Ngày 17-7-2012, Thủ tướng chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 929/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011-2015”. Điểm mới nổi bật và được xã hội đồng tình là quyết tâm của Chính phủ sẽ xử lý một cách kiên quyết đối với những doanh nghiệp nhà nước sản xuất kinh doanh kém hiệu quả. Tuy nhiên, đề án vẫn bảo lưu quan điểm giữ doanh nghiệp nhà nước (DNNN) làm nòng cốt của nền kinh tế. Thông qua đó, nhà nước sẽ định hướng, điều tiết nền kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô. Theo nội dung của đề án, các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước được chia là 3 nhóm.
Nhóm thứ nhất gồm các DNNN nắm giữ 100% vốn điều lệ trong các lĩnh vực thuộc độc quyền nhà nước.
Nhóm thứ 2 bao gồm các doanh nghiệp cổ phần hóa mà nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoạt động trong các ngành, lĩnh vực theo quyết định số 14/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ về ban hành tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước. Theo đó, nhà nước nắm giữ 75% vốn điều lệ khi cổ phần hóa các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước có quy mô lớn, hoạt động trong các lĩnh vực khai thác, chế biến tài nguyên, khoáng sản; cung cấp hạ tầng mạng thông tin truền thông.
Nhà nước nắm giữ 65% đến 75% vốn đều lệ khi cổ phần hóa các doanh nghiệp có quy mô lớn, hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất hóa chất cơ bản, phân hóa học; bán buôn lương thực; bán buôn thuốc phòng bệnh, chữa bệnh; hóa dược; tài chính, tín dụng; bảo hiểm; cấp, thoát nước; vệ sinh môi trường, chiếu sáng ở đô thị lớn; sản xuất, lưu giữ giống gốc cây trồng vật nuôi; sản xuất va81cxin phòng bệnh; quản lý, bảo trì đường bộ, đường thủy nội địa; quản lý khai thác cảng biển; sản xuất điện quy mô lớn; vận tải đường sắt, hàng không. Ngoài các doanh nghiệp trên, các doanh nghiệp khác khi cổ phần hóa, căn cứ tình hình cụ thể và khả năng thị trường, nhà nước sẽ nắm giữ trên 50% đến 65% vốn điều lệ hoặc không giữ cổ phần.
Nhóm thứ 3 bao gồm các DNNN thua lỗ kéo dài, không có khả năng khắc phục. nhóm doanh nghiệp này sẽ thực hiện bán, chuyển nhượng doanh nghiệp; tái cơ cấu lại nợ để chuyển thành công ty cổ phần, công ty TNHH nhiều thành viên; giải thể, phá sản.
Điểm mới thứ nhất trong đề án này là, Thủ tướng chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành sớm hoàn thiện khung pháp lý về tập đoàn kinh tế nhà nước. Chính phủ cũng sẽ có Nghị định riêng về tổ chức và hoạt động của từng tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đặc biệt quan trọng để nâng cao tính pháp lý, tăng cường công tác giám sát, kiểm tra của chủ sở hữu nhà nước và các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước hoạt động có hiệu quả hơn. Đồng thời, xây dựng cơ chế lựa chọn, bổ nhiệm cán bộ phù hợp, thuê tổng giám đốc, giám đốc điều hành, thành viên hội đồng quản trị, hội đồng thành viên.
Điểm mới thứ hai là các DNNN sẽ được thực hiện theo nguyên tắc thị trường thoái vốn đã đầu tư vào ngành không phải là ngành nghề kinh doanh chính của mình hoặc không trực tiếp liên quan với ngành kinh doanh chính; vốn nhà nước ở công ty cổ phần mà nhà nước không cần phải chi phối.
Điểm mới thứ ba trong đề án là nội dung tái cơ cấu của từng doanh nghiệp. theo đó, các DNNN phải rà soát, xác định lại nhiệm vụ, ngành nghề kinh doanh chính. Tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước chỉ sản xuất, kinh doanh những ngành nghề chính và những ngành, nghề liên quan phục vụ trực tiếp ngành nghề kinh doanh chính.
Thứ tư là Thủ tướng chính phủ yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty phải xây dựng phương án tài chính để triển khai thực hiện nhiệm vụ chính được giao và xử lý các tồn tại về tài chính trong quá trình tái cơ cấu. Trong nội dung đề án đã nêu rõ: “Chấm dứt tình trạng đầu tư ra ngoài ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính trước năm 2015”. Đối với các lĩnh vực: Ngân hàng, tài chính, chứng khoán, bất động sản, bảo hiểm, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước thực hiện theo ba hướng.
Thứ nhất là bán phần vốn của công ty mẹ - tập đoàn, tổng công ty nhà nước cho tổ chức, cá nhân ngoài tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước; không bán hoặc chuyển giao lại cho các đơn vị thành viên trong nội bộ.
Thứ hai là chuyển vốn về những tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh chính phù hợp. Việc chuyển vốn thực hiện thông qua các hình thức chuyển giao vốn hoặc chuyển nhượng vốn.
Thứ ba là chuyển toàn bộ doanh nghiệp do tập đoàn, tổng công ty giữ 100% vốn sang tập đoàn, tổng công ty có ngành nghề kinh doanh cùng với ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp chuyển giao. Việc này được thực hiện dưới hình thức chuyển nhượng doanh nghiệp hoặc chuyển giao nguyên trạng.
Để việc thực hiện đề án này mang lại hiệu quả, Thủ tướng chính phủ yêu cầu những tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước một mặt cần làm rõ trách nhiệm của cán bộ quản lý có liên quan. Mặt khác, cần cơ cấu lại vốn, tài sản theo hướng: Đánh giá thực trạng, xác định nhu cầu vốn để có cơ chế xử lý bổ sung vốn cho việc tiếp tục thực hiện các dự án đầu tư cấp bách…
Với nội dung cụ thể, bước đi rõ ràng… đề án tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước của Chính phủ đã và đang là nguồn động lực mới thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng và bền vững của hệ thống doanh nghiệp nhà nước, đồng thời góp phần tích cực vào việc sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo tinh thần nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần XI.
NV
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065