Phương thức, thủ đoạn tinh vi
Các đối tượng hoạt động trong lĩnh vực “tín dụng đen” với phương thức, thủ đoạn tinh vi, rất khó phát hiện, xử lý. Các đối tượng thường dán tờ rơi quảng cáo vay tiền trả góp kèm theo số điện thoại tại khu vực công cộng, khu dân cư, khu công nghiệp... Khi người dân có nhu cầu vay tiền, các đối tượng sẽ liên lạc trực tiếp, tìm hiểu điều kiện kinh tế của người vay để quyết định số tiền cho vay, với mức lãi suất dao động từ 240-540%/năm. Điều đáng nói là khi thực hiện giao dịch, người vay chỉ cần cung cấp một trong những giấy tờ tùy thân như: chứng minh nhân dân, hộ khẩu, giấy tờ xe... và ký tên, lăn tay vào giấy nhận tiền theo mẫu các đối tượng chuẩn bị sẵn là nhận tiền.
Điều tra viên ghi lời khai đối tượng Lê Văn Thuận (có hộ khẩu thường trú ở huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, tạm trú huyện Bù Đốp) - Ảnh: Văn Thủy
Hiện trên địa bàn tỉnh Bình Phước có 2 hình thức cho vay phổ biến: cho vay tiền trả góp và cho vay tiền đứng. Theo đó, ở hình thức thứ nhất, hằng ngày người vay phải trả góp cả tiền gốc và tiền lãi (được tính dựa trên số tiền gốc, tiền lãi và thời hạn cho vay). Khi đưa tiền cho người vay, các đối tượng sẽ thu trước 1 ngày đầu tiên và 50 ngàn đồng tiền phí làm hồ sơ cho vay. Với hình thức cho vay tiền đứng, hằng ngày người vay không phải trả góp tiền gốc mà chỉ trả tiền lãi, khi hết thời hạn cho vay theo thỏa thuận, nếu người vay chưa trả được tiền gốc thì các đối tượng sẽ làm hợp đồng mới và người vay đóng tiền gốc, lãi như lần đầu. Khi đưa tiền cho người vay, các đối tượng sẽ thu tiền trước 1 ngày đầu tiên và 50 ngàn đồng phí làm hồ sơ cho vay. Chỉ tính 6 tháng đầu năm 2019, lực lượng công an trong tỉnh đã phát hiện, xử lý 19 vụ - 34 đối tượng phạm tội, vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”. Trong đó đã khởi tố 6 vụ - 11 đối tượng về hành vi cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự; 1 vụ - 1 đối tượng cưỡng đoạt tài sản.
Nguyên nhân của tình trạng nêu trên xuất phát từ một bộ phận người dân có nhu cầu vay vốn không cần thế chấp tài sản, không đáp ứng được điều kiện vay vốn tại các kênh cung cấp tín dụng chính thức đã phải tìm tới những cá nhân, cơ sở hoạt động “tín dụng đen” để vay tiền. Cũng có một bộ phận không nhỏ thanh, thiếu niên xuống cấp về đạo đức, tham gia các hoạt động tệ nạn như cờ bạc, cá độ, ma túy... hoặc do nhu cầu bất hợp pháp nên tìm đến các cá nhân, cơ sở hoạt động “tín dụng đen”. Nhiều người đã dùng tiền nhàn rỗi để trực tiếp cho vay dưới dạng “tín dụng đen” hoặc tham gia với vai trò trung gian, huy động vốn, gây rủi ro rất lớn đối với cả người cho vay và đi vay, dẫn đến tình trạng vỡ nợ, hụi, họ. Bên cạnh đó, hiện các quy định của pháp luật về xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” còn vướng mắc, khó khăn trong việc áp dụng, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe... Đặc biệt, việc xử lý tội phạm “tín dụng đen” gặp nhiều khó khăn do các đối tượng có nhiều thủ đoạn lách luật, khó xác định hành vi vi phạm pháp luật dân sự hay hình sự.
Quyết tâm tấn công, trấn áp tội phạm “tín dụng đen”
Theo dự báo của ngành công an, trong thời gian tới, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” tiếp tục diễn biến phức tạp với những phương thức, thủ đoạn tinh vi, khó phát hiện hơn trước. Đáng lưu ý là gần đây, loại hình cho vay tài chính “tín dụng đen” sử dụng hoàn toàn qua không gian mạng và có chiều hướng gia tăng, rất khó kiểm soát. Để tiếp tục trấn áp mạnh mẽ loại tội phạm này, ngày 25-4-2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 12/CT-TTg về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm trên phạm vi toàn quốc và trên không gian mạng, nhất là các loại tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.
Vật chứng thu giữ trong vụ án cho vay nặng lãi tại huyện Bù Đốp - Ảnh: Văn Thủy
Tại Bình Phước, nhiều văn bản chỉ đạo cũng được Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành, yêu cầu các cấp, ngành, địa phương tập trung thực hiện với tinh thần khẩn trương, quyết liệt. Mới đây, ngày 20-8-2019, UBND tỉnh ban hành Công văn số 2408/UBND về việc tiếp tục tăng cường đấu tranh với các loại tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Trong đó, yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố quán triệt đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đơn vị mình phải chấp hành nghiêm pháp luật về giao dịch, vay mượn, huy động, sử dụng vốn an toàn. Nghiêm cấm tham gia hoạt động góp vốn, huy động vốn và môi giới, bao che, tiếp tay cho các đối tượng hoạt động “tín dụng đen”, cho vay lãi nặng, thành lập doanh nghiệp, hộ gia đình kinh doanh tài chính, dịch vụ cầm đồ, đòi nợ... vi phạm pháp luật; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đồng thời, chỉ đạo đoàn viên thanh niên của đơn vị tổ chức ra quân bóc gỡ, xóa bỏ tờ rơi, biển quảng cáo cho vay “tín dụng đen” trên các tuyến đường, khu vực công cộng.
UBND tỉnh cũng đề nghị Công an tỉnh tham mưu thành lập tổ công tác liên ngành do công an làm nòng cốt, kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh cầm đồ, đòi nợ và cơ sở kinh doanh có nghi vấn hoạt động “tín dụng đen”. Xử lý những biển hiệu, biển quảng cáo liên quan đến “tín dụng đen” vi phạm quy định về quảng cáo và Điều 5 Luật Các tổ chức tín dụng. Xây dựng kế hoạch, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn trong việc kiểm tra, giám sát, ngăn chặn và xử lý những cá nhân, cơ sở, tổ chức hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn. Mở các đợt cao điểm để đấu tranh, trấn áp tội phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, gắn với đấu tranh, triệt xóa các đường dây đánh bạc, tổ chức đánh bạc, lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức huy động vốn, tham gia hụi, họ, biêu phường, núp bóng doanh nghiệp để hoạt động...
Để “tín dụng đen” không còn “đất sống”, ngoài quyết tâm của lực lượng chức năng thì rất cần sự hợp tác của nhân dân và cả người bị hại. Trong đó có việc tích cực cung cấp thông tin tố giác tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, cho vay lãi nặng, kể cả hành vi bảo kê cho hoạt động “tín dụng đen” đến cơ quan điều tra có thẩm quyền. Khi phát hiện những hành vi như nêu trên, đề nghị các tầng lớp nhân dân báo ngay cho Công an tỉnh qua số điện thoại: 0868 113113 hoặc 02713 879434, hay cơ quan công an nơi gần nhất để được hỗ trợ và phối hợp xử lý.
B.C
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065