Một số xã trên địa bàn huyện Lộc Ninh bước đầu có những cách làm hay, sáng tạo trong tuyên truyền, hướng dẫn người dân tiếp cận dịch vụ công trực tuyến.
MỖI XÃ MỘT CÁCH LÀM HAY
Ấp Chà Đôn, xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh có trên 300 hộ dân sinh sống, trong đó phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Mặc dù nhiều người ở đây biết sử dụng smartphone nhưng khi chúng tôi hỏi có biết kết nối, đăng nhập vào trang dịch vụ công trực tuyến để nộp hồ sơ điện tử không thì đa số đều lắc đầu. “Có hơn một nửa số hộ dân trong ấp chưa biết sử dụng công nghệ thông tin trong kết nối tìm kiếm thông tin và sử dụng dịch vụ công. Vì vậy, công chức xã phải đến tận nhà dân để hướng dẫn theo hình thức “cầm tay chỉ việc”, rồi người trẻ chỉ người lớn tuổi, người biết chỉ người chưa biết. Đến nay người dân biết và nộp hồ sơ trực tuyến ngày một tăng” - ông Đoàn Công Minh, Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Chà Đôn nói.
Dịch vụ công trực tuyến vẫn còn khá mới nên Lộc Ninh đang tập trung tuyên truyền để người dân nắm rõ các lợi ích và dễ dàng tiếp cận dịch vụ này
Xã Lộc Khánh có 53% số dân là đồng bào DTTS, trình độ dân trí thấp, sóng internet còn yếu là nguyên nhân khiến việc triển khai dịch vụ công trực tuyến chưa đạt như mong muốn. Do đó, làm sao để người dân biết và tiếp cận dịch vụ công là bài toán khó đối với lãnh đạo xã. Triển khai nhiều hình thức tuyên truyền phù hợp với nhận thức, khả năng tiếp thu của người dân, đặc biệt là đồng bào DTTS nên tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận trực tuyến mức độ 2, 3 ở lĩnh vực tư pháp - hộ tịch, thương binh - xã hội tại xã Lộc Khánh nâng lên rõ rệt.
Buổi sáng đầu tuần, bộ phận một cửa xã Lộc Điền, huyện Lộc Ninh có đông người dân đến giải quyết TTHC. Vừa tiếp nhận hồ sơ, công chức bộ phận một cửa vừa xoay màn hình máy tính lại chỉ cho người dân cách vào trang dịch vụ công và điền thông tin. Mặc dù được hướng dẫn tận tình nhưng người dân không phải ai cũng có thể thích ứng nhanh với công nghệ nên việc hướng dẫn nhiều lần nhưng nhiều người vẫn chưa sử dụng được là chuyện bình thường tại đây.
Người trẻ chỉ người lớn tuổi, người biết chỉ người chưa biết, đến nay người dân xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh rất hưởng ứng dịch vụ công trực tuyến
Chủ tịch UBND xã Lộc Điền Trần Thanh Quang chia sẻ: “Triển khai dịch vụ công trực tuyến từ ngày 19-5 đến nay, xã tiếp nhận 876 hồ sơ dịch vụ công mức độ 2, 3 ở các lĩnh vực tư pháp - hộ tịch, lao động - thương binh và xã hội. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, xã đang gặp rất nhiều khó khăn do phần mềm dùng chung rất chậm, thường xuyên bị “treo” vào giờ cao điểm, mạng internet yếu khiến người dân phải chờ đợi lâu. Ngoài giải pháp củng cố đường truyền, nâng cấp máy, bố trí con người phù hợp, xã đang cử cán bộ biết ngôn ngữ của đồng bào DTTS tới tận nhà để hướng dẫn, tuyên truyền theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” nên nhiều người từ không biết nay đã có thể tự lên mạng đăng ký tài khoản dịch vụ công”.
QUYẾT TÂM ĐƯA DỊCH VỤ CÔNG TRỰC TUYẾN ĐẠT CAO
Mặc dù là huyện biên giới có trên 20% số dân là đồng bào DTTS, Lộc Ninh đang quyết tâm đưa dịch vụ công trực tuyến đạt cao, điển hình có xã đang tiếp nhận 100% hồ sơ trực tuyến mỗi ngày như: Lộc Quang, Lộc Phú. Từ đầu năm đến nay, bộ phận một cửa điện tử trên địa bàn huyện Lộc Ninh tiếp nhận 6.688 hồ sơ, trong đó tiếp nhận trực tuyến 1.284 hồ sơ. Kết quả tiếp nhận, giải quyết TTHC nhìn chung nhận được phản hồi tích cực từ phía người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, dịch vụ công trực tuyến vẫn còn khá mới nên việc tập trung tuyên truyền vẫn là khâu chiến lược để người dân nắm rõ các lợi ích và dễ dàng tiếp cận, thực hiện dịch vụ hiện đại này.
Để người dân không chỉ tiếp cận mà còn thực hành luôn với dịch vụ này, xã Lộc Khánh thành lập các tổ tuyên truyền cải cách hành chính gồm 15 người. Mỗi tháng, thành viên trong tổ phân công nhau chia thành nhiều đợt đến tận nhà dân hoặc đến hội trường ấp hướng dẫn người dân tạo tài khoản, nộp hồ sơ trực tuyến và đăng ký giấy khai sinh cho trẻ em bằng dịch vụ công, giúp người dân tiếp cận và thực hành tốt. |
Chủ tịch UBND xã Lộc Khánh Trần Quang Vinh |
Ông Hoàng Văn Tình, Phó chánh văn phòng phụ trách Văn phòng HĐND-UBND huyện Lộc Ninh cho biết: Khai thác thế mạnh về Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Hoa Lư, chăn nuôi công nghiệp, lĩnh vực công nghiệp điện năng lượng mặt trời đang hình thành và phát triển... vì vậy bên cạnh tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, giải phóng mặt bằng, Lộc Ninh đẩy mạnh cải cách hành chính. Đây là giải pháp góp phần quan trọng trong thu hút đầu tư vào huyện.
Xác định cải cách hành chính là nhiệm vụ thường xuyên, cải cách liên tục cho phù hợp với thực tế để mang lại nền hành chính tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp, nhiệm kỳ 2020-2025, huyện Lộc Ninh đưa ra mục tiêu thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đạt 50% và mức độ 4 đạt 25% tổng số TTHC. Để đạt mục tiêu này, cần sự đồng lòng, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phát huy vai trò của người đứng đầu, đặc biệt là ý thức chủ động trở thành công dân điện tử từ phía người dân.
Triển khai dịch vụ công trực tuyến thì mỗi địa bàn có đặc thù, khó khăn riêng. Tuy nhiên, để tăng tốc rất cần có sự kiên quyết trong lãnh đạo, chỉ đạo, sự nhạy bén, linh hoạt của người đứng đầu. Nơi nào người đứng đầu vào cuộc thật sự thì nơi đó có kết quả cao. Đó cũng là điều chúng tôi cảm nhận rất rõ trong quá trình thực hiện bài viết này tại Lộc Ninh.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065