Để chạy đua với thời gian cận kề ngày kết thúc đợt 1 tuyển sinh (20-8), hàng ngàn thí sinh rơi vào tâm trạng hoang mang và bị cuốn vào vòng xoáy hồ sơ. Không còn tự tin với đam mê, lựa chọn ban đầu, để an toàn, để có một tấm vé vào ĐH - bất kể là ngành học không thuộc sở trường, nhiều thí sinh lao vào cuộc đua rút - nộp. Không chỉ mất phương hướng, thí sinh còn đánh liều với “canh bạc” đậu - rớt. Nhìn thấy cuộc chơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro và lạc hướng trong chọn nghề nghiệp tương lai này, nhiều chuyên gia giáo dục không chỉ lo lắng mà còn ví von cuộc đua giống như chơi chứng khoán và chờ đợi may rủi. Chẳng thể vẽ hết bức tranh lộn xộn, bất an, lo âu của thí sinh lẫn phụ huynh khi bị cuốn vào vòng luẩn quẩn và đối mặt với nhiều bất cập phát sinh từ cơ chế đổi mới tuyển sinh đại học năm nay. Mặc dù Bộ GD-ĐT liên tục trấn an và khuyên thí sinh bình tĩnh nhưng trước những bất lợi, trục trặc mà họ đang phải đối mặt, nỗi lo đậu - rớt đang đè nặng hơn, áp lực căng thẳng hơn.
Theo tuyên bố của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận, đổi mới tuyển sinh năm nay tạo cho thí sinh nhiều lựa chọn và rộng cửa vào ĐH hơn. Nhưng phải chăng, chính cơ hội rộng - thí sinh được quyền đăng ký chọn 4 nguyện vọng trong một trường - đang tạo ra sự luẩn quẩn, rối loạn về tuyển sinh trong những ngày qua. Khi cảm thấy vận may không mỉm cười với mình và nguy cơ sát “giờ G” thiếu an toàn, không ít thí sinh đã tháo chạy, vội vàng nộp - rút hồ sơ liên tục. Thực tế này đã tạo ra một quanh cảnh hỗn loạn chưa từng có ở nhiều trường ĐH tốp trên. Thí sinh dù đã cân nhắc trước khi nộp hồ sơ vào trường có khả năng đậu cao trong đợt xét tuyển đầu tiên nhưng rồi họ đã không đủ tự tin chờ đợi. Hơn nữa, thông tin của nhiều trường vẫn tù mù, thậm chí không lọc số thí sinh ảo và điều quan trọng là không rõ mức điểm an toàn để thí sinh hy vọng. Trước thực tế hỗn loạn này, Bộ GD-ĐT lại phải yêu cầu các trường ĐH phải thường xuyên cập nhật, công bố điểm an toàn xét tuyển mỗi ngày một lần. Chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra và cơn sốt tuyển sinh này có giảm nhiệt hay không?
Đổi mới giáo dục, trong đó đổi mới tuyển sinh để nâng cao chất lượng đầu vào của bậc ĐH, CĐ và giúp thí sinh cảm thấy nhẹ nhàng hơn. Thế nhưng, lần đầu áp dụng chủ trương tuyển sinh mới lại nảy sinh quá nhiều trục trặc lẫn bất cập và bộ phải ban hành nhiều văn bản chữa cháy. Đầu tiên, nó khiến người trong cuộc - thí sinh, phụ huynh - đứng ngồi không yên khi tra cứu điểm thi bị nghẽn mạng, phải chờ đợi mệt mỏi. Tiếp đến, quy trình xét tuyển cũng gây “bão tố”, làm khổ thí sinh lẫn phụ huynh vì rút hồ sơ không được, chậm có kết quả chấm phúc khảo…
Điều này một lần nữa cho thấy Bộ GĐ-ĐT vẫn chủ quan, không lường hết những trục trặc phát sinh, trong đó các giải pháp kỹ thuật đưa ra vội vàng, thiếu khoa học. Giá như Bộ GĐ-ĐT thay đổi tư duy, đừng ôm đồm, dũng cảm từ bỏ những việc mình không nên quản và tin tưởng, giao cho các trường ĐH có đủ năng lực làm thí điểm, xây dựng phương án tuyển sinh để bước đầu tạo ra sự đột phá về chất lượng đầu vào ĐH. Nhiều vị đứng đầu trường ĐH khẳng định rằng khi được trao quyền tự chủ tuyển sinh, các trường sẽ có tiêu chí tuyển chọn thí sinh riêng, phù hợp với nhu cầu đào tạo ngành nghề theo chuẩn hội nhập. Tại sao, các trường ĐH ở nước ngoài không tốn công sức nhưng dễ dàng tuyển chọn được hàng trăm ngàn du học sinh từ khắp thế giới, trong đó có Việt Nam? Phải chọn lọc và học tập kinh nghiệm tuyển sinh của họ như thế nào cho phù hợp với xu thế hội nhập giáo dục tiên tiến? Nếu chỉ dựa vào thành tích học tập, điểm số của một kỳ thi để tuyển chọn đầu vào ĐH thì chưa chắc chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cao sẽ được cải thiện, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động ở thế kỷ 21. Một khi bộ chưa muốn nhả miếng bánh tuyển sinh và chưa tin tưởng các trường ĐH đủ sức làm tốt công việc này thì tình trạng bát nháo, hỗn loạn trong tuyển sinh vẫn chưa thể chấm dứt.
Nguồn SGGP
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065