Đi khắp các nhà vườn trồng cao su, điều, tiêu hay các loại cây trồng khác trong tỉnh, chúng ta dễ dàng bắt gặp nhiều loại bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) vương vãi khắp nơi. Đây là loại chất thải rắn độc hại, gây ra những tác động xấu đến môi trường đất, nước, không khí và sức khỏe con người. Điều đáng nói là người dân vẫn chưa ý thức được sự nguy hiểm của những loại rác thải này.
HIỂM HỌA TỪ RÁC THẢI THUỐC BVTV
Bình Phước có diện tích đất nông nghiệp chiếm gần 80% nên lượng chất thải nguy hại phát sinh từ hoạt động nông nghiệp rất lớn. Tuy nhiên, việc xử lý vỏ bao bì chưa được cơ quan quản lý, chính quyền, nhà sản xuất và nông dân quan tâm. Tình trạng vứt bỏ vỏ thuốc BVTV không chỉ ở một nơi mà ở đâu cũng có.
Rác thải từ vỏ chai thuốc BVTV gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe con người
Với hành động này, người nông dân chưa có ý thức và chưa lường trước được sự độc hại, nguy hiểm đối với sức khỏe con người và động vật phát sinh từ rác thải bao bì, vỏ chai đựng thuốc.
Một người dân ở xã Phú Riềng (Bù Gia Mập) nói: “Nhà tôi ở gần vườn cao su. Mỗi lần chủ vườn phun thuốc trị bệnh vàng lá xong thì vứt các vỏ chai thuốc ra vườn. Thậm chí, họ còn tiện tay vứt vào vườn người khác. Tôi lo lắng cho sức khỏe gia đình, vì lượng thuốc BVTV vẫn còn, mặc dù gia đình tôi đã nhiều lần phản ánh”.
Ông N.V.A, ngụ xã Phú Riềng có 5 ha cao su cho biết, bình quân mỗi năm gia đình sử dụng khoảng 10kg/ha thuốc trừ bệnh, 6kg/ha thuốc diệt cỏ. Và khi được hỏi, sử dụng xong thuốc BVTV ông bỏ vỏ chai đi đâu? Ông A trả lời rất nhanh: “Vứt xuống vườn chứ bỏ đi đâu!”.
Anh T.H.Q, ngụ xã Thuận Phú (Đồng Phú) trồng hơn 6 ha cà phê và 4 ha điều cũng sử dụng lượng thuốc BVTV rất nhiều để chăm sóc, bảo vệ vườn cây. Anh Q chia sẻ: “Sử dụng thuốc BVTV xong tôi đem đốt những bao bì dễ cháy, còn các chai thuốc làm bằng thủy tinh đành vứt xuống vườn hay con suối cạnh vườn”.
NÂNG CAO NHẬN THỨC CHO NGƯỜI DÂN
Hàng năm, lượng thuốc BVTV do nông dân sử dụng thải ra môi trường rất lớn.Trao đổi vấn đề này, ông Trần Ngọc Kinh, Chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh cho rằng: Giải pháp trước mắt là tuyên truyền cho nông dân hiểu sự nguy hiểm của thuốc BVTV, đồng thời xây dựng mô hình thu gom và phân loại chất thải tại hộ gia đình. Cần khuyến cáo nông dân hạn chế thấp nhất việc sử dụng thuốc BVTV, chỉ sử dụng khi thật cần thiết. Sau mỗi vụ, huy động các đoàn thể tổ chức cho đoàn viên, hội viên thu gom và xử lý theo quy định, góp phần bảo vệ môi trường. Ngoài ra, Nhà nước cần tăng cường việc quản lý, cung ứng, bảo quản, kinh doanh và sử dụng thuốc BVTV từ trung ương tới địa phương; xã hội hóa công tác thu gom và xử lý chất thải rắn trong nông nghiệp với sự tham gia của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Đối với người sản xuất cần thực hiện các biện pháp sử dụng thuốc theo nguyên tắc 5 đúng: Đúng thuốc, đúng lúc, đúng nồng độ, đúng liều lượng và đúng phương pháp. Bên cạnh đó, cần tuân thủ nguyên tắc vệ sinh an toàn trong lao động như: Mặc bảo hộ lao động, đeo găng tay, khẩu trang, đứng ở đầu gió khi phun thuốc... Không rửa dụng cụ phun, đựng hóa chất BVTV hoặc chôn, ném những chai lọ, hộp bảo quản các loại hóa chất này tùy tiện dễ gây độc hại cho môi trường.
Tân Xuân
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065