Về nơi ong rừng xây tổ
Trong cái nắng bỏng rát của 1 ngày cuối tháng 4, vượt chặng đường hàng trăm cây số, chúng tôi đến nhà anh Phùng Minh Tuấn (sinh năm 1985, ngụ thôn 3, xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp). Theo những thợ săn mật ong trong vùng, anh Tuấn sở hữu khả năng đọc được đường đi và vị trí ong rừng hút mật làm tổ.
Bên ly trà còn nóng hổi mời khách, anh Tuấn cho biết, anh lập gia đình nhưng do không có vườn rẫy nên đi làm công nhân cạo mủ cao su cho nông trường và các hộ dân trong xã. Thu nhập cả hai vợ chồng kiếm được chẳng là bao trong khi chi phí cuộc sống tăng cao. Công việc cạo mủ của anh trong năm chỉ kéo dài 9 tháng, 3 tháng còn lại phải kiếm việc khác để mưu sinh. Thấy vùng đất Bình Phước với lợi thế có nhiều khu rừng tự nhiên, rừng cao su bạt ngàn và hàng ngàn vạt điều xanh tốt là điểm đến lý tưởng của những đàn ong, anh Tuấn bàn với các bạn lập nhóm đi săn mật ong rừng.
Để tìm được tổ ong không phải dễ, những thợ săn mật ong rừng có khi phải lặn lội cả tháng trời mới kiếm được. Trong ảnh, các thợ săn đi tìm tổ ong
Tờ mờ sáng, khi những giọt sương còn đọng trên lá, cùng anh Tuấn và 2 thợ rừng khác, chúng tôi mang theo một số vật dụng để đựng tổ ong leo lên chiếc xe cà tàng chạy men theo con đường đất đỏ bắt đầu hành trình khám phá mật ong rừng. Chạy khoảng 20km, chúng tôi tới một khu rừng cây cối rậm rạp, gần bên một khe suối kế xã giáp ranh. Xa xa lẫn trong sương mù vẫn nghe được tiếng vỗ cánh phành phạch cùng tiếng gáy ngân vang đầy uy lực của những chú gà rừng.
Anh Tuấn quay sang nói: “Dạo này thợ săn nhiều quá nên ong cũng ít về. Nhưng yên tâm đi, mấy ngày trước tôi có theo dõi hướng bay của ong rừng sau khi lấy nước từ các bàu bên khe suối. Nhất định hôm nay phải lấy được vài lít mật”. Dừng xe, lội bộ vào một quãng, anh Tuấn phát hiện trên cây gỗ rừng cao vút có một tổ ong. Ra dấu hiệu cho mọi người đi cùng lùi ra xa vị trí ong xây tổ, anh Tuấn mặc thêm áo gió, đội mũ vải đã chế thêm tấm lưới bảo vệ mặt và vùng đầu. Trong chốc lát, đôi tay chắc như lim, gân guốc của người thợ rừng nhanh như cắt bám vào thân cây rồi trèo lên vị trí ong làm tổ. Qua một hồi “ngắm nghía”, anh Tuấn nói vọng xuống: “Ong mới về nên chừa lại, dành hôm sau” rồi mau chóng tuột xuống gốc. Anh Tuấn cho biết thêm, hôm nay bầy ong “đi vắng” nên không có con nào “đánh” mình; cũng do chưa làm gì gây tiếng động nên bầy ong chưa kéo về.
Hơn 7 giờ sáng, mặt trời bắt đầu lên cao, từng tia nắng ban mai chiếu xuống khiến cả vạt rừng bừng sáng. Tiếp tục lội sâu vào trong, men theo một con suối nước chảy róc rách, anh Tuấn dừng lại nói: “Đúng vị trí này rồi, bảo đảm bầy ong hôm trước tôi theo dõi chỉ làm tổ quanh đây”. Nghe vậy, cả nhóm tươi tỉnh hẳn và tiếp tục leo lên bờ một con suối rồi đi tiếp. Qua gần 100m, bất ngờ mọi người nghe thấy có âm thanh lạ trong tiếng “nhạc rừng”. Bước thêm một quãng nữa và chẳng cần phải đợi lâu, một tổ ong lớn lủng lẳng ở trên cao bám vào nhánh lớn của cây cổ thụ già. Lập tức, anh Tuấn với chiếc thùng nhựa và con dao trong tay nhanh chóng trèo lên để cắt tổ ong rừng. “Tổ ong khoái các ông à, lần này trúng rồi. Nhưng tổ ong lớn quá, to như cái mâm nên không thể cắt trên cây cao thế này được. Tung dây thừng lên đây cho tôi” - anh Tuấn yêu cầu. Sau đó rất nhanh, anh Tuấn cắt xong nhánh cây có tổ ong đang bám rồi dùng sợi dây thừng cột chặt vào nhánh cây nơi ong làm tổ. Đang từ từ thả xuống mặt đất thì bất ngờ đàn ong hàng ngàn con vù vù tấn công xối xả lên toàn thân người thợ rừng. Song, đã chuẩn bị kỹ nên đàn ong chỉ chích được vài chỗ ở bàn chân của anh Tuấn. Bước tiếp theo, nhóm chúng tôi bẻ từng nhánh củi khô ven rừng bọc trong lá tươi rồi dùng lửa đốt hơ quanh tổ ong mật. Cách làm này để bầy ong hoảng sợ bay đi nơi khác. Chừng 20 phút sau, cả ngàn con ong từ từ rút khỏi. Phần việc sau đó là cắt bầu mật của tổ ong bỏ vào thùng nhựa. Trong lúc cắt bầu mật, những thợ rừng cũng không quên để lại “tàn tổ ong” rồi tiếp tục trèo lên cây dọn sạch để vào chỗ cũ. Theo các thợ rừng, khoảng 20 ngày sau quay lại có thể bắt thêm được đợt mật ong nữa. Hoàn tất công việc, thu gom vật dụng, cả nhóm đưa mật về nhà một khách hàng đã đặt trước. Do khách hàng khó tính nên nhóm thợ rừng phải giữ nguyên bầu mật để bán. Với giá 800 ngàn đồng/lít, nhóm thợ rừng gồm 3 người bán được 9 lít mật ong, thu 7,2 triệu đồng chia nhau.
