Ngày 22-12-1944, tại khu “rừng thiêng” Trần Hưng Đạo đã khai sinh ra Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam ngày nay. Và chỉ 10 năm sau (1944-1954), đội quân ấy đã “vươn vai Phù Đổng”, cùng toàn dân làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Có người bảo, vì ra đời từ “rừng thiêng” mang tên vị anh hùng dân tộc, một võ tướng lẫy lừng đã nhiều lần đánh bại những đội quân hùng mạnh nhất thế giới nên Quân đội Nhân dân Việt Nam luôn bách chiến, bách thắng.
Chiến công mở đầu
Thực hiện Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, vào hồi 17 giờ ngày 22-12-1944, tại núi Dền Sinh, thuộc dãy Khau Giáng (khu rừng Trần Hưng Đạo), đồng chí Võ Nguyên Giáp đã chủ trì buổi lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, gồm 34 chiến sĩ là những người ưu tú nhất được lựa chọn từ các đội du kích Cao - Bắc - Lạng. Tại buổi lễ thành lập, các đội viên đã tuyên thệ và đồng thanh đọc 10 lời thề danh dự của đội quân cách mạng. Thực hiện sự huấn thị của Bác Hồ: “Trong vòng một tháng phải có hoạt động để gây tin tưởng cho các chiến sĩ và gây truyền thống hành động tích cực, nhanh chóng cho bộ đội. Và đặc biệt là trận đầu ra quân phải đánh thắng!”, ngày 24-12-1944, đội đã tấn công hạ đồn Phai Khắt, ở làng Phai Khắt. Sau chiến thắng Phai Khắt, ngay đêm hôm đó, đội hành quân tiến đánh đồn Nà Ngần, thuộc xã Hoa Thám (cách đồn Phai Khắt 18km). Rạng sáng ngày 25-12-1944, đội tiến công tiêu diệt đồn Nà Ngần lần thứ nhất. Chiến thắng Phai Khắt và Nà Ngần là hai chiến công mở đầu truyền thống “bách chiến, bách thắng” của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng.
Các cựu chiến binh chụp ảnh lưu niệm trước bức phù điêu 34 chiến sĩ Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân
Từ sau chiến thắng Phai Khắt và Nà Ngần, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân lớn dần. Từ một trung đội gồm 34 chiến sĩ, đội đã phát triển thành đại đội. Trên đường Nam tiến, đội gặp Việt Nam cứu quốc quân và sáp nhập thành Việt Nam giải phóng quân. Sau 10 năm thành lập, Việt Nam giải phóng quân đã cùng toàn thể dân tộc Việt Nam làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chấm dứt ách đô hộ của thực dân Pháp xâm lược. Sau 31 năm kể từ ngày khai sinh tại khu rừng Trần Hưng Đạo, quân đội ta đã cùng nhân dân cả nước làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975 với Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Di tích quốc gia đặc biệt
Gần 70 năm đã đi qua, “rừng thiêng” Trần Hưng Đạo năm xưa nay là Khu di tích quốc gia đặc biệt, còn mãi in đậm dấu ấn lịch sử của quân đội ta. Khu di tích quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo phân bố trên địa bàn 2 xã Tam Kim, Hoa Thám, huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) là trung tâm hệ thống các di tích lịch sử cách mạng liên quan đến sự kiện thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, bao gồm 5 điểm: Di tích khu rừng Trần Hưng Đạo; hang Thẳm Khẩu; đồn Phai Khắt; Vạ Phá (xã Tam Kim) và di tích đồn Nà Ngần (xã Hoa Thám). Khu di tích quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo là nơi gắn liền với giai đoạn lịch sử đặc biệt quan trọng đối với cách mạng Việt Nam và cuộc đời hoạt động của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Rừng Trần Hưng Đạo là một khu rừng nguyên sinh có diện tích 201,7 ha. Khu rừng có 4 điểm di tích: Địa điểm thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân; lán nghỉ và bếp ăn của đội; mỏ nước phục vụ nước sinh hoạt cho đội; đỉnh Slam Cao, nơi đồng chí Võ Nguyên Giáp và Ban chỉ huy đội đặt trạm quan sát. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã quan tâm đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng, tôn tạo các hạng mục công trình khu di tích. Đó là: Xây dựng 2 nhà nghỉ của 34 chiến sĩ sau khi đội được thành lập; bia đá trên đỉnh Slam Cao; xây 505 bậc bê tông từ nơi thành lập lên đỉnh Slam Cao; nhà bia Trung tâm; bức phù điêu bằng đá khắc ghi hình ảnh của 34 chiến sĩ tuyên thệ dưới lá cờ Tổ quốc trong buổi lễ thành lập; nhà đón tiếp khách tham quan di tích và các hạng mục công trình phụ trợ khác.
Đến với Khu di tích quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo, chúng ta không những được tìm hiểu truyền thống lịch sử của đội quân đầu tiên của quân đội với nhiều điểm di tích mà còn được khám phá, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của khu rừng nguyên sinh. Nơi đây vẫn giữ được vẻ hoang sơ, khí hậu mát mẻ quanh năm, thu hút hàng ngàn du khách trong và ngoài nước đến tham quan di tích lịch sử, thưởng ngoạn thắng cảnh và du lịch sinh thái đầy thú vị, ý nghĩa.
Đức Hồng
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065