BP - Tại Điều 766 của Bộ luật dân sự năm 2005 có quy định như sau: 1. Việc xác lập, thực hiện, thay đổi, chấm dứt quyền sở hữu tài sản, nội dung quyền sở hữu đối với tài sản được xác định theo pháp luật của nước nơi có tài sản đó, trừ trường hợp quy định tại Khoản 2 và Khoản 4 điều này. 2. Quyền sở hữu đối với động sản trên đường vận chuyển được xác định theo pháp luật của nước nơi động sản được chuyển đến, nếu không có thỏa thuận khác. 3. Việc phân biệt tài sản là động sản hoặc bất động sản được xác định theo pháp luật của nước nơi có tài sản. 4. Việc xác định quyền sở hữu đối với tàu bay dân dụng và tàu biển tại Việt Nam phải tuân theo pháp luật về hàng không dân dụng và pháp luật về hàng hải của CHXHCNVN.
Theo suy nghĩ của cá nhân tôi thì Khoản 1 và Khoản 2 của điều này cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Ở Khoản 1 liệt kê chưa hết các loại quan hệ về quyền sở hữu, các quan hệ tài sản khác (hay chúng ta thường gọi là vật quyền để phân biệt với trái quyền). Ở Khoản 2 thì chưa chuẩn xác khi không đầy đủ các trường hợp ngoại lệ không áp dụng luật nơi có vật. Bên cạnh đó, ngoài trường hợp tài sản trên đường vận chuyển quốc tế là ngoại lệ có thể không áp dụng được nguyên tắc luật nơi có tài sản còn có các trường hợp khác như: đối tượng của quyền sở hữu là tài sản vô hình; hay quyền sở hữu được xác lập trên cơ sở thừa kế, thanh lý tài sản của pháp nhân.
Thứ nhất là về đối tượng của quyền sở hữu là tài sản vô hình (tài sản không nhìn thấy được), trong dân luật nhiều quốc gia, tài sản được chia làm hai loại: tài sản có thể chiếm giữ được; những yêu cầu về tài sản (các khoản nợ, bằng phát minh, quyền tài sản, giá trị mối làm ăn, danh tiếng của xí nghiệp, các giấy tờ có giá trị và cổ phiếu). Trong tư pháp quốc tế, động sản được chia làm hai dạng khác nhau là vật hữu hình và vật vô hình. Đối với loại động sản hữu hình (vật nhìn thấy được), việc áp dụng nguyên tắc nơi có tài sản không gặp khó khăn, song việc áp dụng nguyên tắc đó đối với động sản thuộc loại vô hình thì rõ ràng là không thể được (không nhìn thấy tài sản thì không thể biết nó ở đâu).
Thứ hai là quyền sở hữu được xác lập trên cơ sở thừa kế, pháp luật các quốc gia trên thế giới đều coi thừa kế hợp pháp (thừa kế theo pháp luật hoặc thừa kế theo di chúc) là một cơ sở xác lập quyền sở hữu. Điều này không phụ thuộc vào việc tài sản là đối tượng quyền sở hữu ở đâu. Trong khi đó, việc hưởng di sản thừa kế lại có thể được tiến hành theo pháp luật quốc gia nơi người để lại di sản có quốc tịch. Rõ ràng trong trường hợp này nếu vấn đề sở hữu liên quan đến cơ sở xác lập quyền sử hữu thì pháp luật được áp dụng phải căn cứ theo pháp luật về thừa kế (pháp luật đó có thể không phải là pháp luật nơi có vật).
Thứ ba là quyền sở hữu được xác lập trên cơ sở thanh lý tài sản của pháp nhân - một trong các vấn đề thuộc quy chế riêng của pháp nhân - được xác định theo pháp luật của quốc gia mà pháp nhân có quốc tịch, chứ không phải là pháp luật nơi có tài sản.
Từ những phân tích trên, tôi đề xuất Điều 766 cần được sửa đổi và bổ sung như sau: 1. Quan hệ về quyền sở hữu và các quan hệ tài sản khác được xác định theo pháp luật của nước nơi có tài sản đó, trừ trường hợp quy định tại các khoản 2, 3, 4, 5 của điều này; 2. Quyền sở hữu đối với động sản trên đường vận chuyển quốc tế tại lãnh thổ không thuộc quốc gia nào được xác định theo pháp luật của nước nơi động sản được chuyển đến, nếu không có thỏa thuận khác, trong trường hợp hàng hóa được chuyển đến 2 quốc gia trở lên thì pháp luật được áp dụng là pháp luật mà con tàu chở hàng có quốc tịch; 3. Việc xác lập quyền sở hữu đối với tài sản vô hình được xác định theo pháp luật của quốc gia mà các bên thỏa thuận lựa chọn; 4. Việc xác lập quyền sở hữu đối với tài sản là di sản thừa kế được xác định theo pháp luật về thừa kế đối với di sản ấy; 5. Việc xác lập quyền sở hữu đối với tài sản khi thanh lý tài sản của pháp nhân được xác định theo pháp luật của quốc gia mà pháp nhân có quốc tịch; 6. Việc phân biệt tài sản là động sản hoặc bất động sản được xác định theo pháp luật của nước nơi có tài sản. 7. Việc xác định quyền sở hữu đối với tàu bay dân dụng và tàu biển tại Việt Nam phải tuân theo pháp luật về hàng không dân dụng và pháp luật về hàng hải của CHXHCNVN.
Thanh Hải
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065