Hiểm nguy rình rập
Cùng đi hôm đó có anh Nguyễn Văn Hiếu (sinh năm 1981, ngụ xã Thiện Hưng). Giống anh Tuấn, anh Hiếu làm nghề này được 5 năm. Anh cho biết: “Hên thì gặp được nhiều, xui thì đi vài ngày cũng về tay không. Có khi cả tháng chẳng kiếm được một tổ, khi thì đi một lát gặp tổ lớn kiếm 3-4 triệu mỗi ngày”. Anh Hiếu cho biết thêm, những lúc đàn ong không về, các nhóm thợ rừng trong vùng phải lặn lội khắp các khu rừng, lô cao su, từng vạt điều trên địa bàn tỉnh Bình Phước; sang cả Tây Ninh để săn tìm ong mật. “Không ít chuyến đi kéo dài hàng tháng trời vẫn không có kết quả. Nghề này ngoài chăm chỉ còn trông chờ vào vận may nữa” - anh Hiếu cười nói.
Hiểm nguy thường rình rập với những thợ săn ong rừng. Trong ảnh, anh Tuấn vừa mang vác nhiều dụng cụ vừa leo cây để bắt ong
Mặc dù vậy, không phải là không có cách nhận biết phương hướng và vị trí của những đàn ong về xây tổ. Anh Quách Văn Năng (sinh năm 1990, ngụ xã Thiện Hưng) cho biết săn mật ong trong rừng thì cứ lần theo các bàu nước, bởi ong thường đến các nơi này lấy nước. Sau khi phát hiện thì đi theo hướng bay của đàn ong cho đến khi gặp vị trí chúng xây tổ. Bằng cách này, thợ rừng sẽ không sợ lạc mất dấu hay quên vị trí. Còn săn mật ong trong lô cao su, hay vạt điều thì vô phương hướng, cứ nhằm theo lô mà tìm. Đặc biệt, khu vực đó phải vào mùa các loài hoa đang bung nở, đua nhau khoe sắc mới có ong về.
Anh Năng cho biết thêm, ong có nhiều loại như ong ruồi, ong khoái, ong vú, ong long... Trong đó, mật ong vú - loài ong nhỏ hơn cả con ruồi là tốt nhất; còn loài ong khoái dữ tợn thường làm tổ theo hướng ánh mặt trời chiếu xuống và sẵn sàng tấn công bất ngờ. Do đó, trong những lần lấy mật ong khoái, thợ săn bị tấn công hàng trăm mũi là chuyện bình thường. Có người không chịu được nọc độc của ong khoái nên hạ huyết áp nhanh phải nhập viện. Ngoài ra, do phải thường xuyên leo trèo trên cây cao nên không ít thợ săn mật ong rừng bị té dẫn tới chấn thương. Do đó, nghề săn mật ong rừng luôn tiềm ẩn những rủi ro, hiểm nguy.
Theo những thợ săn mật ong rừng, tùy mùa mưa đến sớm hay muộn mà “mùa ong rộ” sớm hay trễ. Thường thì cao điểm vào mùa khô khoảng tháng 3-4, đến mùa mưa ong bị ướt không bay đi hút mật được và tổ cũng bị phá do mưa dông, gió lốc... Do đó, việc đốt lửa để hơ tổ ong đánh đuổi sự tấn công của cả ngàn con ong rừng trong mùa khô cũng vô cùng nguy hiểm. Bởi một mồi lửa rớt xuống sẽ khiến cả vạt rừng bốc cháy ngùn ngụt, không thể cứu chữa. “Ý thức được vấn đề này nên những người thợ săn luôn đi theo nhóm. Khi hơ lửa bắt mật sẽ có người canh chừng để dọn dẹp và dập lửa, phòng cháy lan vào rừng” - anh Năng nói. Hiện trên thị trường “vàng thau lẫn lộn” rất khó phân biệt mật ong nguyên chất và mật pha. Do đó, người tiêu dùng cần tìm tới những mối lâu năm, uy tín để mua.
Trước lúc chia tay, chúng tôi thắc mắc: “Sao các anh không chọn một nghề có tính lâu dài, bớt nguy hiểm và ổn định hơn?”, thì được những thợ săn mật ong rừng trả lời: Gia đình đỡ khó khăn sẽ kiếm công việc khác.
Đức Trung
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065