Đàn tính, hát then là loại hình nghệ thuật dân gian có sức sống mạnh mẽ trong cộng đồng các dân tộc ở Tây Bắc: Tày, Nùng, Thái… Qua thời gian, loại hình này đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của cộng đồng các dân tộc miền núi phía Bắc. Để nét văn hóa đặc sắc này không bị mai một, những người con của vùng đất Cao Bằng vào Bù Đốp lập nghiệp đã mang theo, gìn giữ và phát triển.
MANG THEO BẢN SẮC VĂN HÓA TÀY
Bình Phước là mảnh đất hội tụ nhiều dân tộc anh em sinh sống như Xêtiêng, Khơme, Mơnông, Tày, Nùng... Mùa xuân với người Xêtiêng là âm thanh gọi núi rừng của tiếng cồng, chiêng; người Khơme là điệu múa lâm thôn mượt mà, uyển chuyển... Còn với người Tày, tô điểm vào mùa xuân là âm thanh êm dịu, thanh thoát của cây đàn tính và điệu hát then.
CLB đàn tính, hát then đã tạo mối đoàn kết, gắn bó mọi người với nhau, đồng thời duy trì bản sắc văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Tây Bắc
Câu lạc bộ (CLB) đàn tính, hát then của người Tày ở sóc Nê, xã Tân Tiến (Bù Đốp) được thành lập năm 2011, là nơi để những người con xa quê trao đổi tâm tình với nhau. Giữa tiết trời se lạnh của mùa xuân được thưởng thức những làn điệu chèo, cải lương, quan họ, đàn tính kết hợp với điệu hát then thanh thoát, nhẹ nhàng làm cho đời sống tinh thần càng trở nên phong phú. CLB có 10 thành viên, 6 đàn, 4 hát, chủ yếu là các thành viên trong hội người cao tuổi, sinh hoạt tại nhà văn hóa vào mỗi buổi tối thứ bảy hàng tuần. CLB đã tạo tinh thần đoàn kết, gắn bó mọi người lại với nhau, đồng thời duy trì bản sắc văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Tây Bắc.
Tại nhà chủ nhiệm CLB ở sóc Nê, chúng tôi được nghe các cô chú đàn hát vui vẻ bên dĩa mứt kẹo, nhâm nhi chén nước trà xanh và thưởng thức âm vị ngọt ngào từ những bản nhạc trầm bổng làm say lòng người. Ở đây, mọi người tự đàn hát cho nhau nghe, không có nghệ sĩ chuyên nghiệp, chỉ có tình yêu âm nhạc của những người nông dân chân chất. Bộc bạch với chúng tôi, ông Lý Văn Sông, thành viên CLB cho biết: “Sóc Nê có hơn 140 hộ là người Tày, Nùng. Mọi người cùng đón 23 mùa xuân ở phương Nam và Bù Đốp là quê hương thứ 2 gắn kết những người con xa xứ với nhau. Mỗi tuần 1 lần chúng tôi họp mặt, cùng nhau đàn hát, trò chuyện, trao đổi về công việc. Mỗi đợt chuẩn bị tham gia hội diễn là tinh thần hăng hái, nhiệt tình của các anh, chị em lại được đẩy lên cao. Ban ngày đi làm, mọi người tranh thủ luyện tập vào ban đêm. Thành viên CLB chủ yếu là những người ngoài 50 tuổi nhưng rất nhiệt tình, luyện tập trên tinh thần tự nguyện, vui vẻ”. Không những hát hay mà các bà, các cô còn múa dẻo, nhất là những điệu xòe, múa dù được thể hiện sinh động và đẹp mắt.
Ông Triệu Quang Thiết, thành viên câu lạc bộ cho biết: “Từ nhỏ tôi đã được ông bà, cha mẹ truyền lại, tiếng đàn đã ăn sâu vào tâm thức. Đàn tính, hát then có mặt trong tất cả các ngày vui, ngày trọng đại của người Tày. Bao đời nay, đàn tính là phương tiện giao tiếp mang đậm bản sắc vùng cao. Chỉ một cây đàn tính, cùng với nhạc chuông tay có thể tạo nên âm thanh rộn ràng, rạo rực cho những điệu múa xòe”.
