* Điều 23 của Hiến pháp hiện hành có quy định như sau: Tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức không bị quốc hữu hóa. Trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của cá nhân hoặc tổ chức theo thời giá thị trường. Thể thức trưng mua, trưng dụng do luật định. Tại Khoản 3, Điều 56 của Dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung các điều 22, 23 và 25) có quy định như sau: 3. Tài sản hợp pháp của tổ chức, cá nhân được Nhà nước thừa nhận, bảo hộ và không bị quốc hữu hóa. Trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng chống thiên tai, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của cá nhân, tổ chức theo giá thị trường. Thể thức trưng mua, trưng dụng do luật định. Và tại Khoản 2, Điều 57 cũng trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung Điều 17, Điều 18) có quy định như sau: 2. Tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất... Quyền sử dụng đất là quyền tài sản được pháp luật bảo hộ.
Thế nhưng tại Điểm d, Khoản 2, Điều 12 trong Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi lại quy định như sau: 2. Nhà nước thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu về đất đai như sau: d) Quyết định thu hồi đất;... Tại Điều 15 trong Dự thảo Luật Đất đai cũng có quy định về việc Nhà nước quyết định thu hồi đất, như sau: 1. Thu hồi đất để sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và để thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội; 2. Thu hồi đất do vi phạm pháp luật đất đai; 3. Thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật hoặc tự nguyện.
Từ những dẫn chứng trên đây cho thấy, giữa Hiến pháp hiện hành và Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và những quy định trong Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi không có sự thống nhất, thậm chí còn có những quy định vi hiến. Vì quyền sử dụng đất là tài sản được pháp luật bảo hộ, nhưng Nhà nước - người đại diện chủ sở hữu lại có quyền thu hồi của người sở hữu. Vì vậy, tôi đề nghị trong Dự thảo Luật đất đai cần sửa đổi nội dung trên theo hướng như quy định trong Hiến pháp hiện hành và Dự thảo Hiến pháp sửa đổi để không vi Hiến. Tức là Nhà nước chỉ thu hồi đất trong các trường hợp sau: Thu hồi đất để sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng; hoặc thu hồi đất do vi phạm pháp luật đất đai và thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật hoặc tự nguyện. Đối với việc thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội thì dứt khoát phải thực hiện cơ chế trưng mua, trưng dụng.
* Điều 26 trong Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi là những quy định về trách nhiệm của Nhà nước về đất ở, đất sản xuất nông nghiệp đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Ở Khoản 1 của Điều này có nội dung như sau: 1. Có chính sách đất ở cho đồng bào dân tộc thiểu số phù hợp với phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng. Từ thực tế cuộc sống ở nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay, tôi đề nghị ở khoản này cần được bổ sung cụm từ “tín ngưỡng, tôn giáo” vào ngay sau cụm từ “bản sắc văn hóa”. Vì, với đồng bào dân tộc thiểu số thì nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo là không thể thiếu. Cụ thể là đối với đồng bào Khơme thường theo tín ngưỡng thờ Phật và thờ cúng ông bà, cha mẹ hoặc những người thân đã khuất... tại gia hoặc tại các ngôi chùa. Do đó, Nhà nước cũng cần có chính sách về đất đai đối với hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào các dân tộc.
* Điều 27 là những quy định về trách nhiệm của Nhà nước trong việc cung cấp thông tin về đất đai. Tại Khoản 4 của điều này có nội dung như sau: 4. Cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong quản lý, sử dụng đất đai có trách nhiệm tạo điều kiện, cung cấp thông tin về quản lý, sử dụng đất đai cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật. Theo ý kiến của cá nhân tôi thì quy định như trên là chưa đầy đủ, chưa chặt chẽ và cũng không phù hợp với tình hình thực tế ở nước ta hiện nay. Cụ thể là trong nội dung trên có quy định rằng: Cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong quản lý, sử dụng đất đai có trách nhiệm tạo điều kiện, cung cấp thông tin về quản lý, sử dụng đất đai... Nếu quy định như vậy thì trách nhiệm của người có trách nhiện khó có thể được thực thi một cách trọn vẹn. Cụ thể là nếu quy định như vậy, nhưng người có trách nhiệm viện lý do bận nhiều công việc nên không thể “tạo điều kiện” cho người dân tiếp cận thông tin về đất đai. Nhưng nếu quy định rằng người có trách nhiệm phải thực thi trách nhiệm của mình, tức là không vì bất cứ lý do gì mà không thực thi trách nhiệm của mình.
Vì vậy, tôi đề nghị bỏ cụm từ “tạo điều kiện” ở Khoản 4 nêu trên. Đồng thời sửa đổi, bổ sung nội dung theo hướng phải khẳng định cơ quan Nhà nước, người có thẩm quyền trong quản lý, sử dụng đất đai có trách nhiệm cung cấp thông tin, chứ không phải chỉ là “tạo điều kiện”. Bởi vì, Nhà nước là của dân, do dân, vì dân - quyền lực Nhà nước là của nhân dân và đất đai là tài sản toàn dân, người có thẩm quyền là công bộc của dân. Do đó, Khoản 4, điều 27 được viết lại như sau: 4. Cơ quan Nhà nước, người có thẩm quyền trong quản lý, sử dụng đất đai có trách nhiệm cung cấp thông tin về quản lý, sử dụng đất đai cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.
N.V
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065