạnh ai nấy làm. Vovinam là môn võ mang tính chất vừa học đạo vừa học võ nhưng phần lớn ở trường học hiện chỉ tập trung phần võ. Trong khi trình độ chuyên môn võ học của mỗi giáo viên mỗi khác nên chưa có sự thống nhất trong chương trình giảng dạy môn võ này. Thậm chí nhiều thầy cô giáo huấn luyện vovinam khối trường học có trình độ chuyên môn thấp hơn học sinh. Vì vậy, nhiều giáo viên dù đã qua tập huấn nhưng vẫn không dám mạnh dạn đứng lớp.
“Ngành văn hóa - thể thao và du lịch đã hỗ trợ kịp thời về khâu tổ chức nhưng chưa tương xứng với tiềm năng vốn có của môn võ này trên địa bàn tỉnh. Mới đầu tháng 5-2016, đội tuyển vovinam tỉnh Bình Phước lần đầu đưa quân tham gia giải vô địch các đội mạnh vovinam toàn quốc tại An Giang với 5 nội dung quyền thì có 3 nội dung đoạt huy chương đồng. Điều đáng quan tâm ở đây là toàn bộ kinh phí cho cả chuyến tham gia thi đấu ở tỉnh bạn hết 60 triệu đồng đều do các huấn luyện viên tự thân vận động. Ngay cả Ban chấp hành Liên đoàn Vovinam tỉnh hiện có 17 thành viên cũng tự xoay xở nguồn kinh phí để hoạt động - võ sư Huỳnh Minh Hải cho biết.
3: Ngay sau khi Việt Nam tổ chức thành công SEA GAMES lần thứ 22 năm 2003, vovinam chính thức được công nhận là quốc võ Việt Nam và cho phép giảng dạy như một môn học tự chọn trong trường học. Không phải ngẫu nhiên mà môn võ này được ưu tiên như một môn học trong nhà trường mà có căn nguyên của nó. Trước hết vovinam là môn võ Việt Nam. Từ chiêu thức, quyền cước đều rất phù hợp với tầm vóc, thể trạng người Việt. Người theo học môn phái này không chỉ chú tâm vào học võ mà còn phải chuyên tâm học đạo. Cả hai yếu tố võ, đạo luôn song hành trong tâm thế của người học vovinam. Người học phải biết dùng võ và đạo để giúp đời, bênh vực điều hay lẽ phải, người bị áp bức, bất công.
Bình Phước hiện có gần 3.000 võ sinh, võ sư, huấn luyện viên và hướng dẫn viên môn vovinam. Hầu hết CLB thuộc khối trường học hiện vẫn chưa có tiếng nói chung về giáo trình của môn võ này. Trong khi số học sinh tự học từ các CLB vovinam bên ngoài khá lớn, thậm chí có những học sinh đạt đến đẳng cấp huấn luyện mặc dù vẫn đang ngồi ghế nhà trường. Do vậy, việc tập huấn cho đội ngũ giáo viên và đưa ra chương trình giảng dạy chính thống trong trường đối với môn học tự chọn này là điều cần thiết. Mặt khác, ngành giáo dục và đào tạo cần quan tâm sâu sát hơn trong việc triển khai, kiểm soát chất lượng học và dạy vovinam trong trường học.
Bình Phước hiện nay vẫn chưa hình thành được đội tuyển mang tính chuyên sâu để tham gia thi đấu với các tỉnh, thành trên phạm vi cả nước. Đặc biệt, nguồn kinh phí tập luyện, huấn luyện trước khi tham gia giải đấu đều do những người yêu môn võ này đóng góp. Do vậy, rất cần hỗ trợ kinh phí và tạo điều kiện thuận lợi cho Liên đoàn Vovinam tỉnh thành lập đội tuyển đủ mạnh để tham gia thi đấu trên phạm vi cả nước. Đó cũng là mục tiêu hướng đến các môn thể thao thành tích cao của tỉnh.
Cuối năm 2014, toàn tỉnh có 49 CLB vovinam với 1.700 võ sinh. Đến ngày 30-4-2016, toàn tỉnh có 60 CLB với 2.929 võ sư, huấn luyện viên, võ sinh sinh hoạt, tập luyện thường xuyên. Trong đó có 39 võ sư, huấn luyện viên, hướng dẫn viên thực hiện huấn luyện thường xuyên. |
Đông Kiểm
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065