Nhiều đổi mới
Là giáo viên cốt cán của Sở GD-ĐT được cử tham gia đợt tập huấn về chương trình GDPT do Bộ GD-ĐT tổ chức trong 3 ngày cuối tháng 5 vừa qua, cô Phạm Thị Lan, Khối trưởng khối 2 Trường TH&THCS Tân Lợi (Đồng Phú) chia sẻ: Đối với chương trình hiện hành thì học sinh hiểu được những gì. Còn chương trình GDPT học sinh phải làm được gì. Tức chương trình GDPT mới tập trung chú trọng phát triển năng lực, phát huy quyền làm chủ, sáng tạo của học sinh. Đây là sự khác biệt, đổi mới của đợt thay sách trong năm học tới đối với lớp 1.
Trường tiểu học Đa Kia A, huyện Bù Gia Mập đảm bảo đủ điều kiện thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trong ảnh: Học sinh Trường tiểu học Đa Kia A trong giờ học
Hoàn thành khóa tập huấn về chương trình GDPT tổng thể do Bộ GD-ĐT tổ chức dành cho cán bộ quản lý, cô Nguyễn Thị Hải, Hiệu phó Trường tiểu học (TH) Tân Phú (Đồng Phú) đánh giá: Về mục tiêu giáo dục, chương trình GDPT tiếp tục được xây dựng trên quan điểm coi mục tiêu GDPT là giáo dục con người toàn diện, giúp học sinh phát triển hài hòa về đức, trí, thể, mỹ. Về phương châm giáo dục, chương trình GDPT kế thừa các nguyên lý giáo dục nền tảng như “học đi đôi với hành”, “lý luận gắn liền với thực tiễn”, “giáo dục ở nhà trường kết hợp với giáo dục ở gia đình và xã hội”. Về thời lượng và hệ thống môn học cũng có nhiều thay đổi, như đối với lớp 1 môn Toán giảm từ 4 tiết còn 3 tiết/tuần, môn Tiếng Việt tăng từ 11 tiết lên 12 tiết/tuần; đồng thời có thêm hoạt động trải nghiệm là môn học bắt buộc.
Cô Hải cho rằng, để dạy học đạt hiệu quả cao, trước hết giáo viên phải thay đổi nhận thức, tư duy, luôn năng động, sáng tạo trong đổi mới phương pháp dạy học, giảm thuyết trình, tăng thời lượng thực hành, trải nghiệm. Đặc biệt, dù mục tiêu giáo dục là giống nhau nhưng mỗi lớp có cách soạn giáo án, trình bày khác nhau, phù hợp khả năng tiếp nhận của từng đối tượng học sinh.
Đa dạng cách chọn sách
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, để lựa chọn sách giáo khoa (SGK) lớp 1 đưa vào giảng dạy từ năm học 2020-2021, mỗi trường sẽ thành lập một hội đồng lựa chọn. Trong quá trình chọn lựa, các thành viên nghiên cứu, thảo luận, đánh giá, bỏ phiếu kín lựa chọn một đầu SGK cho mỗi môn học để báo cáo hội đồng. Trên cơ sở đề xuất của hội đồng, người đứng đầu cơ sở GDPT quyết định danh mục SGK để sử dụng. Đồng thời, công bố công khai danh mục sách sử dụng trong cơ sở GDPT trước khi bắt đầu năm học mới ít nhất 4 tháng. 5 bộ SGK để các trường lựa chọn gồm: Kết nối tri thức với cuộc sống; Chân trời sáng tạo; Cùng học để phát triển năng lực; Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục; Cánh diều.
Thầy Nguyễn Ngọc Thành, Hiệu trưởng Trường TH Long Hưng (Phú Riềng) chia sẻ: “Trường thành lập hội đồng gồm Ban giám hiệu, một số giáo viên cốt cán và đại diện hội cha mẹ học sinh. Các thành viên hội đồng nghiên cứu, thảo luận 5 bộ sách, sau đó bỏ phiếu chọn 1 bộ. Hiện nhà trường đã chọn bộ sách “Chân trời sáng tạo” do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành”. Đây cũng là cách chọn của 17/17 trường TH, TH&THCS trên toàn huyện Phú Riềng. Tương tự, tại thành phố Đồng Xoài, phần lớn các trường chọn bộ sách “Chân trời sáng tạo”.
