TRUYỀN THỐNG ANH HÙNG
Ngày 28-4-2000, xã Thiện Hưng (lúc này thuộc huyện Lộc Ninh) được Đảng, Nhà nước tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” vì có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đây là niềm tự hào của toàn đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lộc Ninh lúc đó.
Xã Thiện Hưng được hình thành từ thế kỷ XIX. Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, đặc biệt là qua cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, quân và dân xã Thiện Hưng một lòng theo Đảng, theo cách mạng. Hòa mình vào Chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972, quân và dân Thiện Hưng tiến công và nổi dậy giải phóng quê hương. Từ đó, góp phần giải phóng toàn tỉnh, tiến tới đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước. Sau giải phóng, cấp ủy, chính quyền xã tập trung tạo nền tảng để xây dựng, phát triển kinh tế. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ; đầu tư các loại cây công nghiệp cho năng suất và hiệu quả cao; hoàn thiện kết cấu hạ tầng... là những vấn đề xã Thiện Hưng ưu tiên lựa chọn.
Khu di tích Căn cứ Tà Thiết, ấp Cần Dực, xã Lộc Thành (Lộc Ninh) đã trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ
Thiện Hưng là xã biên giới, còn nhiều khó khăn nhưng đã vươn mình vượt khó để năm 2017 về đích chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) đúng hẹn. Giai đoạn 2011-2015, xã Thiện Hưng mới đạt 11/19 tiêu chí thì từ sự chung tay của Trung đoàn 717 (Binh đoàn 16), Đại đội Bộ binh 10 (Ban CHQS huyện Bù Đốp), các doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn và hơn hết là phát huy nội lực của nhân dân, đến cuối năm 2017, Thiện Hưng đã hoàn thành 19/19 tiêu chí và trở thành xã đầu tiên của huyện Bù Đốp được công nhận đạt chuẩn NTM. Tổng kinh phí đầu tư cho chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn xã hơn 119 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách 88 tỷ đồng, doanh nghiệp đóng góp trên 7 tỷ đồng và vốn huy động từ nhân dân gần 25 tỷ đồng. Thiện Hưng hiện có hơn 22,6km đường láng nhựa; hệ thống điện lưới quốc gia được triển khai xây dựng rộng khắp; tỷ lệ hộ dân có điện sử dụng trên 98,8%; thu nhập bình quân trên 34,6 triệu đồng/người/năm...
SẮC MỚI TRÊN VÙNG ĐẤT LỊCH SỬ
Xã Lộc Thành, huyện Lộc Ninh đi vào trang sử của dân tộc với những trận chiến hào hùng, với sự thành lập và quá trình hoạt động của Khu căn cứ Quân ủy - Bộ Chỉ huy các lực lượng vũ trang Quân giải phóng miền Nam Việt Nam hay còn gọi là “Rừng chính phủ” - nay là Khu di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Bộ chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam (Căn cứ Tà Thiết) tại ấp Cần Dực. Căn cứ Tà Thiết đã đi vào lịch sử của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Với những giá trị lịch sử, năm 1988, Bộ Văn hóa - Thông tin đã công nhận Căn cứ Tà Thiết này là di tích cấp quốc gia. Từ năm 1997 đến nay, di tích đã nhiều lần được trùng tu, sửa chữa. Ngày 23-12-2015, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận Khu căn cứ Quân ủy - Bộ chỉ huy các lực lượng vũ trang Quân giải phóng miền Nam Việt Nam là di tích quốc gia đặc biệt. Từ năm 2016, UBND tỉnh đầu tư và xây dựng các hạng mục công trình tại đây. Đến nay, dự án cơ bản hoàn thành các hạng mục, công trình lớn, đặc biệt ngày 19-3 vừa qua, đã khánh thành khách sạn tại Khu di tích Tà Thiết (thuộc giai đoạn II) với kinh phí hơn 15 tỷ đồng.
Đối với người dân xã Lộc Thành, việc nhìn thấy “Rừng chính phủ” được Đảng bộ và chính quyền quan tâm, thay đổi từng ngày cũng khiến họ thêm tự hào. Tự hào khi là người con và lớn lên trong “Rừng chính phủ”, họ ra sức thi đua lập thành tích xây dựng quê hương. Toàn xã có 9 ấp, trong đó 4 ấp đặc biệt khó khăn và tới 45,2% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số, tuy nhiên, tình hình kinh tế, xã hội vẫn có những điểm sáng nhất định. Chỉ riêng trong năm 2018, tổng thu nhập toàn xã 184,482 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người 22,6 triệu đồng; tỷ lệ hộ được sử dụng điện đạt trên 98%; tỷ lệ hộ dân đóng góp xây dựng NTM được nâng cao, đặc biệt ở những ấp đông đồng bào dân tộc thiểu số như K’liêu, Cần Dực... Mặc dù là xã nghèo, nhưng Lộc Thành luôn chủ động thực hiện chương trình xây dựng NTM và hiện đạt 9/19 tiêu chí.
Ông Điểu Thanh Quế (1956) ở ấp Lộc Bình 2, xã Lộc Thành cho biết: “Tôi sống ở đây từ năm 1963. Năm 1972, khi Lộc Ninh giải phóng, mọi người cùng nhau xây dựng quê hương. Cuộc sống của người dân thay đổi rõ nét khi được Nhà nước đầu tư lưới điện. Có điện phục vụ sản xuất góp phần thay đổi thói quen canh tác và mang lại cuộc sống mới cho người dân”.
Thiện Hưng về đích NTM năm 2017 đã làm cho diện mạo xã biên giới ngày càng khởi sắc. Những con đường bê tông kiên cố, hai bên đường được trang trí cờ hoa rực rỡ, các công trình phúc lợi, nhà cao tầng kiên cố, khang trang mang lại cho Thiện Hưng sức sống mới. Với xã Lộc Thành, Khu di tích Căn cứ Tà Thiết ngày càng phát triển. Sự đổi thay cuộc sống chính là động lực để mỗi người dân phát huy truyền thống cách mạng, vươn lên gặt hái những thành quả mới.
Thanh Nga
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065