Một góc Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: An Hiếu/TTXVN)
Nhìn lại chặng đường 10 năm gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ hơn nhờ mở rộng quan hệ và chính sách đổi mới.
Cùng với đó, việc mở cửa thị trường đã đem lại nhiều lợi ích, giúp các nước tìm được vị trí của mình trong nền kinh tế.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, việc gia nhập WTO chính là “mở cánh cửa lớn” để Việt Nam bước vào “sân chơi” toàn cầu.
Đổi mới nhưng còn chậm
Theo Bộ Công Thương, kể từ năm 2007 đến nay, mặc dù bị ảnh hưởng bởi những tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, khủng hoảng nợ công song nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng bình quân là 6,29%/năm.
GDP bình quân đầu người tăng từ 730 USD vào năm 2006 lên 2.228 USD vào năm 2015 và đạt 2.445 USD vào năm 2016. Cơ cấu kinh tế đã chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp.
Cũng theo Bộ Công Thương, đáng chú ý, kể từ khi trở thành thành viên của WTO, mức tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam đều đạt từ 12-14%/năm và chỉ có dấu hiệu giảm sút trong thời gian ngắn gần đây. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm 2016 cũng tăng gấp 3,5 lần so với năm 2006. Đây là những con số cho thấy khi tham gia vào WTO, nền kinh tế Việt Nam đã không bỏ lỡ những cơ hội có được từ sự kiện mang tính lịch sử này.
Ngoài ra, sau 10 năm gia nhập WTO, Việt Nam đã thu hút hơn 22.000 dự án FDI với tổng vốn đăng ký gần 300 tỷ USD. Đặc biệt, nhiều tập đoàn hàng đầu trên thế giới đã chọn Việt Nam làm “cứ điểm” sản xuất như Samsung, LG, Toyota, Honda, Canon…
Không những thế, đến nay cũng đã có 12 Hiệp định thương mại tự do (FTA) đa phương và song phương giữa Việt Nam với các đối tác lớn trên thế giới được chính thức ký kết, hoặc kết thúc đàm phán như: FTA Việt Nam-EU (EVFTA), FTA Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA)...; trong đó có những FTA thế hệ mới có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Bên cạnh các FTA đã được ký kết hoặc đã kết thúc đàm phán, Việt Nam còn đang tiếp tục đàm phán thêm 4 FTA; trong đó có Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP) - được dự đoán là một FTA thế kỷ, quy định các hoạt động thương mại của toàn vùng ASEAN.
Các FTA đang mở ra không gian cho Việt Nam phát triển mạnh mẽ, có quan hệ thương mại tự do với 55 đối tác trên thế giới, bao gồm các nước G7 và 15/20 thành viên nhóm G20.
Nhận định về vấn đề này, nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại, Trưởng đoàn đàm phán WTO của Việt Nam Lương Văn Tự cho rằng sau khi gia nhập WTO, các doanh nghiệp Việt Nam đã biết tận dụng cơ hội khi vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh. Qua đó, phần nào học hỏi, chuyển giao được công nghệ và kỹ năng quản lý từ các tập đoàn lớn đến từ các quốc gia phát triển như Hoa Kỳ, Nhật Bản…
Hơn nữa, áp lực cạnh tranh từ khi gia nhập tổ chức thương mại thế giới này cũng giúp các doanh nghiệp trong nước trưởng thành hơn rất nhiều. Không ít doanh nghiệp đã chủ động tìm kiếm thị trường, liên kết với các doanh nghiệp nước ngoài để đẩy mạnh hàng hóa, thúc đẩy xuất khẩu.
Tuy nhiên, hạn chế của nền kinh tế vẫn còn ở việc tái cơ cấu, đổi mới doanh nghiệp nhà nước chậm, nhiều nơi vẫn dở dang. Lực lượng lao động tuy đông nhưng chưa đáp ứng được đòi hỏi của nền kinh tế về trình độ ngoại ngữ, tác phong công nghiệp, năng suất lao động…
Ông Trần Đăng Phúc, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Nhựa Thiếu niên Tiền Phong, chia sẻ để có thể hội nhập sâu vào thị trường quốc tế, không còn con đường nào khác, các doanh nghiệp Việt Nam phải có chiến lược đầu tư để nâng tầm thương hiệu, nâng cao trang thiết bị sản xuất, sử dụng công nghệ tiên tiến tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường.
