Đại tá, Sư đoàn trưởng Hà Quang Vinh kể với chúng tôi những cái tên truyền thống mà các đơn vị trực thuộc đã mang trên mình suốt nửa thế kỷ, đó là những Trung đoàn: Hoài Ân, An Lão, Tây Sơn-những địa danh quen thuộc ở vùng đất Bình Định, nơi Sư đoàn Sao Vàng được thành lập và có tới 10 năm gắn bó trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đại tá Hà Quang Vinh nói, để tri ân đồng đội và đồng bào trên vùng đất chiến trường xưa, lễ kỷ niệm năm nay sẽ được tổ chức ở hai nơi, đó là tại Sở chỉ huy Sư đoàn 3 và tại khu rừng Bà Bơi, xã Ân Nghĩa (Hoài Ân, Bình Định), nơi diễn ra lễ thành lập sư đoàn từ cách đây tròn nửa thế kỷ.
Chúng tôi tìm gặp Đại tá Nguyễn Văn Tích, người có hàng chục năm gắn bó với Sư đoàn 3 và nguyên là Trưởng ban viết sử của sư đoàn. Ông được cán bộ, chiến sĩ sư đoàn coi như một “kho tư liệu” về truyền thống của đơn vị. Tôi hỏi ông về những kỷ niệm trong thời kỳ Sư đoàn 3 đứng chân ở Bình Định, về những địa danh mà các trung đoàn tự hào mang tên truyền thống. CCB Nguyễn Văn Tích nhắc lại câu nói của một đồng chí lãnh đạo tỉnh Bình Định, năm 1985, ông Tô Đình Cơ, khi ấy đang là Chủ tịch UBND tỉnh, đã cảm động phát biểu: “Nghĩa tình của quân, dân Bình Định với Sư đoàn 3-SaoVàng là thịt liền thịt, da liền da, máu hòa trong máu, nghĩa tình ấy không bao giờ có thể nhạt phai…”.
Những trung đoàn “từ trong lòng đất”
Đại tá Nguyễn Văn Tích kể rằng, trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Sư đoàn 3 là sư đoàn chủ lực của Quân khu 5, song tính chất hoạt động lại có nét đặc thù là gắn chặt với phong trào đấu tranh chính trị của địa phương. “Có thể nói, không có người dân Bình Định, Sư đoàn 3 không thể tồn tại, bởi từ sau Hiệp định Pa-ri năm 1973, hạt gạo từ ngoài Bắc mới đến được với người lính sư đoàn, còn trước đó, mọi thứ đều nhờ vào sự cưu mang, đùm bọc của người dân địa phương. Ngược lại, nếu không có Sư đoàn 3 thì phong trào cách mạng của địa phương sẽ không thể đứng vững”, ông Tích bộc bạch.
Thực hành huấn luyện chiến thuật tại Tiểu đoàn 1, Đoàn An Lão (Sư đoàn Sao Vàng) |
Sau Mậu Thân 1968, rất nhiều cơ sở của ta bị địch xóa sổ, sư đoàn buộc phải tạm thời chia nhỏ xuống từng địa phương, cán bộ các trung đoàn xuống làm cán bộ xã đội hoặc đội trưởng du kích. “Các năm 1969, 1970 là những năm gian khổ, khó khăn nhất của sư đoàn, chúng tôi phải nằm hầm bí mật trong nhà dân, tối đến mới có thể ra hoạt động. Trong khi đó, chỉ cần phát hiện có dấu dép của bộ đội, kẻ địch sẽ tra khảo và tàn sát cả một làng”, ông Tích nhớ lại.
Giữa tình cảnh khó khăn ấy, các trung đoàn đã phải tự thu gọn thành những tiểu đoàn, đại đội để bám đất, bám dân, để đồng bào nuôi nấng, chở che dưới những căn hầm bí mật. Đó là thời kỳ các trung đoàn phải “nằm trong lòng đất” và sống giữa lòng dân để “bảo vệ mình” trước khi tính tới chuyện “đánh thắng kẻ thù”.
