Đam mê LAN RỪNG
Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà khang trang trên đường Phú Riềng Đỏ thuộc phường Tân Đồng, anh Chiên cho biết: “Là người rất yêu thích hoa lan, nhất là các loại lan rừng từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, nhưng do sống tại Sài Gòn nên tôi không có không gian để sưu tầm. Năm 2013, gia đình tôi chuyển về sinh sống tại Đồng Xoài. Có diện tích đất vườn rộng, tôi bắt đầu thực hiện đam mê của mình”.
“Vua” lan Phạm Anh Dũng với giải thưởng của mình trong lễ hội hoa tổ chức tại Kiên Giang năm 2016
Ban đầu, anh Chiên sưu tầm 20 dò ngọc điểm về chăm thử và đã thành công, từ đó càng thôi thúc anh tìm tòi thêm tư liệu qua sách báo và học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước để nhân rộng vườn lan. Sau 1 năm trồng và chăm sóc, anh đã chiết, tách được 800 dò lan các loại. Với kết quả khả quan này, anh mạnh dạn xây nhà lưới, mua nguyên liệu, vật tư, phân bón và thiết bị tưới nước để mở rộng vườn với hơn 4.000 dò lan rừng như hiện nay. Trong đó có những dò lan rừng là “hàng độc” trị giá hơn trăm triệu đồng. Anh Chiên cho biết, giá của hoa lan phụ thuộc vào độ quý hiếm và vẻ đẹp của loài hoa. Để chọn được những giống lan đẹp, quý hiếm, anh mất rất nhiều thời gian và công sức tìm kiếm trên internet, có khi lặn lội hàng trăm kilômét để “săn” hàng. Khi có lan giống ưng ý, anh tìm cách nhân giống ghép, tách lan lên giá thể rồi tỉ mỉ chăm chút từng ngày.
Anh Chiên cho biết: các loại lan đều không ưa ánh sáng gay gắt hay mưa nhiều, vì vậy phải đầu tư hệ thống nhà lưới để che nắng, che mưa. Chế độ dinh dưỡng của lan cũng cầu kỳ, không phải cứ bón phân, tưới nước là phát triển tốt mà có khi cây chết úng, thối rễ. Lan là loài cây “ăn” ít, phát triển chậm nên tốt nhất dùng loại phân tan chậm và phải là phân hữu cơ tổng hợp. Khi bón phân cho cây mới trồng dùng loại thuốc kích thích mọc rễ; cây trên 3 tháng dùng loại thuốc kích thích phát triển thân, lá và sau đó là kích thích cho cây ra hoa... Chơi lan phải bằng niềm đam mê. Nếu trồng lan chỉ nghĩ đến lợi ích kinh tế thì rất khó sưu tầm được các giống lan quý. Chính vì lòng đam mê, yêu thích, nên chỉ sau 4 năm gầy dựng, đến nay vườn lan của anh Chiên đã có 45 loài lan rừng các loại, trong đó không ít loài quý hiếm như: châu như F1, trầm, kiếm, đặc biệt là các loài giả hạc 5 cánh trắng (Mắt Nai, Hòa Bình, Phú Thọ, Minh Vũ, Phương Liên...).
“Vua” lan trên đất Đồng Xoài
Vườn lan của ông Phạm Anh Dũng ngay mặt tiền quốc lộ 14, thuộc phường Tân Phú. Ông Dũng được những người chơi lan khắp nơi phong tặng danh hiệu “Vua lan của Bình Phước”. Lý giải danh hiệu này, ông Dũng kể: “Tôi là người đem phong lan đi triển lãm tại các lễ hội hoa nhiều nhất. Từ festival Huế, Đà Lạt, TP. Hồ Chí Minh đến Đồng Tháp, Kiên Giang... Lần nào đi thi cũng có giải nên bạn bè trong nghề tặng cho danh hiệu ấy”. Sau mỗi cuộc thi, thương hiệu lan Thăng Long của ông Dũng càng trở nên nổi tiếng.
Trước đây, ông Dũng theo nghiệp cha ông làm nông nghiệp. Lúc nông nhàn, ông trồng mấy dò lan cho cửa nhà thêm hương sắc. Năm 1997, ông mạnh dạn đem lan tham gia lễ hội hoa xuân của TP. Hồ Chí Minh và đoạt giải nhất. Từ đó, ông chuyển hướng sang trồng lan và bắt đầu mở rộng các vườn lan trên địa bàn Bình Phước.
