Địa bàn lý tưởng của nạn buôn lậu
Là tỉnh miền núi, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bình Phước là cửa ngõ thông thương với các vùng miền trong cả nước thông qua quốc lộ 13 và 14. Bình Phước còn là cầu nối giữa Đông Nam bộ, Tây nguyên và nước bạn Campuchia với đường biên giới dài hơn 260,4km. Toàn tỉnh có 3 huyện với 15 xã chung đường biên giới với nước bạn Campuchia. Đặc biệt, trên địa bàn Bình Phước hiện có 1 cửa khẩu quốc tế, 2 cửa khẩu chính, 1 cửa khẩu phụ, 1 lối mở và 1 chợ biên giới cùng 1 chợ tạm. Địa hình ở vùng biên giới của Bình Phước hiểm trở, nhiều sông, suối, rừng, là địa bàn lý tưởng cho các đối tượng buôn lậu, kinh doanh hàng giả và gian lận thương mại.
Lực lượng quản lý thị trường tỉnh bắt giữ một vụ vận chuyển gỗ lậu từ Campuchia
Các mặt hàng buôn lậu từ Campuchia qua chủ yếu là thuốc lá, trâu bò, đồ điện, điện tử, gỗ, nông sản. Còn hàng lậu từ Việt Nam sang nước bạn chủ yếu là xăng dầu, khí hóa lỏng, vật tư nông nghiệp, hàng tiêu dùng... Tình hình buôn lậu qua biên giới mấy năm gần đây hết sức phức tạp. Các đối tượng buôn lậu lợi dụng sự thiếu hiểu biết, kinh tế khó khăn của người dân vùng sâu, vùng biên giới để lôi kéo, dụ dỗ họ tham gia vận chuyển, cất giấu hàng lậu. Để đối phó với lực lượng chức năng, chúng dùng các thiết bị liên lạc hiện đại và thông báo cho nhau khi bị phát hiện. Đối tượng buôn lậu chỉ sử dụng phương tiện thô sơ như xe ôtô, gắn máy quá đát, hay thồ, gùi hàng đến các điểm tập kết sâu trong nội địa... để khi có “động” sẵn sàng vứt bỏ cả hàng lẫn xe.
Cách thành phố Hồ Chí Minh không xa, lại có đường giao thông thuận lợi nên Bình Phước cũng là địa bàn lý tưởng cho nạn buôn bán hàng lậu ở nội địa hoạt động. Hàng lậu của Trung Quốc từ các tỉnh, thành phía Bắc, miền Trung, Tây nguyên được tuồn về Bình Phước gây nhiều khó khăn đối với cơ quan chức năng trong tuần tra, truy quét.
Những biện pháp mạnh tay
Bà Phạm Thị Ngọc, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết, thời gian qua, chi cục đã phối hợp hải quan, bộ đội biên phòng, cảnh sát kinh tế, ngành thuế trong đấu tranh chống buôn lậu, kinh doanh hàng giả và gian lận thương mại. Chi cục đã thực hiện tốt cơ chế mua thông tin từ các tầng lớp nhân dân về buôn lậu, kinh doanh hàng giả và gian lận thương mại. Từ khi cơ chế mua thông tin được Bộ Tài chính thông qua, công tác chống buôn lậu, kinh doanh hàng giả và gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh, nhất là ở vùng biên giới đã có hiệu quả rõ rệt. Nhiều vụ buôn lậu qua biên giới với số lượng lớn, hình thức tinh vi đều bị nhân dân tố giác và cơ quan chức năng xử lý triệt để. Điển hình như vụ buôn lậu gỗ xảy ra tại khu vực Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư; hay đầu năm 2014, Công an tỉnh đã bắt giữ 1 vụ vận chuyển 2.387 gói thuốc lá nhập lậu... Theo một cán bộ Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, tùy theo giá trị lô hàng nhập lậu để chi trả cho người báo tin. Giá trị hàng lậu càng lớn thì số tiền trả cho người báo tin càng nhiều. Tuy nhiên, để có được những thông tin quý giá này, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh và các đội phải xây dựng mạng lưới thông tin rộng khắp các địa bàn.
Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành quyết định thành lập Ban chỉ đạo phòng chống buôn lậu, kinh doanh hàng giả và gian lận thương mại gồm 28 thành viên là lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND huyện, thị trong tỉnh, gọi tắt là Ban chỉ đạo 389 Bình Phước do một Phó chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban. Cơ quan thường trực của ban có con dấu, quyền hạn trong xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về đấu tranh phòng chống buôn lậu, kinh doanh hàng giả và gian lận thương mại.
Kết quả bước đầu
Theo bà Ngọc, mặc dù Ban chỉ đạo 389 Bình Phước được thành lập từ tháng 6-2014 nhưng trước đó tỉnh đã có Ban chỉ đạo 127 về đấu tranh phòng chống buôn lậu, kinh doanh hàng giả và gian lận thương mại. Việc thành lập Ban chỉ đạo 389 là nâng cao thêm một bước trong công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, kinh doanh hàng giả, gian lận thương mại. Nhờ đấu tranh quyết liệt nên từ đầu năm đến nay, Bình Phước đã kiểm tra, kiểm soát được gần 6.000 vụ; phát hiện và xử lý 3.221 vụ vi phạm, tổng số tiền xử phạt truy thu thuế hơn 32,5 tỷ đồng. Hiện 14 vụ đã chuyển cơ quan Công an tỉnh để khởi tố.
Theo bà Ngọc, để công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, kinh doanh hàng giả và gian lận thương mại hiệu quả hơn nữa thì Bình Phước cần đẩy mạnh tuyên truyền về sự nguy hại của hàng lậu, hàng giả, nhất là đối với người dân vùng biên giới. Đồng thời đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn vùng sâu, xa, biên giới; trang bị cho lực lượng chức năng những phương tiện, thiết bị phù hợp để có hướng xử lý kịp thời diễn biến của tình hình.
Tấn Phong
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065