Năm nay, giá mủ cao su đầu mùa khai thác nằm ở mức 30 triệu đồng/tấn khiến nhiều người có diện tích cao su lớn bỏ cạo để dưỡng cây, chờ giá nhích lên. Bởi nếu cạo với giá mủ thấp nhưng phải thuê nhân công làm trọn gói sẽ không lãi đồng nào, trong khi đó chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật ngày càng leo thang. Nhiều người trồng cao su hy vọng giá mủ sẽ lên vào giữa năm như mọi khi hoặc chậm thì sẽ vào những tháng cuối năm khi nhu cầu mủ thị trường thế giới tăng, giá sẽ tăng. Tuy nhiên, giá cao su sau đó liên tục giảm và hiện chỉ ở mức 21-22 triệu đồng/tấn. Đã có không ít người trồng cao su buồn nản nói rằng giá cao su không có... “đáy”.
Giá mủ xuống thấp, những hộ, doanh nghiệp trồng với diện tích nhiều có vốn lớn thì bỏ cạo để dưỡng cây chờ thời, nhưng với những hộ vay tiền ngân hàng để đầu tư vào cao su thì như “ngồi trên đống lửa”. Mặc dù lãi suất hiện nay của các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng đã giảm khá mạnh nhưng với những hộ này, nếu bỏ cạo mủ cao su cũng đồng nghĩa với việc không có thu nhập để trả lãi ngân hàng. Và thực tế đã có không ít hộ đang đến kỳ hạn trả nợ gốc ngân hàng nên đành phải bấm bụng sang nhượng lại vườn cao su với giá rẻ. Tuy nhiên, khi cao su đang ở thời “đỉnh” thì nhiều người tranh nhau trồng, tranh nhau mua. Còn bây giờ, nhiều diện tích cao su rao bán mãi vẫn không có người hỏi tới. Ở Đồng Phú, Bù Đăng, Lộc Ninh... thị trường đất vườn cao su tuy giá đã hạ năm bảy lần nhưng vẫn “ế như chợ chiều”.
Nhiều nơi trong tỉnh đã có không ít hộ không sang nhượng được vườn thì hạ cây cao su bán gỗ. Song, với những hộ có vườn cao su già hoặc đã lớn tuổi, cây tốt thì còn bán được giá cao, còn cây chỉ mới hơn 10 năm tuổi mà phải hạ bán thì “đau như muối xát vào vết thương mới mổ”... Và chưa hết, vấn đề đặt ra ở đây là việc đốn hạ cây cao su bán gỗ thì còn dễ, nhưng sau đó trồng cây gì mang lại hiệu quả kinh tế để giải quyết khó khăn trước mắt đối với nhà nông mới khó. Vì không phải đến bây giờ mà đã từ nhiều thập niên trở lại đây, đầu ra cho sản phẩm nông - lâm nghiệp luôn luôn bấp bênh nên người nông dân lúng túng khi muốn chuyển đổi cây trồng.
Mới đây, Hiệp hội Cao su Việt Nam đã đưa ra dự báo khoảng 2 năm nữa, tức là đến năm 2017, 2018 trở đi thì sức tiêu thụ mủ cao su mới nhích lên về giá và sản lượng. Nếu dự báo này đúng thì với những hộ, doanh nghiệp vững về tài chính mới có thể dưỡng cây “trụ” được. Nhưng với nhiều hộ, doanh nghiệp không mạnh tiềm lực kinh tế thì việc chặt cây cao su bán là điều khó tránh khỏi.
Qua tìm hiểu thực tế ở một số nơi trong tỉnh, có không ít người đang dự định chặt cao su bán gỗ và trồng keo lá tràm vì thị trường đang “sốt”, cỡ nào cũng có thương lái đến hỏi mua. Thế nhưng, nếu bây giờ mới trồng, 5 năm sau khai thác liệu có còn giá tốt hay lại như mủ cao su? Vì vậy, việc chặt cao su, trồng lại cây gì, người dân phải suy tính kỹ... để không vướng phải cái vòng luẩn quẩn “chặt - trồng - chặt”.
N.V
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065