Tính ứng dụng cao, kinh phí thấp
Lần đầu tham gia nhưng nhóm tác giả Đinh Duy Lê và Lê Hoàng Trung, học sinh lớp 12A5, đã xuất sắc đạt giải nhì cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh năm học 2018-2019, với mô hình Hệ thống chữa cháy tự động. Đây là sản phẩm thuộc lĩnh vực kỹ thuật cơ khí. Em Trung cho biết: Khi nhiệt độ khoảng từ 45-50OC, có khói và phát hiện lửa thì hệ thống thông báo sẽ phát âm thanh báo động, bộ cảm biến nhiệt tiếp nhận báo về hệ thống điều khiển và chữa cháy tự động. Hệ thống chữa cháy tự động nhằm góp phần giảm thiệt hại về người và của trong những vụ hỏa hoạn; báo động cho con người biết có cháy để kịp thời ứng biến. “Hệ thống chữa cháy tự động còn một số hạn chế cần khắc phục như: nâng cấp bộ cảm biến nhiệt; xác định tọa độ xảy ra cháy...” - đồng tác giả Đinh Duy Lê cho hay.
Nhận thấy những ảnh hưởng trực tiếp của bụi phấn tới giáo viên và học sinh cũng như bất tiện trong việc lau bảng, nhóm tác giả Lý Gia Hương và Lữ Hoàng Nhân, lớp 12A9, đã nghiên cứu, chế tạo ra máy lau bảng bán tự động, được làm từ những vật liệu tái chế ít tốn kém, hiệu quả cao. Mô hình đạt giải tư lĩnh vực kỹ thuật cơ khí tại cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh lần 6. Em Hương cho biết: “Vật liệu chính làm máy lau bảng bán tự động là bánh răng, xích tải được tái sử dụng; hệ thống điều khiển, nguồn DC 12V, môtơ giảm tốc 12V dùng được cho bảng xanh viết phấn và cả bảng dùng bút lông. Ưu điểm của máy là giúp lau bảng tự động thông qua hệ thống điều khiển. Muốn lau bảng thì bấm nút start để lau. Thanh quét đi đâu bảng sẽ được lau đến đó và khi đến hết bảng, nó sẽ chạm vào tiếp điểm và truyền tín hiệu về hệ thống để đổi chiều quay của môtơ. Lúc này, thanh quét lại quay về vị trí cũ và cứ như vậy cho đến khi bảng được lau sạch thì bấm nút stop để dừng. Trong quá trình thanh quét di chuyển có thể điều chỉnh tốc độ lau nhanh, chậm theo ý muốn”.
Kết hợp vận dụng những kiến thức đã học và từ thực tiễn, Đinh Duy Lân và Ngô Công Phi Long, học sinh lớp 12A5 đã nghiên cứu phương pháp phân tách nước để lấy khí hydro đốt phục vụ nhu cầu sử dụng bếp lửa của con người. Lân cho biết: “Việc sử dụng khí hydro là nguồn nhiên liệu đốt thay cho các nguồn nguyên liệu hóa thạch (than, dầu, khí đốt) sẽ giúp giảm chi phí, thân thiện hơn với môi trường. Hydro được sản xuất từ nước và điện năng theo phương pháp hóa học (điện phân nước)”. Đồng tác giả Phi Long cho hay: Mô hình gồm các thiết bị chính như máy biến áp, mạch chỉnh lưu lấy điện một chiều, bình điện phân, bình chứa khí đốt, đầu đốt, thiết bị chống đoản mạch theo nhiệt độ; thiết bị đầu vào gồm: hệ thống nguồn điện, cảm biến nhiệt để cảm biến mức nhiệt khi có nhiệt độ cao...; thiết bị đầu ra có ống dẫn khí, đầu đốt... Những thiết bị này dễ tìm, chi phí rẻ, đặc biệt không gây ô nhiễm môi trường”. Với ưu điểm tính ứng dụng cao, mô hình “Bếp lửa hóa học” đạt giải ba.
Hiệu ứng từ trải nghiệm sáng tạo
“Năm học 2018-2019, Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh chọn 4 mô hình, sản phẩm gửi tham gia cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học thì có 3 mô hình, sản phẩm đạt giải. Với kết quả đạt được sẽ là tiền đề để nhà trường, giáo viên và học sinh tích cực hơn nữa trong các cuộc thi sáng tạo. Từ đó, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho học sinh cố gắng vươn lên trong học tập” - thầy Đỗ Cao Phước, Phó hiệu trưởng trường nhận xét.
Các mô hình, sản phẩm không chỉ đạt giải cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh mà còn vào vòng chung khảo cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng huyện Hớn Quản, năm học 2018-2019. Đây là những mô hình, sản phẩm được đánh giá có tính ứng dụng cao trong thực tiễn cuộc sống. Trong hơn 100 sản phẩm đăng ký dự thi, các mô hình của Trường THPT Nguyễn hữu Cảnh được xét chọn vào vòng chung khảo cùng với hơn 30 mô hình, sản phẩm khác. Và đây là những mô hình tiêu biểu được huyện chọn gửi tham gia cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng cấp tỉnh.
Anh Trương Văn Nga, Phó bí thư Huyện đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên huyện, thành viên Ban tổ chức cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng huyện Hớn Quản đánh giá: “Qua các năm tổ chức cuộc thi, huyện đã nhận được rất nhiều mô hình, sản phẩm sáng tạo của học sinh, đặc biệt là học sinh khối THPT. Các em đã nghiên cứu, sáng tạo những sản phẩm mới có tính ứng dụng cao. Thông qua các cuộc thi đã giúp học sinh phát huy tính sáng tạo, nghiên cứu làm ra những mô hình, sản phẩm hữu ích phục vụ cuộc sống hằng ngày”.
Ngọc Hân
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065