BP - Vào dịp kỷ niệm 16 năm ngày thành lập (27-11-2002 - 27-11-2018), cán bộ, nhân viên Vườn quốc gia (VQG) Bù Gia Mập vui mừng đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba do Chủ tịch nước trao tặng. Đây là niềm vinh dự, tự hào, đồng thời khẳng định thành tích to lớn mà tập thể cán bộ, nhân viên VQG đã đạt được trong những năm qua. Để có được kết quả hôm nay, những người giữ rừng ở đây đã vượt qua biết bao khó khăn, thử thách, chung sức, đồng lòng, gắn bó với nhân dân, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
TÀI SẢN QUỐC GIA
VQG Bù Gia Mập có tổng diện tích 25.601,18 ha, nằm trên địa bàn 2 xã Bù Gia Mập và Đắk Ơ của huyện Bù Gia Mập. Rừng nơi đây được đánh giá có độ đa dạng sinh học rất cao, là “kim cương xanh” của quốc gia. Là khu rừng nguyên sinh nên có nhiều loài động, thực vật có giá trị bảo tồn cho Việt Nam và thế giới. Trong đó 17 loài thực vật có tên trong Sách đỏ Việt Nam, 19 loài thực vật có tên trong Sách đỏ thế giới như: gõ đỏ, cẩm lai, trầm hương, giáng hương. Về động vật có 36 loài thú có tên trong Sách đỏ Việt Nam, 32 loài có tên trong Sách đỏ thế giới như: voi, báo hoa mai, bò tót, gấu, sói đỏ, chà vá chân đen, vượn đen má vàng, khỉ mặt đỏ, cu ly... Chim có 10 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam, 5 loài có tên trong Sách đỏ thế giới. Nhiệm vụ trọng tâm của VQG Bù Gia Mập là giữ rừng, bảo tồn nguồn gen quý hiếm của động, thực vật; các mẫu chuẩn hệ sinh thái rừng nhiệt đới ẩm trên đồi núi thấp có độ cao dưới 1.000m, đặc trưng cho sự chuyển tiếp từ Tây Nguyên xuống vùng Đông Nam bộ. VQG Bù Gia Mập có chức năng bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn cho các hồ chứa nước của các công trình thủy điện Thác Mơ, Cần Đơn và Sork Phu Miêng; phục vụ nghiên cứu khoa học, giáo dục môi trường và phát triển du lịch sinh thái; xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, phục vụ công tác bảo tồn, đào tạo nghiên cứu khoa học và môi trường.
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Anh Minh trao Huân chương Lao động hạng Ba và chúc mừng cán bộ, nhân viên Vườn quốc gia Bù Gia Mập - Ảnh: V.T
Thời gian gần đây, công tác nghiên cứu ứng dụng khoa học - kỹ thuật phục vụ công tác bảo tồn ở VQG ngày càng được nâng cao. Phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế của VQG đã tham gia nghiên cứu thu thập, tạo lập cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học; điều tra, giám sát, theo dõi sự biến động về đa dạng sinh học, nghiên cứu động thái rừng, từ đó có các đề xuất trong công tác bảo vệ rừng. Ngoài ra, đơn vị còn nghiên cứu trồng các loài phong lan, cây thuốc và những loại cây có giá trị kinh tế nhằm bảo tồn các nguồn gen quý hiếm. Năm 2010, VQG Bù Gia Mập đã thành lập Trung tâm Cứu hộ động vật để tiếp nhận, chăm sóc, cứu chữa, tái thả các loài động vật hoang dã về rừng tự nhiên. Anh Trần Văn Trưởng, Giám đốc Trung tâm Cứu hộ cho biết, thời gian qua, trung tâm còn nuôi dưỡng các loài động vật hoang dã thông thường nhằm nhân rộng mô hình nuôi động vật rừng, phục vụ công tác bảo tồn, giảm áp lực săn bắn, bẫy bắt động vật ở rừng VQG.
BẢO VỆ VÀ TRỒNG RỪNG
Bảo vệ và trồng rừng là 2 nhiệm vụ song song của cán bộ, nhân viên VQG Bù Gia Mập. Hiện nay, VQG có 10 trạm kiểm lâm, ngoài ra còn có 6 chốt lưu động để bảo vệ những khu vực rừng dễ bị tổn thương, 1 tổ kiểm lâm cơ động, với tổng số cán bộ, nhân viên của Hạt kiểm lâm 60 người. Cùng với lực lượng này còn có 13 đơn vị, 300 hộ dân nhận khoán tổng diện tích 25.000 ha tham gia bảo vệ rừng đóng ở 10 chốt bảo vệ. Các hộ nhận khoán giữ rừng có thu nhập bình quân từ 2-2,5 triệu đồng/tháng/hộ. Đây là nguồn thu nhập đáng kể cho người dân quanh vùng đệm, nhằm giảm áp lực vào rừng, nâng cao ý thức của các cộng đồng dân cư trong việc bảo vệ khu rừng nguyên sinh của đất nước. Với lực lượng đủ mạnh như hiện nay đã đáp ứng công tác quản lý, bảo vệ rừng quốc gia Bù Gia Mập. Nhờ đó, số vụ vi phạm về khai thác lâm sản, săn bắn động vật hoang dã năm sau luôn giảm so với năm trước cả về số vụ và mức độ vi phạm. Công tác phòng cháy, chữa cháy rừng luôn được Ban quản lý VQG đặc biệt quan tâm, số vụ cháy hằng năm đã giảm hẳn và mức độ cũng không lớn. Diện tích cháy nhỏ được phát hiện và khoanh vùng kịp thời nên không ảnh hưởng đến tài nguyên rừng. Một kết quả đáng mừng là từ khi thành lập VQG đến nay, nhờ làm tốt công tác vận động nhân dân nên không xảy ra vụ phá rừng làm rẫy nào trong khu vực lâm phần.
Cùng với quản lý, bảo vệ rừng nguyên sinh, VQG Bù Gia Mập đã tổ chức trồng rừng trên diện tích vườn điều xâm canh trong lâm phần đã được hoán đổi đất cho người dân. Phó giám đốc Ban quản lý VQG Bù Gia Mập Cao Ngọc Long cho biết, trong năm 2018 đơn vị đã trồng 140,39 ha, đồng thời khoanh nuôi xúc tiến tái sinh trên diện tích 5 ha. Đây là những lô vườn điều cũ của người dân xâm canh trong lâm phần VQG. Những lô đất này không đủ tiêu chuẩn để thiết kế trồng rừng nên cưa hạ cây điều để khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng tự nhiên.
Nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng ở VQG Bù Gia Mập được xác định là rất quan trọng, mang tính lâu dài. Những người làm việc ở đây mang trên mình trách nhiệm nặng nề, bởi họ đang quản lý khối tài sản lớn của đất nước nhằm bảo vệ “lá phổi xanh” của khu vực Đông Nam bộ. Vì vậy, từng cán bộ, đảng viên, nhân viên của VQG luôn quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thử thách, xác định rõ những nhiệm vụ trọng tâm, trách nhiệm của người giữ rừng trong sự nghiệp bảo vệ tài nguyên của quốc gia, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao.
Thanh Hà
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065