Ông Vương Văn Thề, một nghệ nhân gắn bó lâu năm với cây đàn tính chia sẻ: “Đàn tính có 3 bộ phận chính: Bầu vang, cần đàn và dây đàn. Bầu vang là bộ phận tăng âm được làm bằng nửa quả bầu khô. Cần đàn được làm bằng gỗ, không có phím bấm, người chơi tính phải có khả năng diễn tấu linh hoạt. Một cây đàn tính thường có 3 dây làm bằng tơ se”. Chỉ bấy nhiêu thôi có thể tạo nên âm thanh đặc biệt, làm cho câu hát, điệu múa Tày thêm say đắm.
Ngày xuân, phụ nữ Tày mặc trang phục truyền thống là chiếc váy xòe mềm mại mang theo cây đàn tính. Bà Minh Dung (59 tuổi) giọng ca vàng của CLB chia sẻ: “Tiếng đàn đã theo tôi từ thuở nhỏ, mỗi khi đàn tính ngân lên là tôi lại thấy tâm hồn phơi phới tuổi đôi mươi. Phụ nữ Tày được trời phú cho giọng hát hay, múa xòe đẹp. Mặc dù tuổi cao nhưng mỗi lần cất tiếng hát là tôi thấy tâm hồn như trẻ lại!”.
Hầu hết những bài hát then của CLB đều tự biên, tự diễn, ca ngợi vẻ đẹp quê hương, đất nước: “Đường thênh thang dọc ngang rộng mở, điện như sao sáng tỏa biên cương. Mời anh thăm quê hương Bù Đốp, thăm đất trời non nước đẹp xinh...”. Những điệu hát then được biến tấu phù hợp với vùng đất mới vẫn giữ được bản sắc riêng của dân tộc.
ĐỂ TIẾNG ĐÀN TÍNH BAY CAO, VANG XA
Ông Ngô Tùng Bích, Chủ nhiệm CLB chia sẻ: “Tính tập thể được thể hiện rõ trong điệu hát then, là biểu trưng gắn kết cộng đồng. Âm thanh đàn tính lúc dồn dập, lúc trầm bổng làm nhộn nhịp trái tim bao chàng trai, cô gái. “... Biên cương rừng cao su bát ngát, dòng sữa trắng ngào ngạt niềm vui. Mái trường ngói đỏ tươi roi rói, tiếng trẻ thơ vang dội sớm chiều, Bù Đốp thật đáng yêu là thế, các dân tộc vui vẻ bên nhau...”.
Ông Bích cho biết thêm: “Đàn tính, hát then không phân biệt độ tuổi, đa số những người biết đàn, hát là được nghe và học từ nhỏ. Người đàn hay bởi đó là niềm đam mê cộng thêm một chút tài hoa sẵn có, họ như gửi vào đó cả tâm hồn và tình yêu bản làng. Mỗi ca từ của làn điệu hát then đều được chắt lọc từ lời ăn, tiếng nói trong cuộc sống của đồng bào Tày”. Để bảo tồn và phát huy thể loại nhạc truyền thống của dân tộc, bên cạnh phát triển CLB, các cô chú còn chỉ dạy lại cho thế hệ trẻ biết đàn, hát để nhớ về cội nguồn.
Không chỉ dừng lại ở việc sưu tầm, biên soạn, CLB còn sáng tác, đặt lời cho những làn điệu then, ca ngợi tình yêu lao động, lứa đôi và tình yêu quê hương đất nước, ca ngợi mảnh đất Bù Đốp - nơi đã mang đến cuộc sống ấm no cho những người đến lập nghiệp. Ông Lý Văn Sông cho biết, người nghe hát then sẽ được trải lòng, cuốn vào một câu chuyện bằng giọng kể du dương, dìu dặt, mà lời ca cứ ngọt ngào như thủ thỉ bên tai: “... Tiếng cồng chiêng ngân vang đêm hội, múa lăm vông sôi nổi đêm trăng. Tiếng đàn tính Cao Bằng ngọt lịm, cùng ngợi ca Bù Đốp ngày nay”. Hát then không có đàn tính giống như bữa cơm thiếu muối và điệu then của người Tày không thể bay cao, vang xa.
Ngân Hà
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065