Nhờ nỗ lực của cả tập thể mà 10 năm qua, hàng hóa sản phẩm của công ty đã vươn ra nhiều thị trường trên thế giới; trong đó chinh phục được cả những thị trường khó tính như Australia, New Zealand, Hong Kong (Trung Quốc) và Nhật Bản.
Người tiêu dùng chọn mua hàng tại siêu thị BigC Thăng Long
Theo ông Pascal Lamy, Việt Nam phát triển nhiều nhờ mở rộng quan hệ, chính sách đổi mới. Việc mở cửa thị trường đã đem lại nhiều lợi ích, giúp các nước tìm được vị trí của mình trong nền kinh tế.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng 10 năm gia nhập WTO chưa phải là một chặng đường dài nhưng đầy cơ hội và thử thách với các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam. Điều này thể hiện qua việc tỷ trọng thương mại dịch vụ trong GDP hàng năm giữ vững từ 40 đến 45%; tốc độ tăng trưởng bình quân luôn đạt ở mức gần 7% năm, cao hơn mức tăng trưởng GDP trung bình năm.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, việc tham gia WTO không chỉ đánh dấu sự phát triển quan trọng của Việt Nam thông qua khung khổ hội nhập với kinh tế toàn cầu và thế giới, mà còn là nền tảng hướng tới phát triển kinh tế - xã hội hiện đại, bền vững với những đường hướng và mục tiêu rõ nét.
Không để hụt hơi
Mặc dù thừa nhận những thành tựu mà nền kinh tế Việt Nam đạt được sau 10 năm gia nhập WTO, song nhiều ý kiến cho rằng một điểm nổi lên đáng quan ngại trong hoạt động xuất khẩu của Việt Nam là tình trạng thành tích xuất khẩu luôn nằm ở nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Mặc dù sau 10 năm gia nhập WTO, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã mang hàm lượng công nghệ cao hơn, sản phẩm đa dạng hơn và tìm kiếm được nhiều thị trường xuất khẩu hơn, song hàng hóa xuất khẩu mang nội hàm trong nước chưa cao. Cùng với đó, dấu ấn của doanh nghiệp Việt trong giá trị hàng xuất khẩu còn thấp, chủ yếu vẫn chỉ nhìn thấy sự hiện hữu của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.
Ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, Việt Nam rất cần những yếu tố, động lực về chính sách để thúc đẩy doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và chú trọng vào phát triển công nghiệp phụ trợ.
Bởi theo lý giải của ông Võ Trí Thành, doanh nghiệp Việt Nam cũng như những mắt xích quan trọng. Nếu các mắt xích này liên kết được với nhau trong chuỗi sản xuất toàn cầu thì lúc đó các doanh nghiệp mới có thể phát triển bền vững.
Ông Pascal Lamy nhấn mạnh thêm rằng, chắc chắn việc mở cửa sẽ gây nhiều xáo trộn, đấy là nguyên tắc và là tiền đề. Không có một quá trình chuyển đổi nào không màu, không mùi, toàn niềm vui cả. Nó sẽ gây khó khăn cho một số đối tượng, nhưng là điều bình thường của nền kinh tế thị trường. Vấn đề chính là làm sao cho quá trình này được diễn ra trong điều kiện công bằng, bình đẳng.
Theo ông Pascal Lamy, Việt Nam vẫn sẽ duy trì được lợi thế cạnh tranh về nhân lực ngay cả trước làn sóng cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Bởi cốt lõi là con người mà như ông nhận định là người Việt Nam có những cần cù, quyết tâm. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ mất lợi thế này nếu không đầu tư đủ cho đào tạo nhân tài bởi trí tuệ nhân tạo không thể thay thế cho con người.
Để tiếp tục phát triển bền vững, các chuyên gia thương mại cho rằng, Việt Nam cần những cải cách đột phá, đặc biệt là khắc phục những mặt trái của cơ chế một cửa, đổi mới bộ máy hành chính nhà nước. Bên cạnh đó, tăng cường và nâng cao hiệu quả việc kiểm tra, kiểm soát thị trường, minh bạch, lành mạnh hóa môi trường kinh doanh.
Vấn đề cốt lõi là tái cơ cấu các doanh nghiệp, các dịch vụ cơ sở hạ tầng theo hướng tập trung những dịch vụ có tiềm năng, lợi thế, và phát triển logistics xanh. Đặc biệt, trong thời gian tới cần nâng mức đầu tư cho khoa học công nghệ để Việt Nam sớm có những đột phá về khoa học công nghệ, tạo ra những mặt hàng, những sản phẩm kỹ thuật cao mang lại giá trị cao trong xuất khẩu.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065