BP - Những năm qua, các cấp, ngành trong tỉnh đã triển khai nhiều phương án ứng phó thiên tai linh hoạt, kịp thời. Trước dự báo về tình hình mưa bão năm 2018 sẽ diễn biến phức tạp mà Việt Nam là nước chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nhất, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh đã chỉ đạo, huy động các cấp, ngành chủ động ứng phó. Trọng tâm là khoanh vùng bảo vệ nhân dân khu vực dễ bị ảnh hưởng và thực hiện các giải pháp khắc phục thiệt hại về cây trồng phù hợp.
Phát huy phương châm “4 tại chỗ”
Theo đánh giá của Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, năm 2017, công tác phòng chống thiên tai được triển khai quyết liệt, đồng bộ, kịp thời từ phòng ngừa, chỉ huy ứng phó đến khắc phục hậu quả. UBND tỉnh, Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị, huyện, thị xã thực hiện tốt công tác PCTT&TKCN, nhất là vận dụng linh hoạt và hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”. Toàn tỉnh huy động tổng lực người, phương tiện, cơ sở vật chất, ứng cứu kịp thời, cứu người trước, cứu tài sản sau, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhân dân. Khi xảy ra thiên tai, UBND tỉnh, ban chỉ huy đã thành lập đoàn công tác tới các huyện, thị xã, xã, phường... bị thiệt hại trực tiếp chỉ đạo khắc phục hậu quả; kịp thời thăm hỏi động viên các gia đình có người bị thương, bị chết, nhà sập hoàn toàn, đồng thời hỗ trợ bước đầu giúp người dân giảm bớt khó khăn.
Các lực lượng vũ trang giúp dựng lại trụ tiêu bị ngã đổ do lốc xoáy cho người dân ấp 8, xã Lộc An (Lộc Ninh) - Ảnh: P.Thảo
Năm qua, cả nước bị ảnh hưởng bởi 16 cơn bão và 4 đợt áp thấp nhiệt đới trên biển Đông, đổ bộ vào đất liền gây thiệt hại lớn. Bình Phước tuy không chịu ảnh hưởng trực tiếp nhưng tình hình lũ lụt, giông, lốc, xoáy, sét... xảy ra nhiều hơn so với những năm trước, làm 3 người chết, 3 người bị thương... Tổng thiệt hại ước tính 38,8 tỷ đồng. Trước tình hình đó, ngành giao thông vận tải huy động các lực lượng, phương tiện khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông được thông suốt; Bộ CHQS tỉnh, Công an tỉnh, các hội, đoàn thể huy động 1.500 công lao động, cùng nhân dân khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra. Từ nguồn quỹ phòng chống thiên tai ba cấp và đóng góp của nhân dân, toàn tỉnh đã chi 2,174 tỷ đồng khắc phục hậu quả, đồng thời hỗ trợ nhân dân vùng bị ảnh hưởng.
Tăng cường dự báo và chủ động ứng phó
Huyện Lộc Ninh chịu thiệt hại nặng nhất từ 9 đợt lốc xoáy trong năm 2017. Những đợt lốc xoáy đầu năm 2018 tuy không gây thiệt hại về người nhưng nhân dân tiếp tục bị ảnh hưởng và thiệt hại về hoa màu, tài sản. Ngay sau khi xảy ra lốc xoáy, các cấp chính quyền đã tổ chức kiểm tra, chỉ đạo nhân dân khắc phục hậu quả theo phương châm “4 tại chỗ” và tăng cường giải pháp nâng cao chất lượng công tác PCTT&TKCN. Ông Nguyễn Gia Hòa, Phó chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh cho biết: Lực lượng tham gia PCTT&TKCN của huyện thường xuyên huấn luyện việc sử dụng ca nô trên sông Măng để bảo vệ tính mạng của chính người đi ứng cứu và nâng cao hiệu quả tìm kiếm cứu nạn; lồng ghép tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong xử lý tình huống khi thiên tai xảy ra để bảo vệ tính mạng, tài sản.
Tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân từ việc đặt biển cảnh báo tại công trình thủy lợi hồ Bàu Úm (thuộc địa phận thị xã Bình Long và huyện Hớn Quản)
Ông Nguyễn Quốc Dũng, Phó chủ tịch UBND huyện Phú Riềng cho rằng, cần trích lại 30% của Quỹ phòng chống thiên tai tại huyện. Hiện nguồn kinh phí cho công tác này chỉ đủ chi khắc phục sau thiên tai, chưa có kinh phí vận hành ca nô thường xuyên để chạy thử, thực hành diễn tập, chủ động ứng phó khi có yêu cầu và sửa chữa, bảo dưỡng trang thiết bị. Các cấp chính quyền và lực lượng đã kịp thời ứng cứu khi xảy ra thiên tai, nhưng việc hỗ trợ kinh phí cho nhân dân bị thiệt hại do thiên tai gây ra còn chậm...
Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn tỉnh, năm 2018, các sông, suối trên địa bàn tỉnh có thể xảy ra ngập lụt tại một số vị trí trọng điểm, như: Đăng Hà (Bù Đăng); một số nơi thuộc 3 phường Tân Đồng, Tân Thiện, Tân Xuân của thị xã Đồng Xoài; khu vực các xã dọc 2 bên suối Rạt (Đồng Phú); khu vực cầu Cần Lê giáp ranh thị xã Bình Long và huyện Lộc Ninh... Nhằm giảm thiệt hại về người, tài sản do thiên tai gây ra trong năm 2018, ngay từ đầu năm, Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã tổ chức kiểm tra an toàn các công trình thủy lợi, kịp thời đề xuất sửa chữa, xây dựng mới đảm bảo công tác phòng chống thiên tai; thực hiện nghiêm trực ban các cấp trong mùa mưa lũ; nâng cao chất lượng thông tin, dự báo, cảnh báo; nâng cao năng lực tiềm kiếm cứu nạn khi thiên tai xảy ra; tuyên truyền, vận động để mọi tổ chức, đoàn thể và nhân dân nhận thức sâu sắc về nguy cơ do lũ lụt gây ra, chủ động di dời người và tài sản tại những vùng thường xuyên bị ngập lụt khi có mưa lớn...
Tại hội nghị tổng kết công tác PCTT&TKCN năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018, Phó chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Anh Minh đánh giá, dù không phải là tỉnh chịu ảnh hưởng thiên tai trực tiếp như các tỉnh khác trên cả nước, nhưng trên địa bàn Bình Phước đã xảy ra thiệt hại về người. Điều đó cho thấy vẫn còn nhiều hạn chế trong phương án PCTT&TKCN. Vì vậy, cần phải theo dõi sát sao hơn, phối hợp tốt trong công tác này, giảm tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra trong thời gian tới. Phó chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở, ngành phối hợp đào tạo, khắc phục tình trạng chưa có bằng lái ca nô vẫn tham gia lái cứu hộ; việc tập trung sửa chữa hồ đập, nạo vét lòng hồ trên địa bàn tỉnh chưa được thực hiện do thiếu kinh phí. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, tham mưu Chính phủ về việc hỗ trợ nông dân trồng điều bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thiên tai. Ngành giao thông vận tải chủ động phối hợp các huyện, thị xã rà soát, đánh giá thực trạng cầu treo trên địa bàn, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và đề xuất giải pháp, biện pháp đảm bảo an toàn khi lưu thông qua những cầu treo dân sinh. Việc tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức của nhân dân về ứng phó, khắc phục thiên tai phải thực chất hơn, hướng đến đối tượng cần thiết và không làm theo kiểu hình thức bằng cách huy động cán bộ, công chức đi dự cho đủ số lượng...
Mai Ly
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065