BP - Gần đây, trên các diễn đàn hội, nhóm, mạng xã hội, các thế lực thù địch nhằm vào chủ trương tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của Đảng ta để công kích, cho rằng đây là cái cớ để cấp ủy, tổ chức đảng các cấp tiến hành một cuộc thanh lọc, đẩy ra ngoài hệ thống những cán bộ trí tuệ, nói lời ngay thẳng, không xu nịnh, không lo lót cho cấp trên. Thủ đoạn đó hòng kích động, gây hoài nghi, làm giảm lòng tin của đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đối với công tác xây dựng và chỉnh đốn đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII.
Không phải bây giờ mới làm
Cách đây hơn 700 năm, thái thượng hoàng Trần Nhân Tông đã tức giận đến mức ném cả danh sách vua Trần Anh Tông phong quan ra giữa sân rồng và thét lên, rằng: “Đất nước bé bằng bàn tay, quan nhiều như thế, dân làm sao sống nổi?”. Bài học về xây dựng bộ máy tinh gọn để khoan sức dân của các bậc tiền nhân đã được Bác Hồ và Đảng ta vận dụng sáng tạo trong xây dựng, chỉnh đốn đảng, xem đây là công việc thường xuyên của Đảng.
Cách mạng tháng Tám thành công, ngay những ngày đầu xây dựng chính quyền non trẻ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kịch liệt phê phán những khuyết điểm của cán bộ làm trái, cậy thế, chia rẽ, kiêu ngạo, hách dịch, ăn hối lộ, hủ hóa. Cùng với đó, Người quyết liệt làm trong sạch, tinh gọn bộ máy công quyền. Tháng 11-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời trước kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa I về những thành viên của Chính phủ không trong sạch: Chính phủ đã hết sức làm gương và nếu làm gương không xong thì sẽ dùng pháp luật mà trị những kẻ ăn hối lộ.
Đảng ta trong quá trình phát triển, luôn chủ trương tinh gọn bộ máy. Trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, một trong những thành tựu quan trọng của Đảng là đã xây dựng được bộ máy nhà nước dân chủ nhân dân vững mạnh, phục vụ tốt và đáp ứng yêu cầu “vừa kháng chiến, vừa kiến quốc”. Đảng và Chính phủ đặc biệt coi trọng giáo dục đạo đức, tác phong, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hệ thống chính quyền; luôn dựa vào sức dân và vì nhân dân; phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc gắn với sức mạnh thời đại; đồng thời tăng cường vai trò lãnh đạo của đảng và làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng trong bộ máy chính quyền.
Trong nhiệm kỳ Đại hội XI và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, Đảng ta đã kiên quyết xử lý, đưa ra khỏi đội ngũ những người vi phạm phẩm chất, đạo đức lối sống, vụ lợi, yếu kém về năng lực, cửa quyền, tham ô, tham nhũng... Trong 5 năm (2011-2015), toàn Đảng đã xử lý kỷ luật gần 1.400 tổ chức đảng và trên 74.000 đảng viên các cấp. Trong số đảng viên bị kỷ luật, có 82 tỉnh ủy viên và tương đương; trên 1.500 huyện ủy viên và tương đương; gần 3.000 đảng viên bị kỷ luật bằng hình thức cách chức; trên 8.700 người bị khai trừ khỏi Đảng và trên 4.300 cán bộ, đảng viên phải xử lý bằng pháp luật.
Điểm lại các kỳ đại hội, nhiệm kỳ nào Đảng cũng ban hành các nghị quyết, chỉ thị về việc tinh giản biên chế, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và được thực hiện một cách nghiêm túc. Qua đó có thể thấy việc tinh giản biên chế là công việc thường xuyên của Đảng, không phải đến bây giờ mới quyết liệt triển khai.
Nhất quán mục tiêu cao nhất: Vì dân phục vụ
Ngày 25-10-2017, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6 khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Nghị quyết xác định rõ mục tiêu: Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước và chất lượng hoạt động của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội; phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; giảm chi thường xuyên và góp phần cải cách chính sách tiền lương.
Trước đó, tại Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Đảng xác định chủ trương tinh giản: Kiên quyết miễn nhiệm, thay thế, cho từ chức đối với cán bộ làm việc kém hiệu quả, không hoàn thành nhiệm vụ, yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức, tín nhiệm thấp. Nhằm triển khai hiệu quả nghị quyết của Đảng, ngày 6-1-2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị số 02/CT-TTg về việc đẩy mạnh thực hiện chủ trương tinh giản biên chế. Trong đó, xác định rõ đối tượng tinh giản là những cán bộ, công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ, không đạt tiêu chuẩn quy định (phẩm chất, năng lực, sức khỏe), những người dôi dư do xác định vị trí việc làm và sắp xếp tổ chức. Cụ thể hóa nghị quyết của Đảng, chấp hành chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, từ các ban, bộ, ngành Trung ương đến địa phương đã nghiêm túc triển khai thực hiện, tiến hành đồng bộ các giải pháp sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế.
Kết quả tổng hợp của Chính phủ báo cáo tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV cho thấy, từ năm 2015 đến ngày 30-8-2017 có 29.519 người thuộc diện tinh giản biên chế. Cụ thể, có 25.714 người hưởng chính sách về hưu trước tuổi, 3.743 người hưởng chính sách thôi việc ngay, 27 người hưởng chính sách thôi việc sau khi đi học, 35 người hưởng chính sách chuyển sang các tổ chức không hưởng lương thường xuyên từ ngân sách nhà nước. Trong đó, 1.182 người thuộc các cơ quan đảng, đoàn thể; 3.572 người thuộc các cơ quan hành chính; 19.814 người thuộc các đơn vị sự nghiệp công lập; 4.798 người thuộc diện cán bộ, công chức cấp xã; 153 người thuộc khối doanh nghiệp nhà nước. Đó là những con số thể hiện rõ nỗ lực tinh giản biên chế của các cấp, ngành đã cho ra khỏi bộ máy những người không đáp ứng yêu cầu công việc, qua đó nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, cũng như hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Thực tiễn việc tinh giản biên chế cũng đang xuất hiện tâm lý lo ngại trong nhân dân. Bởi lâu nay, nếp nghĩ “học để làm quan”, “học để làm cán bộ” đã in sâu vào tiềm thức của nhiều bậc cha mẹ, nên khi chủ trương tinh giản biên chế triển khai, nhiều người không tránh khỏi tư tưởng sợ con em mình bị loại khỏi bộ máy. Mặt khác, nhiều cán bộ bán chuyên trách, hợp đồng ở các cơ quan đảng, nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội, đã theo đuổi “nghiệp làm cán bộ” bao năm, nay có chủ trương tinh giản, không khỏi sinh ra tâm lý lo bị đẩy ra khỏi bộ máy. Tâm trạng đó là hoàn toàn bình thường trong đời sống tâm lý xã hội.
Nhìn vào thực tế, bộ máy của nước ta hiện nay quá cồng kềnh, nên việc tinh giản là đòi hỏi tất yếu khách quan. Đó cũng là nguyện vọng thiết tha của đông đảo nhân dân với Đảng. Đó cũng là cách để làm Đảng mạnh lên, hệ thống chính trị mạnh hơn, phục vụ nhân dân tốt hơn chứ không phải là sự thanh lọc như những kẻ thù địch đang ráo riết công kích.
Trần Phương
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065