Nâng cao ý thức từ thùng rác thông minh
Đó là ý tưởng sáng tạo của em Đào Lan Giang, học sinh Trường THPT Nguyễn Du (Đồng Xoài). Giang cho biết, rác thải đang là vấn đề nan giải, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống và sức khỏe mọi người. Nhưng nhiều người vẫn chưa nhận thức được tác hại của việc xả rác bừa bãi, dù đã có nhiều dự án, chương trình tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức cho người dân. Giúp học sinh trong trường hình thành thói quen bỏ rác đúng nơi quy định là việc làm cần thiết. Qua phân loại rác giúp các bạn thể hiện trách nhiệm của bản thân trước vấn đề chung của xã hội, quan trọng hơn là giáo dục và hình thành thói quen tốt. Hiểu điều đó, em đã nghiên cứu, sáng tạo “Thùng rác thông minh trong trường học” - em Giang chia sẻ.
Em Đào Lan Giang thuyết trình sản phẩm tại vòng chung khảo cuộc thi
Mô hình này rất đơn giản gồm: 4 bộ cảm biến đồ vật được gắn ở 2 ngăn phân loại rác; một số loại chai nhựa để bộ cảm biến nhận biết; loa giúp mọi người biết mình bỏ rác đúng hay chưa; thùng gỗ chia làm 2 ngăn đựng rác thải tái chế và không tái chế. Với nguyên lý hoạt động khi bỏ rác vào, bộ phận cảm biến gắn trong thùng rác sẽ nhận biết các đồ vật ở ngăn rác thải tái chế (nhựa, sắt...). Khi phát hiện đúng loại rác, loa ở thùng sẽ phát ra tiếng “cám ơn” và rác tự động rơi xuống ngăn chứa. Nếu không bỏ đúng loại rác, loa sẽ phát ra tín hiệu nhờ chuyển qua ngăn bên cạnh, hệ thống sẽ không tự bỏ rác xuống ngăn chứa. “Việc áp dụng mô hình này ở trường, nhất là bậc mầm non sẽ kích thích học sinh phân loại khi bỏ rác, từ đó hình thành thói quen ngăn nắp” - em Giang nói.
chiếc máy “3 trong 1”
Nhận thấy người nông dân gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình phun thuốc trừ sâu, cỏ và bón phân cho cây trồng nên em Nguyễn Nguyên, học sinh Trường THPT Lộc Thái (Lộc Ninh) cùng những người bạn của mình đã chế tạo thành công chiếc máy “3 trong 1”. Em Nguyên cho biết, những năm qua, cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp được chú trọng. Nhiều loại máy móc, thiết bị được sử dụng thay thế lao động thủ công, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất. Chính vì thế em đã sáng tạo chiếc máy tự động bón phân, phun thuốc trừ sâu và diệt cỏ cho cây trồng.
Em Nguyễn Nguyên (trái) cùng bạn chia sẻ cách sáng tạo máy tự động bón phân, phun thuốc trừ sâu và diệt cỏ
Nguyên liệu để làm chiếc máy gồm: Mô-tơ, nguồn điện, trung tâm điều khiển, cần phun có bố trí péc... Chiếc máy này hoạt động dựa trên ipad (máy tính bảng) hay laptop (máy tính xách tay) để điều khiển bằng tay. Chức năng gồm 4 bánh xe để dễ di chuyển, hai bên thân máy có gắn cảm biến nhận biết cây trồng (nếu có cây ở hai bên máy sẽ dừng lại và tự động đưa cần lên phun thuốc). “Sản phẩm này được em hoàn thành trong 3 tháng (từ tháng 2 đến 5-2018). Chiếc máy ra đời giúp nông dân và người sản xuất tiết kiệm thời gian, chi phí, đặc biệt giảm tác hại của thuốc bảo vệ thực vật đối với sức khỏe con người” - em Nguyên nói.
sấy nông sản bằng năng lượng mặt trời
Qua thực tế cho thấy, việc phơi nông sản của người nông dân còn theo phương pháp thủ công và chưa đảm bảo vệ sinh, nhóm học sinh Trường THCS Lộc Thành gồm: Trần Thị Ngọc Anh, Nguyễn Thiện Phú, Đỗ Văn Tài, Nguyễn Trương Kim Yến và Hồ Thị Minh Hợp đã cùng nhau sáng tạo thành công sản phẩm “Máy sấy nông sản dùng năng lượng mặt trời”. Em Yến cho biết, máy sấy nông sản là thiết bị chuyên dùng sấy khô các loại thực phẩm, nông sản trong quá trình chế biến. Với các lợi ích mang lại như: nông sản được sấy khô đều, không bị ẩm mốc vào mùa mưa, nhất là đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như không tốn thời gian, công sức của người nông dân.
Em Nguyễn Trương Kim Yến (trái) cùng bạn thuyết trình sản phẩm trước hội đồng ban giám khảo cuộc thi
Với sản phẩm này, ánh sáng mặt trời sẽ chiếu xuyên qua lớp kính trong suốt là bộ phận thu nhiệt. Bộ phận này gồm các loại vỏ lon nước ngọt được dán lại tạo thành những gợn sóng. Lúc này, tấm kính hấp thụ nhiệt từ ánh sáng mặt trời truyền vào trong buồng sấy, nhờ “đối lưu” không khí nóng sẽ truyền nhiệt lên các khay sấy bên trong buồng sấy phía trên giúp làm khô sản phẩm. Tiếp đến hơi nước thoát ra khỏi bề mặt sản phẩm sấy thông qua lỗ thoát khí bên trên bay ra ngoài.
Theo đánh giá, từ các vật dụng tái chế trong sinh hoạt như bìa các-tông, miếng tôn mỏng, tấm kính nhỏ, vài đoạn sắt và vỏ lon nước ngọt... với trị giá vài chục ngàn đồng, các em đã sáng tạo ra mô hình sản phẩm hữu ích. Nếu mô hình này được nghiên cứu thêm để đưa vào ứng dụng trong thực tế sẽ giải được bài toán xử lý nông sản sau thu hoạch nâng cao giá trị sản phẩm, đem lại lợi ích cho nhà nông.
Trường Giang
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065