Hàng trăm ca mắc SXH mỗi tuần
Đến ngày 5-8-2019, toàn tỉnh Bình Phước ghi nhận 4.333 ca mắc SXH, 1 ca tử vong. Số ca mắc tăng 121% so cùng kỳ năm 2018 (4.333/1.963 ca), cao nhất tháng 7-2019 là 826 ca. 10/11 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh có số ca mắc tăng cao. Thị xã Bình Long là địa bàn duy nhất có số ca mắc SXH giảm (51%) so cùng kỳ năm 2018. Ngành y tế dự báo, hiện tình hình SXH trên địa bàn tỉnh diễn biến rất phức tạp, số ca mắc hằng tuần cao đột biến (từ > hơn 350 đến gần 450 ca/tuần). Nếu không có các biện pháp can thiệp kịp thời, đồng bộ, quyết liệt thì SXH có thể sẽ bùng phát thành dịch lớn, mất kiểm soát.
Đoàn công tác của Viện Pasteur, Viện Y tế công cộng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh... giám sát công tác phòng, chống sốt xuất huyết tại phường Tân Phú, thành phố Đồng Xoài
Bác sĩ Nguyễn Văn Sáu, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Đến ngày 5-8, toàn tỉnh phát hiện 249 ổ dịch SXH, trong đó đã xử lý 245 ổ, đạt 98,4%. 4 ổ dịch không được xử lý vì thông tin ca bệnh không chính xác, không tìm được địa chỉ. Tuy nhiên, qua giám sát biên bản xử lý ổ dịch, giám sát tại thực địa cho thấy chất lượng xử lý ổ dịch chưa đạt yêu cầu. Một số đơn vị không có biên bản giám sát, xử lý ổ dịch; không đánh giá hoặc đánh giá không đầy đủ chỉ số côn trùng trước, sau khi xử lý; cán bộ tham gia xử lý ổ dịch chỉ tập trung phun hóa chất diệt muỗi, chưa chú trọng diệt lăng quăng. Do đó, tại một số nơi chỉ số lăng quăng vẫn cao gấp nhiều lần so với yêu cầu. Qua kết quả giám sát chỉ số côn trùng thường xuyên hằng tháng tại các điểm giám sát tuyến tỉnh và điểm giám sát trọng điểm của tỉnh (xã Tân Tiến, huyện Đồng Phú và xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành) cho thấy, chỉ số mật độ muỗi tăng dần vào đầu mùa mưa, có sự hiện diện của 2 loài muỗi truyền bệnh SXH là Aedes aegypti và Aedes Albopitus. Ổ bọ gậy nguồn được xác định chủ yếu ở các dụng cụ phế thải (gáo dừa, lốp xe, thùng, xô nhựa) và chậu cây cảnh...
Đủ điều kiện phát sinh dịch
Thời gian qua, công tác phòng, chống SXH trên địa bàn tỉnh luôn được quan tâm thực hiện và nhận được sự hỗ trợ tích cực từ Trung ương. Khi có văn bản đề nghị Cục Y tế dự phòng, Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh đã kịp thời hỗ trợ hóa chất diệt côn trùng phòng, chống SXH cho địa phương (Cục Y tế dự phòng hỗ trợ 200 lít hóa chất, Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ 200 lít). Bên cạnh đó, Viện Pasteur, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TP. Hồ Chí Minh đã cử các đoàn công tác giám sát hỗ trợ việc phòng, chống SXH tại địa phương. Trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố thực hiện 2 chức năng (điều trị và dự phòng) nên công tác giám sát, chỉ đạo thực hiện các hoạt động xử lý ổ dịch phòng, chống SXH được thuận lợi, kịp thời. Phần mềm giám sát bệnh truyền nhiễm hiện đã hoạt động tốt, giúp công tác giám sát phát hiện ca bệnh, ổ dịch sớm nên các ổ dịch SXH được xử lý sớm theo quy định.
Tuy nhiên, đang là cao điểm mùa mưa đã tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh SXH sinh sản, đồng thời làm tăng quần thể muỗi truyền bệnh. Trong khi đó, Bình Phước là tỉnh có điều kiện tự nhiên (nhiệt độ, lượng mưa...) thuận lợi cho muỗi truyền bệnh SXH sinh sản và phát triển. Số ca bệnh SXH trên địa bàn tỉnh hiện tăng cao ở 10/11 huyện, thị xã, thành phố và hầu hết xã, phường trên địa bàn tỉnh đều đã ghi nhận ca bệnh. Đặc biệt trong tháng 7 vừa qua, số ca mắc SXH trên địa bàn tỉnh tăng cao đột biến.
Tiến sĩ, bác sĩ Quách Ái Đức, Giám đốc Sở Y tế lo lắng: Mặc dù các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh đã tích cực triển khai phun hóa chất diện rộng, kết hợp diệt lăng quăng phòng chống SXH tại những địa bàn nguy cơ, những nơi có ca bệnh tập trung, tăng cao nhưng nếu không có sự chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt của chính quyền các cấp; sự tham gia vào cuộc của các sở, ban, ngành, tổ chức đoàn thể, mỗi người dân và của cả cộng đồng trong công tác phòng, chống SXH thì SXH bùng phát thành dịch trên địa bàn tỉnh là điều hoàn toàn có thể. Có thể nói, SXH đang ở giai đoạn cao điểm do hội tụ đủ điều kiện phát sinh thành dịch, đó là có mầm bệnh (vi-rút dengeu), đường lây muỗi (có nhiều yếu tố thuận lợi cho muỗi sinh sản, phát triển làm tăng quần thể muỗi tại các địa bàn); một bộ phận nhân dân chưa có miễn dịch (bệnh chưa có vắc-xin phòng bệnh, có 4 tuýp vi-rút gây bệnh...)
Để triển khai các hoạt động phòng, chống chủ động, khống chế không để SXH bùng phát thành dịch, hiện ngành y tế tập trung chỉ đạo đơn vị chuyên môn giám sát chặt chẽ ca bệnh hằng ngày, hằng tuần, chỉ định xử lý ổ dịch sớm và triệt để theo quy định. Phun hóa chất chủ động diện rộng kết hợp triển khai chiến dịch diệt lăng quăng phòng, chống dịch SXH tại các địa bàn có số ca bệnh tăng cao. Đồng thời, chỉ đạo trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố tham mưu UBND xây dựng kế hoạch, huy động nguồn nhân lực triển khai chiến dịch diệt lăng quăng thông qua các hoạt động vệ sinh môi trường, duy trì 1 tuần/lần tại các khu vực có nguy cơ cao, 2 tuần/lần tại khu vực có chỉ số muỗi, lăng quăng cao và 1 tháng/lần tại các khu vực còn lại. Đẩy mạnh công tác truyền thông phòng, chống SXH dựa vào cộng đồng trên các phương tiện truyền thông tại địa bàn. Bên cạnh đó, tuyên truyền nhân dân nghiêm túc thực hiện khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng: “Hãy lật úp các dụng cụ chứa nước, loại bỏ các vật phế thải nơi muỗi đẻ trứng để phòng bệnh SXH”.
Phương Dung
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065