Khác với các trường học ở Phú Riềng, Đồng Xoài, việc lựa chọn SGK lớp 1 ở các trường học trên địa bàn khác rất đa dạng. Thầy Nguyễn Hoàn, Hiệu trưởng Trường TH&THCS Tân Lợi cho biết: Trường có 55% học sinh dân tộc thiểu số. Sau khi nghiên cứu, thảo luận, hội đồng đã bỏ phiếu chọn theo môn học chứ không chọn nguyên bộ. Cụ thể, bộ sách “Cánh diều” chọn các môn: Toán, tiếng Việt, Đạo đức, Hoạt động trải nghiệm, Giáo dục thể chất, Tự nhiên và Xã hội; bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống” chọn môn Âm nhạc; bộ “Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục” chọn môn Mỹ thuật.
Tương tự, tại Trường TH Tân Phú (Đồng Phú) cũng chọn theo từng môn. Cụ thể, bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống” chọn các môn Toán, Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội; bộ sách “Chân trời sáng tạo” chọn các môn tiếng Việt, Hoạt động trải nghiệm; bộ “Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục” chọn môn Mỹ thuật; bộ “Cánh diều” chọn các môn Giáo dục thể chất và Âm nhạc. Huyện Bù Gia Mập có 17 trường thì 10 trường chọn bộ “Kết nối tri thức với cuộc sông”, 7 trường chọn bộ “Chân trời sáng tạo”.
Áp lực đối với Đồng Xoài
Thầy Trần Thanh Thắng, chuyên viên phụ trách khối TH Sở GD-ĐT cho biết: Theo lộ trình, chương trình GDPT chính thức khởi động từ năm học 2020-2021 đối với lớp 1; năm học 2021-2022 với lớp 2 và lớp 6. Cứ như vậy, mỗi năm thêm một khối lớp, đến năm học 2024-2025 với các khối lớp 5, 9 và 12. Năm học tới chỉ thực hiện ở khối lớp 1 nên các trường sẽ tập trung và ưu tiên điều kiện cần thiết như đảm bảo đủ 100% phòng học để dạy 2 buổi/ngày, đảm bảo đủ 1,5 giáo viên/lớp và đảm bảo sĩ số học sinh không quá 35 em/lớp.
Việc tập trung, ưu tiên cho lớp 1 năm học tới, đặc biệt là đảm bảo không quá 35 em/lớp gây không ít khó khăn đối với khu vực có sự gia tăng học sinh cơ học nhanh như thành phố Đồng Xoài. Thầy Bùi Viết Lộc, Trưởng phòng GD-ĐT thành phố cho biết: Mỗi năm từ bậc mầm non đến THCS thành phố tăng trung bình 1.000 học sinh, tương đương 1 trường học, với khoảng 43 giáo viên. Tuy nhiên, thực hiện tinh giản biên chế nên giáo viên đứng lớp không được bổ sung, trong khi đó, số lượng nhân viên cấp dưỡng, bảo vệ bị cắt giảm gây khó khăn cho việc chăm sóc, nuôi dưỡng học sinh tại các trường. Năm 2019 được bổ sung 51 biên chế, tháo gỡ một phần khó khăn cho ngành.
Dự kiến năm học 2020-2021 thành phố có 2.766 học sinh lớp 1. Những năm học trước, số lượng học sinh lớp 1 sẽ được biên chế thành 71 lớp, tương đương gần 40 em/lớp. Tuy nhiên, thực hiện chương trình GDPT năm học tới sẽ biên chế thành 80 lớp/120 giáo viên, bình quân 35 em/lớp. Dự kiến năm học tới, bậc TH thành phố thiếu 76 giáo viên, gồm 26 giáo viên TH, 7 Âm nhạc, 10 Mỹ thuật, 13 Giáo dục thể chất, 9 tiếng Anh, 11 Tin học.
Thầy Bùi Viết Lộc cho rằng: Nếu năm học tới không biên chế thêm giáo viên sẽ rất áp lực cho ngành giáo dục thành phố. Chủ trương của ngành là vẫn giữ nguyên sĩ số các lớp khối 2, 3, 4, 5 như cũ, tuy nhiên sẽ có một số điều chỉnh, như tăng giờ làm thêm của giáo viên từ nguồn kinh phí của cha mẹ học sinh, lớp học 10 buổi/tuần có thể giảm còn 8 buổi/tuần... Chủ trương của ngành là tìm mọi giải pháp để ổn định dạy học, không xáo trộn, đáp ứng nhu cầu của phụ huynh, học sinh.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065