Những ngày cuối năm, ông Dũng bộn bề với những dò lan: Hồ điệp, kim điệp, long tu, giả hạc, nghinh xuân... để chuẩn bị kịp đón năm mới Mậu Tuất. “Nếu thật sự yêu lan, thì lan sẽ đem đến cho người trồng không chỉ niềm vui khi được thưởng thức vẻ đẹp thanh khiết, quý phái của hoa mà lan còn đem đến lợi ích kinh tế hơn so với bất cứ loài cây trồng nào” - ông Dũng cho hay. Ngoài vườn lan sát quốc lộ 14, ông Dũng đầu tư trồng một vườn tại Ban quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh ở xã Tân Thành (Đồng Xoài). Những vườn lan này đem lại nguồn thu trên 1 tỷ đồng mỗi năm cho hộ ông Dũng.
THÚ CHƠI lan đột biến gen
Người xưa có câu “Vua chơi lan, quan chơi trà” là nói về thú chơi tao nhã của các bậc quyền thế trong xã hội. Tuy nhiên, cuộc sống hiện đã thay đổi, mọi người ai cũng có thể chơi lan, nhất là dịp tết đến xuân về. Ở thị xã Đồng Xoài, người chơi lan không chỉ là các cụ cao niên mà còn có nhiều bạn trẻ, trong đó không ít người say mê giống lan đột biến gen.
Ông Dũng cho biết, lan đa dạng chủng loại, màu sắc, độ bền. Hơn chục năm trước, ông lặn lội lên rừng tìm giống về ươm. Mấy năm trở lại đây, lan rừng khan hiếm dần và có nguy cơ cạn kiệt thì công nghệ nuôi cấy mô ra đời đáp ứng nhu cầu thị trường. “Nhu cầu chơi lan của thị trường cũng rất phong phú, đa dạng. Có người thích lan rừng, người thích lan trồng, người lại ưa chuộng loại lan đột biến. Giá của mỗi chậu lan tùy giống, số lượng thân và đẹp cả các đài bông“ - ông Dũng chia sẻ. Hiện lan đột biến có giá cao nhất, mỗi chậu từ vài chục đến cả trăm triệu đồng.
Anh Chiên khẳng định, trong giới chơi lan sành điệu, người ta chỉ thích những dòng cây đột biến, vì lan đột biến thường độc, lạ về màu sắc, hình dạng hoa, lá... Nhưng để xác định chính xác hoa đột biến tự nhiên hay lai tạo công nghiệp là việc rất khó, chỉ dân trong nghề mới nhận ra được. “Lan đột biến tự nhiên chỉ có thể nhận biết được khi cây ra hoa. Để phân biệt cần căn cứ vào một vài yếu tố cộng kinh nghiệm thực tế như thời gian ra hoa, màu sắc, mùi hương, hình dáng của hoa, hình dạng lá...” - anh Chiên nói. Hiện số lượng lan sưu tầm trong vườn của anh đã có 15 dò, với giá trị lên đến hàng trăm triệu đồng, chủ yếu là các loài giả hạc 5 cánh trắng, trong đó có dò giả hạc Phương Liên độc nhất vô nhị được giới chơi lan sành điệu khen ngợi. “Lúc mới tập tễnh chơi lan, mình nghĩ chỉ những người điên mới bỏ cả triệu đồng để mua một chồi non chưa đầy 2cm. Nhưng khi mê rồi, tìm hiểu kỹ mới biết được giá trị của chúng. Các giống lan đột biến thường được người chơi đếm lá, cành và chiều dài của cành để quy ra giá trị. Vì vậy, khi nhìn những dò lan lá xanh tốt, đâm mầm non căng tràn sức sống là tôi cảm thấy vui và những căng thẳng, mệt nhọc sau một ngày làm việc vất vả đều tan biến...” - anh Chiên cho hay.
Đưa tôi tham quan vườn lan đang trong thời kỳ phát triển xanh tốt, anh Chiên chia sẻ, với những dò lan quý nếu bán sẽ thu về số tiền không nhỏ để tái đầu tư và mở rộng vườn. Nhưng anh không nỡ bán. Vườn lan rừng độc và lạ của anh Chiên là một nét chấm phá đẹp trong những ngày đầu năm mới giữa phố thị Đồng Xoài.
X. Túc
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065