“Cháu có tin được không, tới con chó của dân cũng được bà con huấn luyện để Quân Giải phóng vào nhà thì lặng im, còn khi thấy hơi quân địch từ xa là đã sủa lên ầm ĩ”, Đại tá Nguyễn Văn Tích kể. Sau này, qua tìm hiểu, ông Tích và đồng đội mới hay rằng, bà con đã tập cho lũ chó phát hiện địch từ… mùi thuốc lá, bởi khi đi càn, tên địch nào cũng ngông nghênh, phì phèo điếu thuốc trên miệng… Người dân còn bí mật cung cấp thực phẩm cho bộ đội Đoàn Sao Vàng bằng cách kho cá rồi cho vào túi ni-lông, chôn ở ngoài gò, tối đến, bộ đội bí mật đào lên, mang về hầm. Sau này, gạo, nước cùng nhiều loại thực phẩm khác cũng được bà con làm theo cách ấy để che mắt địch. Còn bao cách làm, bao ám hiệu của người dân vùng giáp ranh như việc thắp đèn ban đêm để báo hiệu an toàn, tắt đèn để báo có địch; rồi mỗi khi vào làng, nhằm tránh địch phát hiện dấu dép, chiến sĩ Sư đoàn 3 phải đeo dép lên người…
Sau ngày đất nước thống nhất, trong tâm khảm mỗi người lính Sư đoàn 3, ít ai nghĩ rằng lại có ngày họ phải tạm biệt vùng đất Khu 5, tạm biệt vùng quê ân nghĩa Bình Định. Năm 1976, tình hình phức tạp trên biên cương phía Bắc đã khiến cho cái ngày không mong đợi ấy diễn ra. “Tháng 7-1976, Sư đoàn 3 hành quân ra Bắc làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới, cánh lính trận chúng tôi vừa đi vừa khóc. Chúng tôi khóc vì day dứt, ân hận, như đứa con đến tuổi trưởng thành mà không có ngày được về báo công, đền đáp bậc sinh thành ở chính nơi mình đã thuộc nằm lòng từng tên đất, tên làng”, CCB Nguyễn Văn Tích nhớ lại.
Ngày hành quân ra Bắc, đại diện lãnh đạo và nhân dân tỉnh Bình Định đã tới chia tay và tặng sư đoàn bức trướng mang dòng chữ “Nghĩa tình son sắt”. 10 năm gắn bó với vùng quê Bình Định, những cái tên: Hoài Ân, An Lão, Tây Sơn đã gói trọn nghĩa tình giữa đơn vị và người dân trên vùng đất lửa, để rồi sau này, khi tới đứng chân trên vùng Đông Bắc Tổ quốc, Bình Định vẫn là địa chỉ quen thuộc trong những chuyến “về nguồn” của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ sư đoàn.
“Niềm vui nhân đôi” trong ngày thu lịch sử
Tới thăm Sư đoàn 3 trong những ngày thu tháng Tám, ai nấy đều ấn tượng với màu xanh mát mắt quanh những khuôn viên doanh trại xanh-sạch-đẹp cùng những băng, cờ khẩu hiệu chào mừng kỷ niệm 70 năm Quốc khánh, 50 năm Ngày thành lập sư đoàn. Đại tá, Chính ủy Sư đoàn Lê Văn Thơ bảo rằng, đơn vị vinh dự ra đời đúng ngày 2-9, và năm nay, niềm vui ấy lại tiếp tục được nhân lên khi sư đoàn có hơn 400 cán bộ, chiến sĩ góp mặt trong những khối diễu binh tại Quảng trường Ba Đình lịch sử. Hỏi chuyện những người lính trẻ đang miệt mài luyện tập, họ bảo đây là cơ hội hiếm có trong đời quân ngũ, càng vinh dự hơn khi các anh được mang những ánh “Sao Vàng” lấp lánh từ vùng Đông Bắc tới trời thu Ba Đình rực nắng…
Nếu như cách đây gần 40 năm, những người lính Sư đoàn 3 chia tay về Bắc mà trong lòng còn day dứt khi chưa được “báo công” với đồng bào Bình Định, thì hôm nay, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 3 đang tiếp tục thể hiện sự lớn mạnh, trưởng thành, để đồng bào nơi vùng quê ân nghĩa ấy có thể vui mừng về một đơn vị từng lớn lên trên cánh rừng Bà Bơi năm xưa. Giờ đây, đời sống của cán bộ, chiến sĩ đã được cải thiện rất nhiều. Hôm chúng tôi tới thăm đơn vị, ai nấy đều ngạc nhiên khi thấy sư đoàn còn có xưởng sản xuất bánh mì để phục vụ bộ đội… Ngạc nhiên hơn khi chứng kiến chiến sĩ các phân đội “xài