Chị Nguyễn Thị Mai thốt lên: “Trời ơi, phải báo lên cô hiệu trưởng ngay để làm cho ra lẽ chứ. Dạy trẻ đánh bạn như thế khác nào dạy trẻ hành xử bạo lực ngay từ bé. Nghe mà tức quá!”.
Nhưng anh Nguyễn Văn Ban lại mỉa mai: “Để cô dạy trẻ như thế biết đâu sau này mang tố chất anh hùng cũng tốt chứ sao?” Chị Lê Thị Thanh Xuân cau mày: “Con anh chưa bị đánh nên anh chưa thấy xót đấy! Nghĩ đến là “sôi máu” lên được. Nhưng nếu “làm ra ngô ra khoai” lại sợ con bị trù thì khốn khổ hơn. Khổ thân con, nghĩ đến cảnh cứ chìa má ra để bạn tát mà không dám la là mình thấy xót cả ruột”.
Nghe phụ huynh bàn tán, tôi cũng thấy hoang mang, về nhà hỏi con mới vỡ lẽ. Hóa ra đã lâu lắm rồi, con cũng nhiều lần bị bạn ngồi bên tát vào mặt, lấy thước gõ vào đầu chỉ vì cháu quay xuống bàn dưới hoặc quay sang bạn bên cạnh nói chuyện, hỏi bài... Con trai tôi nói: “Hôm qua, con bị bạn Hân dùng thước đánh vào đầu đau lắm!”, “Tại con nói chuyện phải không?”, “Không, con quay xuống mượn bút của bạn Tấn nhưng bạn Hân bảo quay lên rồi lấy thước đánh vào đầu con mấy cái liền. Đau quá nên con đấm vào tay bạn một cái, thế là bạn khóc”, “Cô giáo có nói gì không?”, “Bạn là con gái nên hay khóc nhè thôi chứ con đánh nhẹ mà. Bạn chỉ chảy nước mắt rồi lau luôn nên cô không thấy!”, “Sao về nhà con không nói chuyện này cho mẹ biết?”, “Về nhà con hết đau rồi nên nói làm gì?”.
Tôi vòng quanh xóm hỏi các bé đang học tiểu học để “test” nhanh về vấn đề này xem việc cô giáo cho phép bạn lấy thước kẻ vụt vào tay bạn viết chậm hoặc tát vào miệng bạn nói chuyện là cá biệt hay phổ biến thì 100% các bé đều xác nhận lớp mình có chuyện này. Cháu ngoan thì không bị bạn đánh nhưng việc được cô “trao quyền” thì khá hào phóng (?!). “Bạn Duyên tát vào miệng bạn Phú cho cô” - Tiến kể lại lời cô từng yêu cầu. Một bé đang học lớp 4 xác nhận: Lớp nào cháu cũng thấy cô giáo (khác nhau) cho phép bạn tát vào miệng bạn bên cạnh nếu nói chuyện. Theo những gì đang diễn ra có vẻ như các cô không còn bạo hành trẻ mà để học sinh tự “xử” nhau?!
Khác với mẫu giáo là chỉ biết ăn chơi, vô lo vô nghĩ thì việc vào lớp 1 là một sự thay đổi lớn, đánh dấu quá trình nhận thức, bước đầu của quá trình xây dựng tính cách ở trẻ. Vì vậy, không chỉ học con chữ, cách làm toán mà các bé còn như tờ giấy trắng để cô giáo vẽ vào đó bài học đạo đức đầu tiên. Với cách dạy bạo lực phản sư phạm như vậy các bé liệu có ngoan hiền, nghe lời?
Mọi người hẳn vẫn chưa quên sự việc xảy ra ngày 28-3-2016 tại lớp 4C, Trường tiểu học An Thạch, thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp mà nhiều báo đã phản ánh. Cô bé lớp 4 dùng ghế ném vào mặt bạn nam. Khi đó, bạn nam chỉ biết ôm gò người lại để tránh và khóc. Vậy mà bạn nữ vẫn tiếp tục đánh mắng, tát vào mặt bạn. Lúc xảy ra vụ việc, xung quanh có nhiều học sinh nhưng không ai bất bình, can ngăn mà còn cười đùa, cổ vũ, thậm chí dùng điện thoại quay phim. Và lúc đó, những người có trách nhiệm ở đâu? Một bé gái hành xử kiểu côn đồ như thế phải chăng có liên quan tới những cái tát được cô giáo “giao quyền” ngay từ khi đặt chân vào lớp 1?
Mới đây, tôi đến chơi nhà một người bạn. Đúng lúc bé đi học về và mách bị lớp trưởng dùng thước kẻ vụt vào tay làm thâm tím mà cô giáo cho bạn cái quyền ấy. Cô bạn tôi sừng sộ: “Sao con không đánh lại? Đấm luôn vào mặt, có gì mẹ chịu. Thằng bé ngớ người: “Con đánh bạn cho cô đánh con à?” Tôi biết cô ấy bức xúc vì thương con nhưng nếu đứa trẻ tin và hành động như lời mẹ dạy thì đại họa. Cách giáo dục bạo lực cả ở trường lẫn về nhà như thế thật đáng lo. Nhưng cũng chẳng phụ huynh nào vui nổi khi con mình được cô cho quyền tát vào mặt bạn. Có người còn cho đó là cách làm dã man, mất nhân tính đối với những đứa trẻ còn quá non nớt.
Các cháu còn quá nhỏ, không thể ý thức được việc đánh mạnh hay nhẹ vào bạn và đâu là chỗ hiểm cần tránh. Điều đó tiềm ẩn sự nguy hiểm khôn lường về sức khỏe, tính mạng. Đáng sợ hơn, cháu được giao đánh bạn sẽ hình thành tính cách “hung bạo”, còn cháu bị bạn đánh thì có tâm lý bất mãn, chán học. Cách giáo dục phản khoa học này không hề cá biệt ở một trường, thậm chí một tỉnh và cũng đã diễn ra nhiều năm. Vì vậy, mong rằng các trường cần chấn chỉnh để nếu trường “lỡ” có giáo viên dạy trẻ cư xử bằng nắm đấm thay vì tình yêu thương thì nên dừng lại trước khi lây lan thành “đại dịch”.
An Nhiên
*(Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi)
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065