Về “quy định chung”
Tại Mục 1 của phần thứ hai gồm có 4 điều, từ Điều 181-183 là những quy định làm căn cứ xác lập, chấm dứt, điều kiện đối kháng và thời điểm chuyển giao. Tại Điều 181 có quy định như sau: 1. Quyền sở hữu và các vật quyền khác được xác lập trong trường hợp Hiến pháp, Bộ luật này và luật khác có liên quan quy định. 2. Các vật quyền khác vẫn có hiệu lực trong trường hợp quyền sở hữu được chuyển cho người khác. Theo tôi thì cụm từ “Hiến pháp” không cần quy định trong Bộ luật Dân sự vì mọi đạo luật nói chung và Bộ luật Dân sự nói riêng đều nhằm cụ thể hóa Hiến pháp theo phạm vi và đối tượng điều chỉnh của ngành luật nên không thể trái Hiến pháp! Nếu cẩn trọng quá trong kỹ thuật lập pháp thì điều luật nào cũng cần phải có từ “Hiến pháp” sẽ không ổn.
Còn tại Khoản 1, Điều 182 về thời điểm xác lập quyền sở hữu, các vật quyền khác và hiệu lực đối kháng với người thứ ba có quy định như sau: 1. Việc xác lập quyền sở hữu và vật quyền khác có hiệu lực kể từ thời điểm tài sản được chuyển giao, nếu hợp đồng hoặc luật không có quy định khác. Trường hợp hợp đồng và luật cùng quy định nhưng khác nhau về thời điểm xác lập quyền sở hữu, vật quyền khác thì áp dụng theo quy định của luật. Thời điểm tài sản được chuyển giao được hiểu là thời điểm bên có quyền hoặc người đại diện hợp pháp của họ trực tiếp nắm giữ, chi phối tài sản. Theo tôi thì quy định như trên là chưa rõ ràng, chưa cụ thể. Tức là chưa làm rõ được việc chuyển giao tài sản này là chuyển giao nhằm mục đích gì? Chuyển giao quyền sở hữu hay chuyển giao quyền sử dụng? Chuyển giao gửi giữ hoặc chuyển giao thế chấp hay chuyển giao cầm cố? Quy định thời điểm này nhằm giải quyết vấn đề gì?
Về bảo vệ quyền sở hữu và các vật quyền khác
Quy định này được nêu trong các điều từ Điều 184-189 của dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi. Theo suy nghĩ của cá nhân tôi thì nội dung của Điều 184 là không phù hợp với tên của điều luật, mà hàm chứa nội dung quy định về sự hạn chế quyền sở hữu của chủ sở hữu hoặc của người sử dụng hợp pháp tài sản. Cụ thể, nội dung của Khoản 1, Điều 184 như sau: “1. Quyền sở hữu và các vật quyền khác của các chủ thể được pháp luật công nhận và bảo vệ”, là quy định thừa. Còn quy định ở Khoản 2 và Khoản 3 của điều này lại hàm chứa quy định về hạn chế quyền của chủ thể. Nội dung của các khoản này như sau: 2. Không ai có thể bị hạn chế, bị tước đoạt trái luật quyền sở hữu và các vật quyền khác. Trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng thì quyền sở hữu và các vật quyền khác có thể bị hạn chế theo quy định của luật. 3. Trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng chống thiên tai, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của tổ chức, cá nhân theo giá thị trường, trừ trường hợp luật quy định khác.
Theo suy nghĩ của tôi thì việc bảo vệ quyền sở hữu trong lĩnh vực dân sự chỉ có 4 phương thức và nên quy định thật rõ từng phương thức trong điều luật này là: Tự bảo vệ quyền sở hữu; kiện đòi lại tài sản; kiện đòi bồi thường thiệt hại. Kiện đòi chấm dứt hành vi xâm phạm chủ sở hữu hoặc người sử dụng hợp pháp tài sản.
Về hạn chế quyền sở hữu
Tôi đề nghị cần xem lại quy định tại Khoản 2, Điều 190: Người có quyền sử dụng đất được sử dụng không gian và lòng đất theo chiều thẳng đứng từ ranh giới trong khuôn viên đất phù hợp với quy hoạch xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định và không được làm ảnh hưởng đến việc sử dụng đất liền kề của người khác. Vì theo tôi thì lòng đất là một khái niệm rộng, nó còn bị chi phối bởi nhiều ngành luật khác nhau điều chỉnh, cho nên quy định như Khoản 2, Điều 190 cần xem xét lại.
Mục 3 của phần này có tên “Hạn chế quyền sở hữu”. Đồng thời, trong các điều 190, 191, 192 cũng sử dụng cụm từ “Hạn chế quyền sở hữu”, tôi đề nghị mục này nên quy định tại mục nguyên tắc thực hiện quyền sở hữu sẽ phù hợp hơn.
Diệp Viên
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065