sang” bằng nước uống đóng chai. Hỏi chuyện mới hay, Sư đoàn 3 đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để xây dựng xưởng chế xuất nước uống tinh khiết, và nước đóng chai nhãn hiệu “Sao Vàng” chính là sản phẩm “của nhà làm ra”, một thức uống quen thuộc từ nhiều năm nay của cán bộ, chiến sĩ đơn vị. Họ “quen dùng” tới mức khi hàng trăm cán bộ, chiến sĩ sư đoàn đi hợp luyện diễu binh dài ngày tại Sơn Tây (Hà Nội), nguyện vọng “mang theo nước uống Sao Vàng” đã được chỉ huy sư đoàn đáp ứng, rồi đều đặn hai ngày một lần, những chuyến ô tô chở nước sạch, đá sạch và cả “kem tự chế”… đã được chuyển tới phục vụ. Sư đoàn trưởng Hà Quang Vinh cho biết: “Tính ra, công vận chuyển và các chi phí vẫn rẻ hơn so với mua ngoài, nhưng điều quan trọng là khi làm nhiệm vụ ở cách xa đơn vị hàng trăm cây số, anh em sẽ thấy ấm lòng khi “người nhà” dành cho mình sự quan tâm thiết thực”. Tới các trung đoàn, chúng tôi được biết, vào mùa nóng, bộ đội còn có một món giải khát độc đáo, đó là nước sấu ngâm do chiến sĩ thu hái từ những hàng sấu trĩu quả quanh khuôn viên đơn vị. Chưa kể, ở Trung đoàn 12, trong tháng trực chiến, thực đơn hằng ngày của anh em đơn vị còn có món đà điểu do đơn vị tự tăng gia…
Nhiều cán bộ, chiến sĩ sư đoàn hôm nay chưa có dịp trở lại vùng đất lửa Khu 5, nhưng họ hiểu 16 chữ vàng truyền thống “Trung dũng kiên cường, bám đất bám dân, tự lực tự cường, đoàn kết chiến thắng” của sư đoàn được viết nên bằng những gian khổ, hy sinh của các thế hệ cha anh, bằng sự hy sinh xương máu của hơn 22 nghìn liệt sĩ, hơn 10 nghìn thương binh. Và phẩm chất truyền thống ấy tiếp tục được phát huy, được cấp trên tin tưởng khi đơn vị thực hiện nhiệm vụ ở một địa bàn trọng yếu; đơn vị cũng luôn được Bộ Quốc phòng và Quân khu 1 đánh giá là một trong những điển hình của toàn quân về xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, nhiều lần được đón các đoàn khách trong và ngoài nước đến thăm, trao đổi kinh nghiệm...
Hỏi chuyện Trung tá Lê Văn Lưỡng, Trưởng ban Dân vận sư đoàn về việc phát huy truyền thống “bám đất, bám dân” trong giai đoạn mới, anh hào hứng kể với chúng tôi về những đợt ra quân giúp dân trong Phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới” ở hàng chục lượt xã của 7 huyện thuộc hai tỉnh: Bắc Giang, Lạng Sơn. “Những ngày này, hơn 100 cán bộ, chiến sĩ sư đoàn hiện đang lao động giúp dân tại xã Vạn Linh (huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn). Họ đã ở đó từ đầu năm 2015 để giúp đồng bào hạ con đèo Lũng Luông hiểm trở, ít tháng nữa, lính công binh sư đoàn sẽ hoàn thành việc cải tạo, san lấp, để nơi đây có một công trình mang đậm dấu ấn của tình đoàn kết quân-dân”, anh Lưỡng kể.
Hôm chúng tôi tới thăm Trung đoàn 12, cũng là lúc đơn vị và Tỉnh đoàn Lạng Sơn vừa tổng kết lớp học kỳ quân đội. Lớp học với sự tham dự của hơn 100 chiến sĩ nhí có cả "con gái rượu" của Sư đoàn trưởng Hà Quang Vinh. Từ thành phố Lạng Sơn, cô bé “tuổi teen” Hà Bảo Ngọc đã hào hứng tham dự khóa học 10 ngày mang tên “Thép đã tôi thế đấy”. Tại đây, Ngọc cùng bạn bè đã có những trải nghiệm đầu tiên về cuộc sống quân ngũ, được nghe những câu chuyện lịch sử của Sư đoàn Sao Vàng, một đơn vị vang danh trong các cuộc kháng chiến. Và hôm nay, bên dòng Thương giang lịch sử, những ánh sao vàng ấy đang tiếp tục lấp lánh, tỏa rạng giữa trời thu Đông Bắc…
Nguồn QĐND
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065